0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Điều 255 Bộ luật Hình sự quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Chi tiết Điều 255 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

    1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Hà Nội phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

  • Chủ thể của tội phạm:

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

+ Lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý. Tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy được trước các tác hại của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, hành vi chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, không tồn tại trường hợp nào do lỗi cố ý gián tiếp.

+ Mục đích, động cơ phạm tội: mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với nhiều cách và mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là vì mục đích vụ lợi. Đây là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Tức là các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma tuý vào cơ thể của người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tội mua bán trái phép chất ma tuý…hoặc sử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

  • Khách thể của tội phạm:

Là chế độ quản lí của nhà nước về việc sử dụng chất ma túy với mục đích chữa bệnh. Bởi vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khỏe, trật tự an toàn xã hội.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là nạn nhân mà ngược lại họ là người chủ động sử dụng ma tuý.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan:

người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan khác nhau, còn tổ chức chỉ là quy mô của tội phạm cũng như phạm tội có tổ chức là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt trong nhiều tội phạm. Vì vậy, khi nghiên cứu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cầ phân biệt với tình tiết phạm tội có tổ chức và người tổ chức trong vụ án có đồng phạm.

Phạm tội tổ chức nhất thiết phải có từ 2 người trở lên. Là một hình thức đồng phạm có sự kết cấu chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Người tổ chức: là người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm, nói lên vai trò nhiệm vụ của một người trong một vụ án có đồng phạm, còn hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không nhất thiết phải là người cầm đầu trong một vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

Như vậy tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ có một hành vi khách quan là hành vi tổ chức. Hành vi này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

  • Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa ma tuý vào cơ thể người khác

Trường hợp phạm tội này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình như người tổ chức trong vụ án có tổ chức, nhưng việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Người khác ở đây là người có nhu cầu sử dụng chất ma tuý.

  • Thuê, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý…để sử dụng ma tuý và đưa ma tuý vào cơ thể người khác.

Muốn sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải có địa điểm. Tuy nhiên địa điểm để sử dụng trái phép chất ma tuý cũng đa dạng như địa điểm đối với hành vi tổ chức đánh bạc. Có thể là những điểm tĩnh như: nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng, quán nước, vườn cây, chòi cá… nhưng cũng có thể trên các phương tiện giao thông như: máy bay, tầu thuỷ, tầu hoả, ô tô, thuyền, bè… Trong các địa điểm trên, có loại thuộc quyền quản lý của Nhà nước, của tập thể, của tổ chức… nhưng có loại thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của cá nhân.

  • Cung cấp trái phép chất ma tuý (trừ hành vi bán trái phép chất ma tuý) cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý.

Đây là trường hợp người phạm tội có chất ma tuý dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được… rồi đem chất ma tuý đó cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép. Nếu bán chất ma tuý đó cho người khác để họ sử dụng trái phép thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý.

  • Chuẩn bị chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
  • Tìm người sử dụng chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể của người họ.
  • Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào ( mua, xin, tàng trữ, sản xuất…), nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác

Trường hợp phạm tội này người phạm tội không chuẩn bị chất ma tuý mà chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý và dùng các phương tiện, dụng cụ này để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.

  • Các hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý như: cho người khác tiền, cho người khác vay tiền để người đó mua chất ma tuý sử dụng trái phép, cho người khác tài sản, cho người khác vay tài sản không phải là tiền để người đó đổi lấy chất ma tuý sử dụng trái phép; giúp người khác hút, hít trái phép chất ma tuý; giúp người khác tiêm, chích trái phép chất ma tuý…

+ Hậu quả

Hậu quả của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ có xẩy ra đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý thì những thiệt hại đó là yếu tố định khung hình phạt

Văn phòng luật sư cung cấp văn bản hướng dẫn:

  • Hướng dẫn toàn điều:

+ Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

+ Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015  sửa đổi Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP  ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999

  1. VỀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
  2. Về một số khái niệm

1.1. “Chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính, trọng lượng chất ma túy đó.

Ví dụ: Thuốc phiện, hêrôin được hòa thành dung dịch thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của thuốc phiện trong dung dịch để tính trọng lượng của thuốc phiện hoặc xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của hêrôin để tính trọng lượng hêrôin”.

b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện.

1.4 Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng đẻ xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.

Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.

  • Hướng dẫn khoản 1:

+ Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999

  1. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
  2. Trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm về ma tuý trong một số trường hợp cụ thể
  3. Người nào biết người khác mua chất ma tuý để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma tuý và bị bắt giữ nếu xét thấy trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý.
  4. Trong trường hợp nhiều người nghiện ma tuý cùng góp tiền mua chất ma tuý để sử dụng trái phép và bị bắt giữ nếu tổng trọng lượng chất ma tuý mua được đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì họ cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
  5. Người nào nghiện ma tuý có chất ma tuý hoặc bỏ tiền mua chất ma tuý cho những người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng và bị bắt giữ nếu trọng lượng chất ma tuý đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý; nếu trọng lượng chất ma tuý chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, thì đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

đ. Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

  1. Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội mua bán trái phép chất ma tuý, người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
  2. Người nào nghiện ma tuý rủ người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cùng đi mua chất ma tuý để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuỳ từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý.

+ Thông tư liên tịch số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

  1. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197)

6.1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

6.2. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

a) Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.

6.3. Về một số tình tiết là yếu tố định khung quy định tại Điều 197 của BLHS.

a) “Đối với người đang cai nghiện” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 197 của BLHS là trường hợp phạm tội đối với người mà người đó đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc tại cộng đồng dân cư.

b) “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 của BLHS là trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người sử dụng chất ma túy như HIV/AIDS, viêm gan B, lao…

Trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 197 của BLHS, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 118 của BLHS.

c) “Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 197 của BLHS là gây bệnh nguy hiểm cho từ hai người trở lên.

d) “Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 197 của BLHS là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%.

đ) “Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật 61% trở lên” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 197 của BLHS là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên.

====================================================

Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979

Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.

  1. Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy:  Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
  2. VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
  3. Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.

Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây

Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long