0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Điều 254 Bộ luật Hình sự quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy      

Chi tiết Điều 254 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

    1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Có số lượng  20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;

e) Vận chuyển, mua bán qua biên giới ;

g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

  • Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được phương tiện, dụng cụ mà người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán sẽ được dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý và thấy rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện.

  • Khách thể của tội phạm:

Hành vi phạm tội nêu trên đã xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các chất ma túy.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phạm này là việc thực hiện một trong những hành vi sau đây:

+ Hành vi sản xuất các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma tuý. Đó là hành vi chế tạo, gia công, cải tiến một hoặc hàng loạt các phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma tuý.

+ Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý: Là hành vi cất giữ bất hợp pháp chất ma tuý ở bất kỳ nơi nào mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác. Hành vi tàng trữ bị coi là trái phép khi hành vi đó được thực hiện hoàn toàn không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

+ Hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý: Là hành vi chuyển dịch trái phép chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào như mang theo người, chuyển qua đường bưu điện, đường hàng không… mà không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma tuý khác.

+ Hành vi mua bán trái phép chất ma tuý: Là hành vi trao đổi trái phép chất ma tuý, thông qua hành vi mua và bán, hoặc hành vi mua nhằm mục đích để bán hoặc hành vi bán trái phép chất ma tuý nhằm kiếm lời.
Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi khách quan kể trên.

Lưu ý:

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

– Chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

– Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và chỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Trường hợp đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Văn bản hướng dẫn:

  • Hướng dẫn toàn điều:

+ Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

+ Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015  sửa đổi Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999

  1. VỀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
  2. Về một số khái niệm

1.1. “Chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính, trọng lượng chất ma túy đó.

Ví dụ: Thuốc phiện, hêrôin được hòa thành dung dịch thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của thuốc phiện trong dung dịch để tính trọng lượng của thuốc phiện hoặc xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của hêrôin để tính trọng lượng hêrôin”.

b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện.

1.3. “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

1.4 Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng đẻ xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.

Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.

  • Hưỡng dẫn khoản 1:

Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

  1. VỀ CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
  2. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196).

5.1. “Sản xuất các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là làm ra các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này (có thể bằng phương pháp thủ công hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

5.2. “Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi cất giữ các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này ở bất kỳ địa điểm nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

5.3. “Vận chuyển các phương tiện dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dịch chuyển các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, quần…; có thể để trong hành lý như vali, túi xách…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

5.4. “Mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Bán các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Mua các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này nhằm bán cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Xin các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

d) Dùng các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

đ) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này nhằm bán lại trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

e) Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

g) Vận chuyển các phương tiện, dụng cụ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Thông tư này nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

 

5.5. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

a) Chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ là nhằm để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Người lần đầu sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy và chỉ dùng các phương tiện, dụng cụ này để cho bản thân họ sử dụng trái phép chất ma túy, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính. Trường hợp đã bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đối với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ năm bộ dụng cụ, phương tiện (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở xuống thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để không truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính.

d) “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại khoản 2 Điều 196 của BLHS là trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ hai mươi bộ phương tiện, dụng cụ (có thể cùng loại, có thể khác loại) trở lên.

– Hướng dẫn điểm b khoản 2 “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và điểm c khoản 2 “Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

  1. VỀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
  2. Về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt.

2.1. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196 và 198 của BLHS, được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.

2.2. Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195 và 196 của BLHS được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi phạm tội.

====================================================

Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979

Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.

  1. Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy:  Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
  2. VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
  3. Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.

Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây

Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long