0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Điều 402 Bộ luật Hình sự quy định về tội đào ngũ

Chi tiết Điều 402 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 402 Bộ luật Hình sự quy định về tội đào ngũ

Chi tiết Điều 402 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 402. Tội đào ngũ

    1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

  • Chủ thể của tội phạm:

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 192/2016/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng thì chủ thể của tội đào ngũ là sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và binh sỹ phục vụ tại ngũ.

  • Khách thể của tội phạm:

Khách thể là quan hệ xã hội mà tội đào ngũ xâm phạm đến, ở đây là xâm phạm trực tiếp đến nghĩa vụ, chế độ phục vụ của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó chế độ nghĩa vụ quân sự áp dụng đối với hạ sỹ quan, binh sỹ thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Chế độ phục vụ tại ngũ của sỹ quan chuyên nghiệp, quân nhân chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

+  Yếu tố lỗi: Tại tội đào ngũ lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. Cố ý trực tiếp ở đây là bản thân người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình gây nguy hiểm cho xã hội, nhận biết được và mong muốn hậu quả xảy ra.

+ Động cơ và mục đích của hành vi phạm tội là nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội:

Đối với tội đào ngũ, hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi rời bỏ đơn vị: bao gồm tự ý rời bỏ đơn vị hoặc không có mặt tại đơn vị một cách trái phép. Trong đó:

  • Tự ý đi khỏi nơi công tác, đơn vị, nơi điều trị, nơi điều dưỡng khi không được phép của người có thẩm quyền. Người có thẩm quyền có thể là chỉ huy, cấp trên trực tiếp hoặc người quản lý, người được phân cấp quản lý.
  • Không có mặt tại đơn vị là không đến đơn vị, đến nơi công tác, nơi điều dưỡng, nơi điều trị… nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ, nhiệm vụ của bản thân.

Tuy nhiên hành vi tự ý rời bỏ khỏi đơn vị chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Trong thời kì chiến tranh mà rời khỏi hàng ngũ quân đội.
  • Hành vi tự ý rời bỏ trước đây đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà bây giờ còn vi phạm.

Theo Điều lệnh quản lý bộ đội, quân nhân có hành vi đào ngũ đã bị xử lý kỷ luật và hiện nay thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật vẫn còn thì sẽ bị truy cứu tách nhiệm hình sự nếu tiếp tục thực hiện hành vi này. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật là sáu tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, 12 tháng đối với hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, tính kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Căn cứ theo Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu mà quân nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định này, chưa bị cắt quân số đồng thời chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 bị buộc trở lại đơn vị, nơi công tác nhưng không trở lại.

+ Gây ra hậu quả nghiêm trọng:

Hậu quả ở đây đó có thể là hậu quả vật chất: thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Hậu quả phi vật chất, có thể là ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an ninh quốc phòng; ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của toàn đơn vị; làm giảm khả năng chiến đấu, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Quân đội nhân dân; ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ Quân đội hoặc mối quan hệ giữa nhân dân và quân nhân..v.v. Tuy nhiên việc thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, để xác định được mức độ nghiêm trọng cần phải xem xét toàn bộ các hậu quả đã xảy ra. Tuy nhiên hậu quả của hành vi rời bỏ khỏi đơn vị không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội đào ngũ.

Văn bản hướng dẫn:

Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

Chương 9:

CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN

  1. Tội đào ngũ (Điều 259)

Tội phạm thể hiện ở hành vi của quân dân rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ, cụ thể là tự ý đi khỏi đơn vị, trốn về nhà hoặc trốn đi nơi khác, có ý thức bỏ hẳn đơn vị.

Quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào hoặc Campuchia mà trốn ở lại nước đó, nếu không nhằm chống chính quyền nhân dân là phạm tội đào ngũ và tội ở lại nước ngoài trái phép (Điều 89). Quân nhân làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào hoặc Campuchia mà trốn sang nước ngoài khác, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân là phạm tội đào ngũ và tội xuất cảnh trái phép.

====================================================

Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979

Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.

  1. Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy:  Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
  2. VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
  3. Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.

Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây

Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long