0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Tội đưa hối lộ theo điều 289 bộ luật hình sự và tội nhận hối lộ theo điều 279 bộ luật hình sự

Văn phòng luật sư tại Hà Nội: Tội đưa hối lộ theo điều 289 bộ luật hình sự và tội nhận hối lộ theo điều 279 bộ luật hình sự là 2 tội danh liên quan mật thiết với nhau, có đưa thì mới có nhận và cùng là hành vi trái pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật….

1. Tội đưa hối lộ theo điều 289 bộ luật hình sự quy định..

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự. Tội đưa hối lộ là một trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn hối lộ, nó làm cho đội ngũ cán bộ cơ quan Nhà nước, tổ chức bị thoái hóa, biến chất và gây tác hại nhiều mặt đến việc thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và từ đủ 16 tuổi (xử lý theo quy định tại khoản 1-Điều 289) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (xử lý theo quy định tại các khoản 2,3,4-Điều 289). Tội đưa hối lộ được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.

Đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn (người có CVQH) làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có CVQH. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (ví dụ, để được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện. Hình thức đưa hối lộ rất đa dạng: có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho tặng…

Của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm, nếu của đưa hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu của đưa hối lộ có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có CVQH làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có CVQH có đồng ý hay không). Trường hợp người đưa hối lộ mới chỉ yêu cầu người có CVQH mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ đồng ý nhận của hối lộ đó. Trường hợp người đưa  hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình, nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền, thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu TNHS về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt).

Về mức hình phạt, Điều 289-Bộ luật Hình sự quy định 4 khung hình phạt:

– Khung 1: quy định hình phạt tù từ 1 năm đến 6 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng.

– Khung 2: quy định hình phạt tù từ 6 năm đến 13 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết sau: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ, phạm tội nhiều lần, của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng khác.

– Khung 3: quy định hình phạt tù từ 13 năm đến 20 năm, đối với của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

– Khung 4: quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với các trường hợp: của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ  một đến năm lần giá trị của hối lộ.

Để khuyến khích việc tố giác tội nhận hối lộ, tại khoản 6-Điều 289 quy định 2 trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn TNHS:

+ Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

+ Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần  hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

2. Tội nhận hối lộ theo điều 279 bộ luật hình sự

Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Nếu ở tội tham ô tài sản, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý thì ở tội nhận hối lộ người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Có thể nói thủ đoạn của hai tội phạm này như nhau chỉ khác ở mục đích thực hiện hành vi.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ thì họ khó có thể thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ: Là trường hợp người nhận hối lộ trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ không thông qua người khác như A đưa hối lộ cho B bằng cách trực tiếp cầm tiền giao cho B hoặc chuyển tiền vào tài khoản của B tại ngân hàng.

Qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ: Là trường hợp người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ.

Đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác: Là trường hợp người nhận hối lộ đã được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người đưa hối lộ trực tiếp hoặc qua trung gian giao cho, tức là người nhận hối lộ đã chiếm hữu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác như: đã cầm tiền, đã cầm tài sản, tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình…

Sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác: Là trường hợp người đưa hối lộ hứa sẽ giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người nhận hối lộ nhưng chưa giao. Người nhận hối lộ và người đưa hối lộ mới thỏa thuận với nhau về tiền/tài sản hối lộ nhưng chưa giao nhận.

Để làm hoặc không làm một việc gì vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ: Đây là dấu hiệu rất quan trọng thuộc mặt khách quan của tội phạm này và thực tiễn xét xử khi xác định dấu hiệu này của tội nhận hối lộ trong nhiều vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến việc xác định hành vi phạm tội cũng rất khác nhau.

Để làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là hành vi nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó mà việc đó có lợi cho chính người đưa hối lộ như: thẩm phán nhận hối lộ của bị cáo để cho bị cáo được hưởng án treo…

Để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó mà việc đó đem lại lợi ích cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm như: bố mẹ đưa hối lộ để xin học cho con…

Không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ: Là trường hợp vì đã nhận hối lộ nên người phạm tội không thực hiện một việc mà lẽ ra họ phải thực hiện và do không thực hiện nhiệm vụ đó nên đã đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ. Ví dụ: không thi hành lệnh bắt tạm giam để người phạm tội bỏ trốn hoặc hết thời hiệu thi hành án…

Không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ: Là trường hợp cũng tương tự như trường hợp không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ, chỉ khác ở chỗ: lợi ích mà người nhận hối lộ mang lại không phải cho người đưa hối lộ mà là cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm, có thể là những người thân của người đưa hối lộ nhưng cũng có thể là bạn bè của người đưa hối lộ.

– Hậu quả: Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm.

Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, giá trị của hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và nếu chưa nhận hối lộ hoặc đã nhận hối lộ nhưng giá trị của hối lộ dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm; coi giá trị của hối lộ là hậu quả của tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với giá trị của hối lộ là dấu hiệu khách quan của tội phạm.

Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 2 triệu đồng thì phải có thêm những điều kiện như: gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội nhận hối lộ mà của hối lộ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận hối lộ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận hối lộ thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận hối lộ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng và đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người đưa hối lộ nhưng chưa nhận được của hối lộ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu người phạm tội nhận hối lộ dưới 2 triệu đồng ngoài những điều kiện: đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích đã nêu ở phần các dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội thì còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này thì hậu quả nghiêm trọng là các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành nhận hối lộ.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi hối lộ gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và những thiệt hại vật chất cho xã hội.

Để răn đe và trừng phạt hành vi nhận hối lộ, Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định về tội nhận hối lộ như sau:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 279, có thể thấy một số dấu hiệu của tội nhận hối lộ như sau:

1. Chủ thể của tội nhận hối hộ là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ. Như vậy, chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Người có chức vụ theo Điều 277 Bộ luật Hình sự “là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Bên cạnh đó, những đối tượng cụ thể được coi là người có chức vụ, quyền hạn còn được xác định theo Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.

2.  Có sự thỏa thuận trước về việc đưa và nhận hối lộ (trực tiếp hoặc qua trung gian) giữa người đưa hối lộ và người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất đó mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao hay nhận hay chưa.

Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tức là dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm. Ví dụ trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận đòi hỏi đó.

3. Hình thức của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (vàng, ngọc, ô tô, nhà đất …). Như vậy, trong khi Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc xác định hối lộ bao gồm lợi ích vật chất và phi vật chất thì quy định pháp luật của nước ta mới chỉ dừng lại ở đối tượng hối lộ là vật chất.

4. Để cấu thành tội phạm, giá trị lợi ích vật chất dùng để hối lộ tối thiểu phải là hai triệu đồng, trường hợp dưới 2 triệu đồng thì phải có thêm một trong những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mức hình phạt cao nhất của tội hối lộ được quy định tại Khoản 4 Điều 279 là phạt tù hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi áp dụng điểm a Khoản 4 Điều 279 cần xem xét hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 như sau:

5. Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ và điểm a khoản 4 Điều 289 BLHS về tội đưa hối lộ cần chú ý:

5.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:

a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

b. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng.

c. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

5.2. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 Mục 5 này như sau:

a. Xử phạt tù từ mười lăm năm (đối với tội nhận hối lộ) hoặc từ mười ba năm (đối với tội đưa hối lộ) đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);

b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;

c. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

5.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 Mục 5 này như sau:

a. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

b. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.

5.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 5.1 và 5.3 Mục 5 này thì người phạm tội nhận hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội nhận hối lộ đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã nộp thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào giá trị của hối lộ nộp lại mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ nếu:

a. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được ít nhất một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận;

b. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tôi) đã thực hiện mọi biện pháp để nộp lại giá trị của hối lộ đã nhận (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa).

5.5. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 5.1 và 5.3 Mục 5 này thì người phạm tội đưa hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người đưa hối lộ bị ép buộc hoặc không bị ép buộc mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS.

6. Cần chú ý là trường hợp được hướng dẫn tại Mục 2 Nghị quyết này là trường hợp không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; các trường hợp được hướng dẫn tại các mục 4 và 5 Nghị quyết này là các trường hợp không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác (đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ) thì phân biệt như sau:

6.1. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này, thì phải áp dụng cả hai điểm a và b khoản 4 Điều luật tương ứng. Để xử phạt người phạm tội mức án tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả, thì ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này cần xem xét đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm gây ra.

6.2. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ dưới mức tối thiểu được hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này thì chỉ áp dụng điểm b khoản 4 Điều luật tương ứng và xử phạt người phạm tội mức án tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm gây ra”.

Công ty luật Dragon trích nguồn thực tiễn xuất phát từ các vụ án hình sự khi các luật sư tranh tụng tại phiên tòa và các tài liệu pháp lý

Dịch vụ luật sư chuyên án hình sự giai đoạn Tiền tố tụng, Sơ thẩm, Phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm:

Tham gia tranh tụng ở hầu hết các vụ án đặc biệt khách hàng là cá nhân, các quan chức, lứa tuổi vị thành niên;

Công ty luật tại Hà Nội

Luật sư Nguyễn Minh Long

Email: dragonlawfirm@gmail.com / congtyluatdragon@yahoo.com