0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Điều 108 Bộ luật Hình sự quy định về tội Phản bội Tổ quốc

Chi tiết Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Chi tiết Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc

  1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
  2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
  3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:

– Chủ thể của tội phạm:

Đối với tội phản bội tổ quốc là chủ thể đặc biệt. Người phạm tội là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là công dân Việt Nam (Người nước ngoài hoặc người không quốc tịch không thể là chủ thể của tội này).

–  Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.

 – Khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh  thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh.

–  Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi “cấu kết” với người nước ngoài. Câu kết là hành vi thành lập mối quan hệ qua lại giữ một bên là công dân Việt Nam với người nước ngoài. Sự liên hệ chặt chẽ với nước ngoài được thể hiện dươi một số góc độ sau:

+ Hành vi gặp gỡ, bàn bạc chống phá tổ quốc

+ Hành vi nhận sự giúp đỡ của người nước ngoài như: nhận tiền của, vũ khí, khí tài phương tiện quân sự v.v… nhằm gây nguy hại cho Tổ quốc ta, chế độ Nhà nước ta.

+Hành vi dựa vào các thế lực nước ngoài nhằm chống phá tổ quốc

+ Hành vi tiếp tay cho các thế lực nước ngoài để họ thực hiện hành vi chống phá tổ quốc

Lưu ý:

Đối với tội phản bội tổ quốc tội phạm được coi là hoàn thành khi công dân Việt Nam có hành vi câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho khách thể.

Văn bản hướng dẫn:

Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

  1. Tội phản bội Tổ quốc (Điều 72).

Chủ thể của tội phạm này là công dân Việt Nam, tức là người có quốc tịch Việt Nam.

Hành vi “câu kết với nước ngoài” được thể hiện như: bàn bạc với người nước ngoài về mưu đồ chính trị và về các mặt khác (như: kế hoạch, tổ chức, hình thức hoạt động…); nhận sự giúp đỡ của nước ngoài (như: tiền của, vũ khí hoặc mọi lợi ích vật chất khác…) hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài.

Hành vi câu kết với nước ngoài có mục đích là nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuối cùng là nhằm làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước, lật đổ chính quyền nhân dân.

Ba dấu hiệu nói trên (công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài và mục đích của tội phạm) gắn liền với nhau và là những căn cứ để phân biệt với một số tội phạm như:  tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân như:

Công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị xử lý về tội “phản bội tổ quốc” (Điều 72). Về mặt khách quan, tội “phản bội Tổ quốc” đã bao gồm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có trường hợp còn hoạt động gián điệp hoặc trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, người phạm tội phản bội Tổ Quốc không bị xử lý thêm về các tội đó.

Văn Phòng Luật Sư Dragon

Luật sư uy tín tại Hà Nội – 098. 301. 9109