0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Giải pháp hiệu quả cho giao thông Việt Nam

Công ty luật Dragon – Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã công bố chiến lược Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tiến tới kiểm soát giao thông một cách bền vững tại Việt Nam.

Trên thế giới, người ta đã nói nhiều đến sự cần thiết phải có một Hệ thống Giao thông thông minh (lntelligent Transport System – ITS). Và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

ITS thực chất là sự ứng dụng công nghệ cao điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải. Tại một số nước phát triển, tự động hóa truyền tin trong giao thông vận tải đã được triển khai hàng chục năm nay. Việc phát triển ITS nhằm đảm bảo cho hệ thống giao thông vận tải đạt các mục tiêu chính như: giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, hạ giá thành, tăng hiệu quả vận chuyển, tạo điều kiện tối đa cho việc đi lại.

Khái niệm ITS có 3 yếu tố tham gia là con người – xe cộ – đường sá. Thông minh hóa hệ thống giao thông chính là giảm vai trò của con người trong điều hành giao thông. Khi con người không còn vai trò gì thì sẽ đạt đến mức tự động hóa. Đây chính là mục tiêu cao nhất của ITS. Để đạt được mục tiêu này, ITS phải trải qua 3 giai đoạn: thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa thông tin được xử lý tới người tham gia giao thông.

Các công nghệ đang được nghiên cứu ứng dụng hiện nay: Đầu tiên hàng loạt CCTV Camera và Vehicle Detecter cũng như các cảm biến được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết… các thông tin này được hệ thống máy tính phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho tài xế về tình hình giao thông trên đường để tài xế chọn giải pháp giao thông tối ưu, giúp hạn chế tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo thời gian đi lại ngắn nhất và an toàn nhất cho các phương tiện đang lưu thông. Bộ GTVT cũng cho biết sẽ áp dụng các hệ thống camera theo dõi giao thông, các thiết bị giám sát phương tiện khác nhau, hệ thống thông tin giao thông cho người lái xe trong công tác tổ chức giao thông đô thị. Ngoài ra, Bộ này sẽ triển khai xây dựng hệ thống camera ITS kiểm soát vi phạm trên các quốc lộ và hệ thống xử phạt vi phạm nguội trong công tác cưỡng chế.

Theo tính toán, chỉ trong vài thập kỷ nữa mạng lưới giao thông Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Đặc biệt khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phương tiện giao thông sẽ tăng đột biến. Nếu cứ điều hành, tổ chức và quản lý như hiện nay thì sẽ ùn tắc và ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển chung của kinh tế – xã hội. Trước hết cần xây dựng một số cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và điều hành giao thông, hình thành trung tâm tích hợp hệ thống. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở hạ tầng của ITS có thể tiến hành thực hiện trong một vài năm tới.

Để hạn chế ùn tắc giao thông, cần xây dựng ở đây hệ thống thông tin trung tâm về tình trạng đường sá. Lái xe có thể trước lúc xuất phát và trong toàn bộ quá trình điều khiển xe tìm hiểu đoạn đường mình cần đi, hoặc lựa chọn tuyến đường đi thuận tiện nhất. Một vấn đề có thể nghiên cứu để ứng dụng sớm, đó là thu thuế cầu đường bằng thẻ thông minh (Smart card). Tiếp theo có thể nghiên cứu đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý phương tiện giao thông.

Sự phát triển quá nhanh của cơ hạ tầng giao thông vận tải đặt ra cho những nhà quản lý giao thông bài toán hóc búa về việc điều khiển cũng như quản lý một cách hiệu quả mạng lưới giao thông này. Bởi vậy, việc nghiên cứu, đưa vào thực tiễn ITS là một nhu cầu cấp thiết cần triển khai trong thời gian ngắn nhất để đưa hệ thống giao thông nước nhà vào trật tự, giảm thiểu ùn tắc cũng như những hậu quả vì ô nhiễm môi trường.

Bằng Kiều

Theo ANTD

Văn phòng luật sư Dragon