0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Cách tính của cơ quan thuế để áp dụng và cách hiểu của cơ quan điều tra để khởi tố Luật sư Trần Vũ Hải

Vụ trốn thuế thu nhập cá nhân tại Khánh Hòa cần xem xét thấu đáo để tránh oan sai.

Theo nội dung kết luận điều tra: “Đây là vụ án trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại địa chỉ số 87/40, đường Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, xâm phạm đến trật tự quản lý nahf nước về thuế do bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là người chủ mưu thực hiện cùng với sự tham gia của bị can Ngô Văn Lắm, bị can Trần Vũ Hải và bị can Ngô Tuyết Phương. Các bị can đã có hành vi bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất thực hiện hành vi ký và hủy hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, sử dụng hợp đồng không đúng với giá trị giao dịch chuyển nhượng, nhằm mục đích trốn thuế và đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền 280.251.302 đồng. Với thủ đoạn này, ngoài mục đích của bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bị can Ngô Văn Lắm sử dụng hợp đồng công chứng số 1218 để kê khai trốn thuế thu nhập cá nhân thì bị can Trần Vũ Hải và bị can Ngô Tuyết Phương vẫn đạt được việc có bản sao hợp đồng công chứng số 1216 (đã bị hủy) gian dối trong làm thủ tục thế chấp ngân hàng, để đảm bảo khả năng về tài chính nhận chuyển nhượng bất động sản và tránh không vi phạm thời gian không giao kết theo “Giấy nhận cọc” ngày 28/6/2016. Hành vi “Trốn thuế” quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) cần phải được xử lí thật nghiêm minh trước pháp luật.

          Quá trình điều tra xác định, vụ án trên là vụ án trốn thuế có đồng phạm, do các bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Ngô Văn Lắm, Luật sư Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương cố ý cùng thực hiện việc ghi giảm giá trị hợp đồng chuyển nhượng bát động sản với mục đích trốn thuế thu nhập cá nhân. Hành vi của bị can đã đủ dấu hiệu của đồng phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự và bà Hạnh có vai trò chủ mưu, ông Lắm có vai trò giúp sức thực hành đắc lực, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải có vai trò giúp sức khi ký kết hợp đồng ghi giá thấp để giúp phía bà Hạnh trốn thuế thu nhập cá nhân”.

          Theo nội dung vụ việc, năm 2016 vợ chồng ông Hải “mua” của bà Hạnh 01 thửa đất tại tỉnh Khánh Hòa với giá 16.153.500.000 đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục công chứng, ngày 10/8/2016 các bên tiến hành lập ba hợp đồng bao gồm: hợp đồng chuyển nhượng số 1216 ghi giá chuyển nhượng 12 tỷ đồng, tiếp đó các bên lập một văn bản thỏa thuận có nội dung hủy hợp đồng số 1216, sau đó ký tiếp hợp đồng số 1218 ghi giá chuyển nhượng 1,8 tỷ đồng. Sau khi công chứng, phía người bán dùng hợp đồng số 1218 có thể hiện giá 1,8 tỷ để kê khai thuế nhưng Chi cục Thuế Nha Trang nhận thấy giá trên hợp đồng này thấp hơn giá trên bảng giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định nên đã áp thuế theo mức bảng giá 2,14 tỷ đồng và phía bà Hạnh đã đóng theo mức này với số tiền 42.818.698 đồng. Nhưng sau đó, cơ quan điều tra cho rằng, bên bán và bên mua có dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân với số tiền 280.251.302 (khoản thuế được tính thêm từ 2,14 tỷ đồng đến 16.153.500.000 đồng).

Theo “Kết luận giám định” cho thấy, Giám định viên khi tiến hành giám định đã sử dụng mức giá 16.153.500.000 đồng và Điều 17 Thông tư số 92/2015/TT-BTC để làm căn cứ nhận định trốn thuế. Tại bản kết luận này có nội dung thể hiện như sau:

Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

          “Điều 12. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất.

  1. Giá chuyển nhượng
  2. a) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

  1. b) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.

  1. Thuế suất

Thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê lại.

  1. Cách tính thuế
  2. a) Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được xác định như sau:

          Thuế thu nhập cá nhân phải nộp=Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%”.

Cách tính của cơ quan thuế để áp dụng và cách hiểu của cơ quan điều tra để khởi tố.

Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 17 nêu trên, Luật sư  thấy Chi cục Thuế thành phố Nha Trang trước đó đã áp dụng đúng và thu đủ thuế ở mức 42.818.698 đồng, tương đương mức giá 2,14 tỷ đồng theo quy định tại bảng giá đất của UBND tình Khánh Hòa. Nếu cơ quan thuế áp đúng theo quy định họ đã viện dẫn thì các bên mua bán không hề có tội vì khi kê khai thuế bên bán đã đóng thuế thu nhập cá nhân theo bảng giá 2,14 tỷ đồng mà Chi cục Thuế thành phố Nha Trang đã ấn định. Tuy nhiên, Kết luận giám định, Kết luận điều tra lại cho rằng phải áp thuế thu nhập cá nhân theo giá mua bán thực tế là 16.153.500.000 đồng, trong khi đó, phía giám định và phía cơ quan điều tra chưa đưa ra được quy định cụ thể cho phép tính thuế thu nhập cá nhân trên giá mua thực tế. Từ nội dung viện dẫn này cho thấy cơ quan điều tra và cơ quan thuế đã tự mâu thuẫn với chính mình vì Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn một đường nhưng cơ quan thuế và cơ quan điều tra lại kết luận, kết tội một nẻo.

Căn cứ vào Kết luận giám định và Kết luận điều tra, Luật sư còn nhận thấy trong vụ việc này, khi tiến hành điều tra, giám định, cơ quan điều tra và cơ quan thuế chưa xem xét, áp dụng toàn diện các quy định của pháp luật; chưa xem xét, áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 và quy định tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP.

Thứ nhất, tại khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế năm 2006 được sửa đổi năm 2012 quy định: “5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Quy định này chỉ nhằm xác định hành vi, biện pháp trốn thuế, chưa quy định phương pháp xác định số thuế phải nộp.

Thứ hai, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2014 không quy định cụ thể về giá tính thuế khi chuyển nhượng bất động sản mà giao cho Chính phủ quy định về vấn đề này. Tại khoản 2 Điều 14 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định “Chính phủ quy định nguyên tắc phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản” để tính thuế thu nhập cá nhân. Đây là một quy định rất hiếm và dặc biệt nó có nội dung can thiệp, điều chỉnh giá tính thuế trong giao dịch dân sự nhằm điều chỉnh giá tính thuế khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với chế độ bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng như các loại thuế, phí liên quan đến đất đai.

Sau đó, tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ( sửa đổi Nghị định 65/2013/NĐ-CP), Chính phủ quy định nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng bất động sản như sau:

  1. Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
  2. a) Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn cụ thể tại Điều 17 như đã viện dẫn ở trên. Như vậy, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ cao đến thấp – chúng ta thấy Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quy định, hướng dẫn rất thống nhất vấn đề áp dụng giá tính thuế khi hợp đồng chuyển nhượng ghi giá thấp hơn hoặc không ghi giá. Trong khi đó, khái niệm về “hợp đồng chuyển nhượng” ở văn bản này phải được hiểu là hợp đồng đã được công chứng, chứng thực nằm trong hồ sơ kê khai thuế do người dân nộp chứ không phải giấy tay mua bán thể hiện giá thực tế hoặc lời khai của bên bán về giá thực tế thanh toán khi chuyển nhượng như cơ quan thuế và cơ quan điều tra đã hiểu và áp dụng. Chính vì cơ quan thuế và cơ quan điều tra cho rằng có quyền áp thuế theo giá chuyển nhượng thực tế là 16.153.500.000 đồng nên nhận định số tiền thuế phải nộp là 323.070.000 đồng như ghi trong Kết luận giám định và Kết luận điều tra.

Nghiên cứu các quy định cả pháp luật liên quan, Luật sư nhận thấy ngoài những nguyên tắc này hiện không có những nguyên tắc nào khác cho phép cơ quan thuế hoặc cơ quan điều tra tính thuế thu nhập cá nhân theo giá thực tế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản (trừ một số quy định cũ không còn hiệu lực). Vì vậy, nguyên tắc này được xem là quy phạm pháp luật cụ thể có hiệu lực cao nhất trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tính thuế và xác định vi phạm. Thực tế cho thấy từ trước đến nay, cơ quan thuế tại các tỉnh, thành thường xuyên áp dụng theo bảng giá đất tại địa phương để tính thuế thu nhập cá nhân mỗi khi người dân ghi giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn bảng giá của UBND tỉnh; cơ quan thuế chưa bao giờ áp thuế theo theo mức giá mua bán thực tế vì không có quy định cụ thể để áp. Trường hợp này, căn cứ theo mức giá 2,14 tỷ đồng mà cơ quan thuế đã áp và đã thu số tiền thuế hơn 42 triệu đồng cho thấy Nhà nước đã thu đủ, không có việc thất thu thuế. Cơ quan thuế không có quyền áp và thu theo mức giá thực tế cao hơn bảng giá thì cơ quan điều tra nói riêng và cơ quan tiến hành tố tụng nói chung cũng không có cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân theo mức giá mua bán thực tế và xác định vi phạm.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 104 Luật Quản lý thuế: “Trường hợp vi phạm pháp luật về thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện theo pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự”. Điều 161 Bộ luật hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội trốn thuế cá nhân, tổ chức trốn thuế từ 100 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính… Tuy nhiên, đây chỉ là những quy định chung của tội trốn thuế, từ trước tới nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, hướng dẫn cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tính thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản theo giá mua bán thực tế để xác định tội phạm. Do đó, cơ quan điều tả muốn nhận định, kết luận một công dân có dấu hiệu phạm tội trốn thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản phải căn cứ vào các quy định cụ thể, không thể xác định tội phạm theo cách hiểu của mình.

Việc Cơ quan điều tra tỉnh Khánh Hòa nhận định, kết luận các bị can có hành vi trốn thuế với số tiền 280.251.302 đồng là có dấu hiệu thiếu chính xác và rất cần các cơ quan chức năng có liên quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét thấu đáo để tránh oan sai xảy ra đối với người dân và duy trì sự bình đẳng mà pháp luật đã quy định.

Nguồn : Tạp chí Luật sư

Ls. Nguyễn Duy Bình

Theo cơ quan báo chí truyền thông đưa tin vụ án đông đảo giới Luật sư và các nhà làm luật quan tâm, Vụ án gần 60 Luật sư tham gia đăng ký bào chữa cho Vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải giám đốc Công ty Luật Hà Nội.

Chiều 15/11/2019 Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải 12 tháng cải tạo không giam giữ và bị phạt bổ sung mỗi người 20 triệu đồng.

Vụ án “Trốn thuế” theo quy định của Bộ Luật hình sự đang được Bị cáo có đơn kháng cáo!