0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư bào chữa cho thân chủ từ các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án Hình Sự

Những kinh nghiệm và kỹ năng của Luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự

Luật sư tham gia bào chữa cho thân chủ của mình có thể nói giai đoạn xét xử vụ án hình sự là quan trọng nhất, khi tất cả tài liệu, chứng cứ hợp pháp của cơ quan tiến hành tố tụng; lời khai của người tham gia tố tụng và các tài liệu, chứng cứ hợp pháp, lời biện hộ của người bào chữa hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đều được đưa ra xem xét, đánh giá, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa, là căn cứ để hội đồng xét xử đi đến quyết định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, nếu có thì phạm tội gì, mức nào của khung hình phạt về tội đó. Luật sư tham gia vào giai đoạn xét xử dù với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự trong vụ án hình sự thì đều phải sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng (khoản 4 Điều 5 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), bảo đảm quá trình xét xử vụ án diễn ra đúng quy định, bản án đùng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trình tự thủ tục của Luật sư trong giai đoạn( tiền tố tụng), điều tra:

Sau khi khách hàng, người thân ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với các văn phòng luật sư hoặc Công ty Luật để thuê luật sư bào chữa cho người nhà hoặc cho chính bản thân trong vụ án hình sự.

Thủ tục cụ thể quy định: khách hàng ký đơn mời luật sư, nêu rõ trong nội dung đơn mời luật sư để là cơ sở trong việc Luật sư làm thủ tục pháp lý đối với các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến cấp giấy chứng nhận bào chữa ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Đảm bảo vai trò của Luật sư tham gia tố tụng theo luật định.

Trước khi tiếp cận Hồ sơ vụ án trong giai đoạn tiền tố tụng, hay trong giai đoạn điều tra Luật sư lắng nghe, phân tích tổng hợp tất cả các diễn biến nội dung sự việc cũng như hành vi để xác định yếu tố lỗi, cũng như các quy định của pháp luật hình sự các văn bản quy phạm pháp luật để xác định tính chất mức độ hành vi vi phạm của thân chủ của mình ở khung khoản, hoặc điều luật áp dụng để là cơ sở tư vấn pháp lý định hướng cho thân chủ của mình một cách tốt nhất và có phương pháp tốt nhất cho khách hàng.

Xây dựng phương án, kế hoạch định hướng công việc Luật sư cần làm cho khách hàng biết để cùng phối hợp, hỗ trợ như thu thập xác minh thông tin, tiếp cận chứng cứ, củng cố chứng cứ vững chắc, nhân chứng, vật chứng, là cơ sở để chứng minh làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hoặc minh oan cho thân chủ của mình chứng minh ngoại phạm của thân chủ, hoặc người thân của khách hàng.

Luật sư chủ động có văn bản công văn đề nghị cơ quan điều tra thông báo lịch làm việc, tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai đảm bảo quyền và lợi ích của người thân khách hàng, hoặc thân chủ của mình không bị thông cung, mớm cung, giám sát việc nhục hình, ép cung. Đảm bảo đúng tính khách quan của vụ án, bản chất của sự việc vừa bảo vệ quyền lợi cho thân chủ cũng như giám sát việc làm của cơ quan tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư tham gia các buổi đối chất, mở niêm phong, xác định bồi thường thiệt hại dân sự, có văn bản đề nghị kiến nghị cơ quan tố tụng khi xác định có việc bỏ lọt tội phạm hoặc kiến nghị các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến tội danh và khung khoản trong điều luật viện dẫn.

Luật sư kiến nghị Kết luận điều tra, cáo trạng của cơ quan tố tụng để làm rõ những vấn đề cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa làm rõ, hoặc truy tố về tội danh không đúng đối với thân chủ hoặc người thân của khách hàng.

Luật sư là kênh thông tin liên lạc cho gia đình của thân chủ biết diễn biến sự việc, tình hình người thân của khác hàng đang ở trong trại tạm giam, khi gia đình chưa hoặc không được tiếp xúc trực tiếp. Luật sư tư vấn quyền thăm gặp của khách hàng đối với người thân trong trại tạm giam ( Hàng tháng thăm gặp 1 lần cũng như việc tiếp tế, làm thủ tục thăm gặp vvv).

Luật sư làm việc với khách hàng liên quan đến thay đổi biện pháp giam giữ, bảo lĩnh, những tình tiết tăng nặng giảm nhẹ như: hướng dẫn gia đình làm thủ tục đơn xác nhận bảo lĩnh, xác nhận những huân huy chương, văn bằng chứng chỉ, liên quan đến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điều 51 Bộ Luật hình sự.

Luật sư tham gia bào chữa cho người thân của khách hàng, thân chủ của mình tại cơ quan tòa án:

Hoạt động xét xử vụ án hình sự diễn ra tại phiên tòa cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm nếu bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị) khi luật sư tham gia có đặc trưng sau:

  • Tòa án là cơ quan xét xử giữ vai trò trung tâm điều khiển phiên tòa và làm trọng tài cho cuộc tranh tụng giữa luật sư (bên biện hộ) và kiểm sát viên (bên công tố), từ đó xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án;
  • Kiểm sát viên đại diện cho viện kiểm sát thực hiện việc buộc tội đối với bị cáo thông qua bản cáo trạng, luận tội;
  • Bị cáo trong giai đoạn này vẫn đang là người bị tình nghi phạm tội nhưng thực tế tại phiên tòa, dưới góc độ của cơ quan và người tiến hành tố tụng thì thường có cái nhìn về họ như họ thực sự đã có tội, bản thân bị cáo thường trong trạng thái mệt mỏi, tâm lý hoang mang, dao động dẫn đến buông xuôi, chấp nhận sự buộc tội của kiểm sát viên và tuyên phạt của tòa án đối với mình;
  • Bị hại, đương sự thì lo lắng, căng thẳng, mất bình tĩnh do không biết được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình cũng như các quy định pháp luật có lợi khi tham gia phiên tòa nên thường trong thế bị động khi hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư (người bào chữa) hỏi, tranh luận; nhiều khi không hiểu nội dung câu hỏi dẫn đến trả lời không đúng, mâu thuẫn hay gây bất lợi cho chính mình;
  • Luật sư với vai trò người bào chữa hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì đều là “chỗ dựa tinh thần” cho thân chủ tại chốn Cung đình, giúp bị cáo hay bị hại, đương sự ổn định tâm lý để bình tĩnh, sáng suốt trình bày và phải “phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng” (quy tắc 3 Bộ quy tắc Đạo đức, ứng xử nghề luật sư tại Việt Nam), thể hiện chủ yếu ở phần tranh tụng thông qua bản luận cứ bào chữa hay bản luận cứ bảo vệ của luật sư, những lập luận, lý lẽ “sắc bén” với các bên (nhất là với bên công tố, bên người tham gia tố tụng có quyền lợi đối lập nhau) và các tài liệu, chứng cứ thu thập được có lợi cho khách hàng.

Giai đoạn xét xử được xác định thời điểm bắt đầu từ khi tòa án nhận được hồ sơ vụ án hình sự do viện kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Giai đoạn xét xử tại phiên tòa sơ thẩm bao gồm: thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án (phiên tòa phúc thẩm cũng tương tự).

Vai trò của luật sư được thể hiện qua từng phần trong giai đoạn xét xử.

          Bắt đầu phiên tòa

Phần này thực hiện các thủ tục bắt đầu phiên tòa. Tuy vậy, Luật sư cần tập trung theo dõi suốt quá trình thực hiện do có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của khách hàng.

Luật sư có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư kí tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật khi có căn cứ xác định trong số họ có thể có người không trung thực, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ.

Luật sư cũng cần để ý đến các biện pháp bảo đảm cho người làm chứng trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến vụ án. Luật sư khi thấy cần thiết và có căn cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ tại phiên tòa có thể yêu cầu chủ tọa phiên tòa triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu xem xét, yêu cầu hoãn phiên tòa nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lí do sức khỏe không thể tham gia tố tụng.

Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa

Luật sư thể hiện rõ và toàn diện nhất vai trò người bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự là thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, bao gồm:

Luật sư tham gia xét hỏi

          Việc xét hỏi gồm các hoạt động: công bố bản cáo trạng; xét hỏi; công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố (nếu có); hỏi bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; hỏi người làm chứng (nếu có); xem xét vật chứng; nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; xem xét tại chỗ, trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức; hỏi người giám định, người định giá tài sản (nếu có); điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến, kết thúc xét hỏi và kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa (nếu có).

Sau khi nghiên cứu, xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, tài liệu chứng cứ có liên quan được thu thập hợp pháp từ các giai đoạn tố tụng trước, căn cứ các quy định pháp luật có liên quan tìm ra sự thật của vụ án, xác định những vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ trong hồ sơ vụ án (nhất là trong bản cáo trạng) mà khi trả lời sẽ có thể làm rõ bản chất vụ án, các tình tiết có lợi cho khách hàng, luật sư nên lên danh mục khoa học, hợp lí các nội dung cần hỏi với từng bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; người làm chứng (nếu có) trong vụ án. Khi luật sư bào chữa hỏi xong, nếu thấy có những tình tiết phát sinh cần làm sáng tỏ có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm.

Luật sư có thể yêu cầu hội đồng xét xử xem xét vật chứng; nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; xem xét tại chỗ; trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức; hỏi người giám định, người định giá tài sản (nếu có) khi có nội dung mâu thuẫn, có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự… Luật sư có quyền trình bày nhận xét của mình về kết luận liên quan đến các nội dung đó.

Tranh luận của Luật sư

Tranh luận gồm các hoạt động: trình tự phát biểu khi tranh luận; luận tội của kiểm sát viên; tranh luận; trở lại việc xét hỏi (nếu cần thiết); bị cáo nói lười sau cùng và xem xét về việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Khi kiểm sát viên luận tội, luật sư cần tập trung lắng nghe, vận dụng các kỹ năng chuyên môn của mình để phân tích, xử lí, đánh giá nhanh, chính xác về nội dung luận tội đã phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức bồi thường thiệt hại, xử lí vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án đã đúng hay chưa? Qua đó, luật sư sẽ xác định được các vấn đề chưa thỏa đáng, hợp lí trong luận tội và đề nghị kết tội của kiểm sát viên, chuẩn bị nội dung tranh luận với kiểm sát viên.

Khi tranh luận tại phiên tòa, luật sư có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với kiểm sát viên về những nội dung tranh luận nêu trên. Luật sư có quyền đưa ra đề nghị của mình. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của luật sư tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của nhau.

Thời gian tranh luận không bị hạn chế là cơ hội để luật sư thể hiện được bản lĩnh pháp lý, năng lực chuyên môn và kỹ năng tranh tụng của mình. Trong khi tranh tụng, luật sư cần chú ý tập trung vào những ý kiến liên quan đến vụ việc, tránh lặp lại; đề nghị tranh luận đầy đủ với kiểm sát viên. Khi bị cáo được nói lời sau cùng, luật sư cũng cần tập trung lắng nghe vì có thể xuất hiện tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án có lợi cho khách hàng thì yêu cầu hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi.

Nghị án và tuyên án

          Gồm các hoạt động: nghị án, tuyên án; trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án (tùy trường hợp cụ thể).

Vai trò của luật sư không được thể hiện nhiều trong phần này, chủ yếu ở thời điểm tòa tuyên án. Sau khi nghe tòa tuyên án, luật sư nhận thấy bản án phản ánh không khách quan, đầy đủ các nội dung thực tế diễn ra tại phiên tòa cũng như trong toàn bộ giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án; có dấu hiệu, hành vi vi phạm tố tụng hình sự và quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo hoặc bị hại, đương sự không được bảo đảm thì nhanh chóng trao đổi và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ, từ đó đưa răt vấn hợp lí nhất về việc thực hiện quyền kháng cáo của thân chủ. Qua phân tích trên có thể thấy vai trò của luật sư – người biện hộ là rất quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung, trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự nói riêng. Nếu không có sự tham gia của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ thiếu công bằng, không khách quan và mang tính một chiều trong bản án,các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự không được bảo đảm, phần tranh tụng sẽ mang tính chất hình thức, áp đặt, dễ dẫn đến oan sai, công lí không được thực thi.

Những khó khăn ảnh hưởng đến vai trò của luật sư trong giai đoạn điiều tra, xét xử:

  1. Vẫn còn cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm, kiểm sát viên, điều tra viên có nhận định không đúng, không khách quan về sự tham gia của luật sư vụ án hình sự nói chung và trong giai đoạn xét xử nói riêng. Họ quan niệm việc hiện diện của luật sư là sự “cản trở”, “xoi mói” các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến thiếu thiện chí, ác cảm, thiếu tôn trọng khi làm việc, tiếp xúc với luật sư. Đây là một trong những khó khăn chính làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự.
  2. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử chưa được đảm bảo vi hoạt động tham gia tranh tụng của luật sư trong phần xét hỏi và tranh luận còn bị hạn chế. Luật sư trong khi hỏi, tranh luận thường bị chủ tọa phiên tòa ngắt lời, dừng chuyển sang nội dung khác ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng của người biện hộ; tại phiên tòa, thực tế kiểm sát viên chỉ độc bản cáo trạng, đưa ra luận tội và gần như không tham gia phần tranh luận với luật sư; hội đồng xét xử vẫn chủ yếu căn cứ vào nội dung hồ sơ vụ án và bản cáo trạng để tiến hành hoạt động xét xử mà chưa thực sự coi trọng nội dung, diễn biến tranh luận thực tế tại phiên tòa, dẫn đến việc thực hiện tranh tụng vẫn mang nặng tính hình thức.
  3. Tại một số phiên tòa chưa thực sự bình đẳng, đối trọng giữa kiểm sát viên và luật sư, bởi: kiểm sát viên là người thuộc cơ quan tư pháp nhà nước, được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp, được tham gia tập huấn,bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, thường xuyên; luật sư thuộc các tổ chức hành nghề luật sư đa phần là tự nghiên cứu, tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn tham gia các vụ án hình sự hoặc trao đổi, chia sẻ với các luật sư đồng nghiệp; thẩm phán chủ tọa phiên tòa, thư ký tòa án và kiểm sát viên đều là người thuộc khối cơ quan tư pháp nên ít nhiều vẫn có sự “ưu ái” nhất trong quá trình tiến hành xét xử,… Vì vậy, nhìn chung luật sư vẫn gặp nhiều khó khăn trong vai trò biện hộ tại phiên tòa hình sự.
  4. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành có nhiều điểm mới tích cực đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó vẫn còn những bất cập như: việc quy định luật sư có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu hợp pháp (khoản 2, 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự) nhưng không có hướng dẫn cụ thể quy trình thu thập thế nào là hợp pháp; người làm chứng theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự chưa đầy đủ, toàn diện vì có trường hợp người thân thích của bị cáo biết được những tình tiết về bị cáo có liên quan đến nguồn tin về tội phạm,về vụ án thì trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng có triệu tập họ hay không, nếu bị triệu tập họ có được từ chối khai báo hoặc im lặng không, có phải chịu trách nhiệm hình sự không?…
  5. Trình độ, năng lực chuyên môn của một số người thuộc cơ quan tiến hành tố tụng và của cả bản thân luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Vẫn còn một số cán bộ, công chức thuộc cơ quan tư pháp không nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, kiến thức chuyên môn không vững nên hiểu chưa đầy đủ, đúng nội dung quy phạm pháp luật, dẫn đến áp dụng sai trong quá trinh giải quyết vụ án. Không ít luật sư chưa xác định đúng đắn, đầy đủ vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần bảo vệ công lý; đạo đức hành nghề chưa được coi trọng; kỹ năng tranh tụng còn yếu; kiến thức pháp luật chưa sâu, rộng…, đây cũng là một trong những vẫn đề ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
  6. Luật sư gặp khó trong vấn đề việc gặp thân chủ của mình trong trại tạm giam, mặc dù ngay sau khi Luật sư có công văn kế hoạch yêu cầu lịch làm việc phối hợp cùng cơ quan điều tra, hoặc kế hoạch Luật sư vào làm việc trong trại giam khi không có điều tra/ Nhưng khi vào trại giam mặc dù không có văn bản ngăn chặn của cơ quan điều tra nhưng Luật sư vẫn không được vào làm việc khi không có mặt điều tra viên và rất nhiều lý do viện dẫn làm ảnh hưởng đến quyền của luật sư trong giai đoạn điều tra.
  7. Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên án, Luật sư không được tiếp cận thân chủ của mình trong trại tạm giam, trong thời hạn 15 ngày Bị cáo có quyền kháng cáo, khi bản án chưa có hiệu lực, Hiện nay không có văn bản nào hướng dẫn cho tình huống cụ thể này làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của khách hàng, cũng như quyền của Luật sư.

Giải pháp phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự

  1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được ban hành đã có nhiều điểm tiến bộ đáng ghi nhận, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những quy định mang tính chung chung, hình thức, chưa đầy đủ gây khó khăn, lúng túng cho các chủ thể có liên quan khi thực hiện. Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, các nhà làm luật cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, toàn diện những quy định có nội dung khó hiểu hoặc có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau; bổ sung, hoàn thiện nội dung các quy định thiếu chặt chẽ, có “kẽ hở”; những quy định có nội dung mâu thuẫn thì cũng cần phải điều chỉnh cho thống nhất.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm hơn với giới luật sư thông qua những chủ trương, đường lối hợp lí, chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm đảm bảo và phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ Tư  pháp cần quan tâm, chú trọng hơn nữa về quản lí và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ luật sư khi hành nghề. Bộ cũng cần tích cực chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan đóng góp xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn kèm theo cho phù hợp, thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

  1. Cần nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đối với vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung và trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự nói riêng. Họ phải xác định rằng có sự tham gia của luật sư chính là góp phần bảo đảm sự khách quan, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; là một kênh giam sát xã hội hữu hiệu đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng ở khía cạnh tích cực, góp phần cho các hoạt động tố tụng hình sự ngày một hoàn thiện, đúng pháp luật; năng lực, trình độ của người tiến hành tố tụng cũng ngày càng được nâng cao và chuyên nghiệp hơn.
  2. Tự bản thân người luật sư cũng cần phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi ,cập nhật kịp thời về kiến thức pháp lý, thực hiện nghiêm việc tham gia bồi dưỡng, nghiệp vụ về luật sư, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng về hành nghề, tranh tụng, “văn hóa tụng đình”; đề cao đạo đức và ứng xử hành nghề và phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, chức năng xã hội của nghề luật sư, vị trí, vai trò của mình trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm góp phần bảo vệ công lý;bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ; giúp giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
  3. Nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật sư thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự kết hợp lồng, ghép các nội dung liên quan về chức năng, vai trò của luật sư.

Văn phòng luật sư Dragon!

Th,s Luật sư Nguyễn Minh Long.