0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Những vụ án nổi tiếng Giang Vĩnh

Luật sư – Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quyết: “Hằng tuần, bộ phận đại diện của Bộ Nội vụ ở miền Nam đều tổ chức nghe các lực lượng điều tra báo cáo về diễn tiến cuộc truy tìm thủ phạm sát hại vợ chồng Thanh Nga theo 2 hướng. Một bên thì cho là vụ án chính trị. Bên khác thì bảo vụ án hình sự. Lúc đó lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo: không cần tranh cãi nữa, mà cứ tiến hành điều tra theo hai hướng đó”.



Ở mũi hình sự, đầu tháng 4/1979 sau hơn bốn tháng gian khó, đã tìm ra vùng quê và ngôi nhà mà hung thủ đang thường trú. Có thể, nơi ấy cũng đang cầm giữ bé Phương (con bà Bích) bị bắt cóc trước đây.Đó là ngôi nhà bé Toro (con vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương) từng bị đưa từ TP Hồ Chí Minh về lưu giữ (bắt cóc ngày 26/11/1977, đã chuộc ra). Toro được ban chuyên án đưa trở lại nơi đó bằng xe du lịch để giúp nhận diện. Chuyến đi có cả ba của cháu Toro (ông Th., chồng Kim Cương) và cán bộ ban chuyên án, cùng các trinh sát, tổ chức cuối tháng 3/1979, sau lời khai của Hóa ở bệnh viện Chợ Rẫy về tung tích kẻ gây án.

Trên đường, cháu lần lượt nhận ra các nơi đã qua trong chuyến trước, lúc bị bắt cóc đưa đi. Toro chỉ tay về phía các thứ hàng rong, bánh trái, thức ăn mà mình đã dùng trong hành trình từ TP Hồ Chí Minh về địa phận Sóc Trăng – Hậu Giang với những “chú Sáu chú Bảy” lạ hoắc nào đó. Qua chặng cuối sình lầy, phải đi đò vào ấp Ngăn Rô và đến trước ngôi nhà có cổng ra vào, với quang cảnh chung quanh đúng như cháu Toro mô tả về nơi bị cầm giữ trước đây: có cầu bắc ngang, có ống khói, có bà cụ già ốm… Nhất là cháu rất vui khi nhận ra các em bé cùng chơi với nhau mười mấy tháng trước, như Đức mập chẳng hạn. Ban chuyên án và trinh sát xác định: đây đúng là ngôi nhà mà Hóa đã chỉ, đã khai. Nhưng tiếc rằng, kẻ cần truy bắt: Nguyễn Thanh Tân, 36 tuổi, đã không có ở đó.

Tân đã đi khỏi địa phương được một tháng. Nhưng khi đoàn của ban chuyên án đến, thì có người vừa tới xã xin phép cho Tân lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Đó là Giang Vĩnh Xương, bạn Tân, đã “đem biếu” phó công an xã Đại Ân “món quà nhỏ” để xin chữ ký, lấy giấy chuyển lên thành phố giúp Tân tạm trú hợp lệ một nơi nào đó. Trinh sát thầm theo dõi Giang Vĩnh Xương.

Một bữa, Xương tới ủy ban xin “lên Sài Gòn” thăm gia đình em vợ, luôn tiện cúng lễ kỳ yên và thanh minh trong họ. Trinh sát giả làm khách đồng hành, theo vào Chợ Lớn, thấy Xương đến nhà số 97/4A đường Minh Phụng, phường 9, quận 6. Nhà này của em vợ Xương là Ngô Hải Phong. Tối đó, đã “bắt bí mật Giang Vĩnh Xương và cả người em vợ” đưa về Sở Công an thẩm vấn: Mục đích chuyến đi? Trước khi đi, có ghé nhà Tân? Vợ Tân dặn gì? Tân ở đâu? v.v… Xương khai: “Tân dặn lên đây muốn tìm Tân thì chịu khó đến nhà một người tên Hùng ở số 227 đường Nguyễn Biểu…”. Trinh sát được phái đến “canh cửa” số nhà đó (của Hùng) ở phường 21, quận 5. Một bữa, có người mang thư của Hóa tới giao. Ban chuyên án (lược): “Ngày 9/4/1979, bắt Hùng với bức thư của Hóa nằm trong túi. Thư này do Hóa từ trong phòng giam Chí Hòa lén gửi ra viết chuyện liên quan với Tân tới Hùng. Hùng nhận có quen Tân. Hùng bảo em ruột Tân là Nguyễn Thanh Mai biết rõ Tân ở đâu vì cách đó mấy ngày Mai có ghé lại chỗ Hùng chơi khoe sẽ bỏ tiền ra để mua cho ông cảnh sát khu vực nào đó một chiếc xe đạp toàn bằng phụ tùng ngoại quốc để vợ ổng đi. Cũng đã chi đẹp cho ổng hai trăm đồng rồi. Ngược lại ổng sẽ giúp cho anh Tân một chỗ tạm trú do ổng bảo lãnh nằm trong cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3”.

Lời khai được ban chuyên án và đại tá Diệm báo cáo lên trên, với mấy đề xuất khẩn cấp. Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lúc bấy giờ là Phó bí thư Thành ủy, kiêm Giám đốc Công an Tp Hồ Chí Minh chỉ thị: “Ngay trong đêm nay 9/4 phải truy bắt cho được Nguyễn Thanh Tân và em của Tân là Nguyễn Thanh Mai”. Chỉ thị truyền xuống toàn bộ trinh sát, cán bộ chiến sĩ Công an phường 2, quận 3 vào 12 giờ khuya. Cuộc vây bắt diễn ra tức thời. Lúc ấy Nguyễn Thanh Tân được một công an khu vực bảo lãnh, nằm ngủ ở căn hộ 145/20 Nguyễn Thiện Thuật như một con tằm đang cuộn mình trong chiếc mùng trắng: “trên gác gỗ, ở vách trái, phía trước, trinh sát phát hiện có giăng một mùng bằng vải sô, bên trong có người. Đội trưởng là thượng úy Thành hô: nằm im, kéo bức mùng lên và tống quả đấm bất ngờ về phía bóng người, lôi ra, còng tay. Chưa cần hỏi tên đã đoán ngay là Nguyễn Thanh Tân. Lục soát người, thấy có bọc giấy. Bên trong gói một đầu đạn K.59. Đây là đầu đạn do chính tôi (Phạm Văn Thịnh) bắn, xuyên qua Hóa, ghim vào người Tân. Tờ giấy gói đầu đạn viết hai chữ “lưu niệm” – ý chừng ghi nhớ việc: bác sĩ được mướn đã gắp nó ra từ cơ thể anh ta trong một trường hợp cấp bách, bất thường”.

Bắt Tân. Lấy tự dạng chữ viết của Tân, đem đối chiếu với tự dạng chữ viết trong bức thư tống tiền vứt trước nhà Kim Cương, thì thấy giống nhau. Kết luận: Một kiểu chữ, một người viết. Nhiều chứng cứ khác trưng ra khiến Tân hết chối cãi, phải nhận mình là thủ phạm bắt cóc cháu Toro (nhưng vẫn khăng khăng không nhận vụ sát hại vợ chồng Thanh Nga). Và nói, khi tống tiền Kim Cương, có sự giúp tay của một đồng phạm là Nguyễn Văn Đức. Đức dáng người giống Tây lai. Điều tra biết, sau thời điểm xảy ra án mạng trước cổng nhà Thanh Nga, Đức vượt biên ra nước ngoài. Nhưng nửa chừng đổ bể, bị phát giác và bắt tại huyện Kế Sách, tỉnh Hậu Giang, đã chuyển về giam tại TP Hồ Chí Minh để điều tra tiếp.

(Theo Thanh Nien)