0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Bất lực trước tai nạn giao thông

Cong ty luat Dragon Ha Noi – Trong thời gian gần đây, liên tiếp những vụ tai nạn giao thông thảm khốc cả trên sông, trên biển và trên bộ đã xảy ra làm chết rất nhiều người, gây đau thương cho không biết bao gia đình và gây nhức nhối lớn cho cả xã hội.


Dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp để kiềm chế TNGT, các phương tiện truyền thông hằng ngày vẫn tuyên truyền ra rả về các biện pháp đảm bảo ATGT, nhưng số người chết và bị thương do TNGT hằng năm vẫn không hề giảm. Vậy phải chăng chúng ta đang thực sự bất lực trước tình trạng TNGT?

Những vụ tai nạn đau lòng

Có thể liệt kê ra đây hàng loạt những vụ TNGT thảm khốc xảy ra trong thời gian qua, khiến mỗi lần nhắc đến không khỏi đau lòng. Gần đây nhất – vào lúc 3 giờ sáng 13.6, tại km17+500 đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, đoạn qua Bến Lức (tỉnh Long An), xe tải BKS 54S-3411 do Huỳnh Tấn Phát điều khiển, lưu thông trên đường cao tốc hướng về TPHCM bị nổ lốp, khiến đầu xe tải đâm vào dải phân cách và nằm chắn ngang đường.

Ngay lúc đó, chiếc xe khách 16 chỗ BKS 53S-2150 đang chạy phía sau xử lý không kịp, đã đâm vào đuôi xe tải. Tài xế xe khách Nguyễn Thanh Liêm cùng 7 hành khách trên xe chết ngay tại chỗ, 10 người bị thương nặng. Cũng trong ngày 13.6, tại km354+250 trên quốc lộ 1A – đoạn qua địa bàn xã Hải An, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), một xe khách chạy hướng bắc – nam đã đâm trực diện vào một chiếc xe đầu kéo chạy chiều ngược lại, khiến 29 người trên xe khách bị thương nặng.

Sự va chạm giữa phương tiện giao thông đường bộ với đường sắt còn gây ra hậu quả nặng nề hơn thế. Cụ thể, vào lúc 15h42 ngày 30.3, tàu hoả mang số hiệu SE8 chở khoảng gần 400 hành khách hành trình theo hướng từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội, khi đi đến đoạn gần ga Thường Tín đã đâm phải xe ôtô chở khách BKS 20L-4564 từ trong làng băng qua đường sắt, khiến 9 người chết và 7 người bị thương nặng. Xa hơn nữa, vụ TNGT đường sắt xảy ra tại cầu Gềnh, Đồng Nai làm 26 người chết và bị thương.
Hiện trường vụ tàu hỏa đâm ô tô làm 9 người chết tại Thường Tín, Hà Nội ngày 30.3.
Hiện trường vụ tàu hỏa đâm ô tô làm 9 người chết tại Thường Tín, Hà Nội ngày 30.3.

Trên sông, trên biển, tình hình tai nạn xảy ra cũng không kém phần thảm khốc. Ngay từ đầu năm (17.2), tàu du lịch QN 5198 của Cty TNHH Trường Hải chở 21 du khách đã bị chìm tại khu vực đảo Titốp – vịnh Hạ Long, Quảng Ninh khiến 12 du khách – trong đó đa số là du khách nước ngoài – tử nạn.

Tiếp đến, 15 giờ ngày 8.5, tàu QN 2070 của Cty TNHH Hải Long đã bị chìm tại khu vực hang Bồ Nâu – Sửng Sốt trên vịnh Hạ Long. Rất may vào thời điểm này, toàn bộ 28 du khách nước ngoài đang tham quan trong hang nên bảo toàn được tính mạng. Vụ tai nạn trên sông đau lòng nhất từ trước tới nay có lẽ là vụ xảy ra vào tối 20.5, khi chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký (Bình Dương) – chi nhánh cầu Ngang chở du khách dự tiệc sinh nhật bất ngờ lật chìm, khiến 16 người, trong đó có 6 trẻ nhỏ bị chết.

Thiết chế nào cũng chưa đủ

Theo thống kê của UBATGT quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 5.416 vụ TNGT đường bộ; 212 vụ TNGT đường sắt; 51 vụ TNGT đường thủy; 26 vụ TNGT hàng hải, khiến 4.787 người chết và 4.399 người bị thương. Chỉ tính riêng trong tháng 5.2011, TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng hải đã xảy ra 1.124 vụ, làm 929 người chết và 870 người bị thương. Đó chỉ là những con số thống kê các vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên, bởi nếu tính cả những vụ va chạm giao thông thì mỗi tháng còn xảy ra từ 2.500 – 3.000 vụ, làm bị thương nhẹ từ 2.500 – 3.000 người.

Điều đáng ghi nhận là từ khi thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về các giải pháp đảm bảo ATGT đã giảm những vụ chết và bị thương do xe máy gây ra vì đã thực hiện đội mũ bảo hiểm, nhưng lại tăng những vụ TNGT thảm khốc, chết nhiều người do ôtô gây ra. Nguyên nhân vẫn là những nguyên nhân… cũ. Đó là thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông; lái xe sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông…

TNGT và ùn tắc giao thông luôn là vấn đề gây nhức nhối đối với xã hội. Chính vì vậy, tại cuộc họp với UBATGT quốc gia vào ngày 18.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã buộc phải phê bình lãnh đạo 2 tỉnh Thái Nguyên và Kiên Giang đã để TNGT gia tăng 3 năm liên tiếp trên địa bàn. Cũng trong cuộc họp này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục xây dựng những quy định mới nhằm kiềm chế tình trạng TNGT, nhất là những vụ TNGT thảm khốc xảy ra như trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Văn phòng thường trực UBATGT quốc gia – thì Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt quy định để siết chặt quản lý đò ngang; các phương tiện du lịch trên sông, trên biển; quản lý đường ngang qua đường sắt và kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, cũng theo ông Thái thì khi không thay đổi được ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông của người tham gia giao thông, thì dù có bao nhiêu chế tài đi chăng nữa cũng không đủ và TNGT vẫn cứ xảy ra.
Sau khi xảy ra TNGT đau lòng trên tuyến đường cao tốc Trung Lương – TPHCM, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã thống kê được mỗi ngày có hơn 60.700 ôtô chạy trên tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đã có 4.261 vụ xe nổ lốp, chết máy. Nguyên nhân chủ yếu do xe chạy quá tốc độ, chở quá tải, do chất lượng kỹ thuật xe không đảm bảo… Trong đó, có 1.542 vụ xe khách và xe tải nổ lốp và 2.678 vụ xe chết máy.

Chí Tùng
Theo Lao Dong
Công ty luật Dragon Hà Nội