0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình chấp nhận quan điểm của Luật sư bào chữa trả hồ sơ điều tra bổ sung

Luật sư Hà Nội bào chữa trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đề nghị Hội đồng xét xử tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung liên quan đến hành vi bỏ trốn chiếm đoạt tiền là một trong điều kiện bắt buộc định khung và định tội hình phạt theo luật định.

Bản bào chữa của Luật sư Hà Nội!

Kính thưa Hội đồng xét xử!

Kính thưa đại diện Viện Kiểm Sát với quyền công tố tại phiên tòa, kính thưa Luật sư đồng nghiệp thuộc đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình, cùng với các vị có mặt trong buổi xét xử ngày hôm nay.

Luật sư Nguyễn Minh Long và Luật sư Nguyễn Đức Năng thuộc Công ty luật TNHH Dragon – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội là luật sư bào chữa cho bị can Phùng Thị Hằng trong vụ án: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vụ án đã được Công an tỉnh Hòa Bình kết luận điều tra theo bản kết luận số 10/KLĐT-CSĐT-PC01 ngày 04/3/2019 với nội dung đề nghị truy tố bị can Phùng Thị Hằng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 175 Bộ luật hình sự 2015 và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình ra cáo trạng số 14/CT-VKSHB ngày 8/4/2019. Tại trang 1 bản kết luận điều tra số 10/KLĐT-CSĐT-PC01 ngày 04/3/2019 (viết tắt là bản kết luận điều tra số 10) đã nêu:

“Từ năm 2014 đến tháng 4/2018, Phùng Thị Hằng đã vay tiền của 10 công dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình với số tiền là 6.686.000.000đ để đầu tư kinh doanh, trả lãi đã vay cho người khác và cho chính họ. Khi thu được tiền từ việc đầu tư kinh doanh bằng tiền vay và bán tài sản được hình thành từ tiền vay của các công dân thì Phùng Thị Hằng không trả nợ cho những người này mà Hằng đã có hành vi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền là 6.456.000.000đ ”.

Như vậy, cơ quan điều tra đã cho rằng bị can Phùng Thị Hằng sau khi vay tiền của 10 công dân với số tiền 6.686.000.000đ đã không trả tiền vay cho các công dân này mà thay vào đó là hành vi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền trên.

Qua phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa Luật sư bào chữa có những ý kiến và quan điểm sau:

Kính thưa quý Cơ quan;

Luật sư Nguyễn Minh Long và Luật sư Nguyễn Đức Năng là hai luật sư đã được tham gia vụ án ngay từ những giai đoạn đầu tiên (giai đoạn tiền tố tụng) và xuyên suốt quá trình bào chữa cho bị can Phùng Thị Hằng trong giai đoạn điều tra. Sau khi nhận và xem xét bản kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi nhận thấy Bản kết luận điều tra số 10/KLĐT-CSĐT-PC01 ngày 04/3/2019 và cáo trạng số 14/CT-VKSHB ngày 8/4/2019 này còn nhiều mâu thuẫn, nhiều tài liệu chứng cứ chưa được thu thập, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và chưa đủ căn cứ để kết tội thân chủ của chúng tôi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vì các lẽ sau đây:

  1. Phân tích về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Phùng Thị Hằng”.

Thứ nhất: Bà Phùng Thị Hằng không có hành vi gian dối

Trong tất cả các giấy vay tiền mà bà Phùng Thị Hằng đã ký với 10 công dân tố cáo gồm: Bà Trần Thị Phương Mai, bà Nguyễn Thị Thái, bà Nguyễn Thị Kim Sinh, bà Dương Thúy Lan, ông Trần Văn Nam, bà Nguyễn Hồng Vân, bà Nguyễn Thị Lý, bà Nguyễn Thị Kim Dung, bà Vương Thị Bình, bà Nguyễn Minh Huệ thì trong tất cả 10 công dân này, khi vay tiền bà Phùng Thị Hằng đều có viết giấy vay nợ, nội dung giấy vay nợ chỉ thế hiện nội dung số tiền vay, mục đích vay để kinh doanh và lãi xuất cho vay, ngoài ra không thể hiện bất cứ nội dung nào khác.

Khi vay tiền, bà Hằng chỉ nói với các công dân mục đích vay để kinh doanh,  bản thân các công dân này đều không quan tâm đến mục đích vay tiền của bà Hằng để làm việc gì mà chỉ quan tâm đến khoản lợi nhuận từ việc bà Hằng phải trả lãi hàng tháng. Điều này đã được bà Hằng trình bày rất nhiều lần trong các bản hỏi cung với Cơ quan điều tra và phù hợp với chứng cứ là các giấy vay tiền chỉ thể hiện nội dung vay kinh doanh. Thế nhưng Cơ quan điều tra lại cho rằng bà Hằng đã dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền của công dân, điều này là không đúng bản chất sự việc.

Bản kết luận điều tra cho rằng “sau khi thu được tiền từ việc đầu tư kinh doanh bằng tiền vay và bán tài sản được hình thành từ tiền vay của các công dân thì Phùng Thị Hằng không trả nợ cho những người này mà Hằng đã có hành vi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền”, chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn không có cơ sở.

Tại trang 4 của bản kết luận điều tra cũng đã nêu:“ Như vậy: Sau khi bán toàn bộ tài ản và các cơ sở kinh doanh được hình thành từ tiền vay của các công dân thì Phùng Thị Hằng đã dùng để trả lãi và trả các khoản vay của người khác mà không trả cho chính những công dân đã cho vay tiền để đầu tư kinh doanh, đến nay không còn khả năng thanh toán cho họ”.

Như vậy, cơ quan điều tra đã nhận định việc bà Hằng bán tài sản để trả nợ cho các công dân khác mà không dùng để trả nợ cho chính các công dân đã cho vay, điều này thể hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi cho rằng nhận định trên của cơ quan điều tra là hết sức sai lầm.

Trên thực tế, sau khi vay nợ của các công dân, bà Phùng Thị Hằng đã sử dụng toàn bộ vào việc đầu tư kinh doanh tại câu lạc bộ thể hình Olimpia tại chợ Phương Lâm và quán bia Hưng Hải Club, một phần dùng để chi tiêu cá nhân mà không dùng cho bất cứ mục đích nào khác, doanh thu và lợi nhuận từ việc kinh doanh nhà hàng và phòng tập thể hình đã được bà Hằng dùng để trả nợ cho các công dân vay nợ, trong đó có cả 10 công dân có đơn thư tố cáo. Mãi cho tới tháng 5/2018 khi việc kinh doanh đi xuống, cùng với khoản lãi ngày càng lớn khiến bà Hằng không còn khả năng trả nợ cho các công dân. Do vậy Hằng buộc phải bán cửa hàng bia và phòng tập thể hình. Trước khi bán bà Hằng đều công khai cho các công dân được biết nhưng không ai có nhu cầu mua nên bà Hằng không thể bán cho họ được. Bà Hằng cũng đã phải thế chấp cả tài sản là căn nhà vợ chồng bà đang ở để lấy tiền trả nợ cho công dân.

Kể cả trong trường hợp bà Hằng có bán tài sản để trả cho các công dân khác mà không trả cho các công dân có đơn tố giác thì cũng không thể quy kết bà Hằng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản được. Bởi bà Hằng là chủ sở hữu tài sản, quyền bán tài sản cho ai là quyền của cá nhân bà Hằng, pháp luật hoàn toàn cho phép. Sau khi bán tài sản bà Hằng cũng dùng để trả nợ cho các công dân chứ không dùng vào mục đích phi pháp. Việc không còn khả năng thanh toán không phải do hành vi sử dụng tiền vào mục đích trái pháp luật.

Dẫn chiếu nội dung Thông báo số 64/TB/TANDTC của Toàn án nhân dân tối cao ngày 3/4/2019 về việc Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính, trong đó tại mục 6 đã quy định: “ Người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy…) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại…) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự.

Do vậy không thể cho rằng vì không dùng tiền bán cửa hàng, phòng tập để trả nợ cho các công dân có đơn tố cáo nên bà Hằng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai: Bà Phùng Thị Hằng không có hành vi bỏ trốn

Trong bản kết luận điều tra thể hiện nội dung “ Ngày 12/6/2018 Phùng Thị Hằng bỏ trốn khỏi địa phương, trước khi bỏ trốn Phùng Thị Hằng có viết thư cho các công dân với nội dung Hằng bỏ đi làm ăn. Trong quá trình điều tra xác định Hằng không đi nước ngoài làm ăn như đã nói với mọi người, Ngày 10/7/2018 thì ra cơ quan điều tra để đầu thú”.

Trang 03 bản cáo trạng của VKS nhân dân tỉnh Hòa Bình có nội dung: “ Các công dân cho Phùng Thị Hằng vay tiền để đầu tư kinh doanh, đến tháng 6/2018 do không thấy Hằng trả tiền các công dân đã tìm gặp, điện thoại nhưng không liên lạc được với Hằng, do đó 10 công dân đã có đơn tố cáo”

Điều này hoàn toàn không đúng bởi bà Hằng cùng chồng là ông Đặng Văn Thu luôn có mặt tại địa phương và tại nơi cư trú trong xuốt thời gian sinh sống. Trong khoảng thời gian từ ngày 12/6/2018 đến ngày 10/7/2018, bà Hằng có đi chơi cùng chồng là ông Đặng Văn Thu, mục đích để thăm bạn bè, người thân trong gia đình và để giảm bớt căng thẳng do khoản vay của các công dân. Trước khi đi bản thân bà Hằng cũng đã có giấy khất nợ viết lại cho công dân.

Việc bà Hằng đi ra ngoài địa bàn tỉnh là việc hết sức bình thường, là quyền công dân của mỗi con người. Nên nhớ tại thời điểm bà Hằng đi chơi cùng chồng, bản thân bà Hằng chưa phải đối tượng điều tra của Công an cũng như chưa bị hạn chế bất kỳ quyền nhân thân nào.Việc bà Hằng cùng chồng thường xuyên có mặt tại địa phương có sự chứng kiến, làm chứng của những người hàng xóm, có sự làm chứng của tổ trưởng tổ dân phố và xác nhận của UBND phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Chứng cứ trên đã được ông Đặng Văn Thu giao nộp cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình.

Việc các công dân cho rằng có đến nhà bà Hằng nhưng không gặp, điện thoại bà Hằng không nghe máy, đây hoàn toàn là những lời khai chủ quan từ một phía, không có căn cứ, trên thực tế các khoản vay của bà Hằng đối với các công dân trên không ghi thời hạn trả nợ gốc, do vậy bà Hằng chưa có nghĩa vụ phải trả nợ gốc đối với các khoản vay này, việc chậm trả lãi cũng là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh, việc chậm trả lãi chưa đủ yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 10/7/2018 sau khi nhận được giấy triệu tập (lần 1) của cơ quan điều tra, bà Hằng đã lập tức đến cơ quan điều tra để làm việc. Tại cơ quan điều tra, bà Hằng đã khai báo bà cùng chồng đã đi thăm anh em bạn bè người thân trong gia đình, việc này đã được cơ quan điều tra xác minh và xác nhận lời khai của bà Hằng là chính xác. Do vậy việc Cơ quan điều tra cho rằng bà Phùng Thị Hằng bỏ trốn là hoàn toàn không có căn cứ.

Thứ ba: Bà Phùng Thị Hằng không có hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Do vậy mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên trong vụ án trên, chúng tôi khẳng định bà Hằng không có ý thức chiếm đoạt tiền của các công dân, hành vi “không trả lại tài sản” cho các công dân không phải do bà Hằng cố ý không trả mà không còn còn khả năng để trả. Việc bà Hằng đi vắng trong khoản thời gian từ ngày 12/6/2018 đến ngày 10/7/2018 cũng chỉ là bất đắc dĩ do phải chịu quá nhiều áp lực trả nợ chứ không phải là một thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản như kết luận điều tra đã quy kết.

Lý do dẫn đến việc bà Hằng không có khả năng trả lại tài sản là do kinh doanh thua lỗ, cùng với việc phải trả các khoản lãi xuất quá cao cho các công dân dẫn tới không có khả năng trả nợ, đây là lỗi khách quan không phải ý chí của bà Hằng muốn như vậy. Giả sử bà Hằng đã sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp (ví dụ: Đánh bạc, buôn lậu…), dẫn tới mất khả năng thanh toán thì hành vi này mới thỏa mãn dấu hiệu chiếm đoạt.

Tại bút lục số 69 (Quyết định khởi tố bị can) bản thân bà Hằng cũng có nêu: “Tôi nhận thấy tôi có vi phạm pháp luật là sử dụng tiền vay không đúng mục đích, bản thân tôi không có mục đích lừa đảo. Tôi đã bán hết tài sản để trả nợ cho một số công dân. Trước khi tạm lánh khỏi địa phương tôi đã viết thư riêng cho từng công dân xin khất nợ và hứa sẽ làm ăn để trả dần.”.

Như vậy, hành vi của bà Phùng Thị Hằng chưa thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Lam dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như cơ quan điều tra đã kết luận.

  1. Về số liệu trong bản kết luận của cơ quan điều tra.
  2. Về số tiền mà bà Hằng đã vay của các công dân

Theo bản kết luận điều tra thì tổng số tiền bà Hằng chiếm đoạt của 10 công dân là 6.456.000.000đ (Bằng chữ: Sáu tỷ bốn trăm năm sáu triệu đồng chẵn), tổng số nợ lãi đã trả là 2.058.300.000đ và chưa trả nợ gốc.

Tuy nhiên căn cứ điều 476 bộ luật dân sự 2005 quy định lãi xuất tiền vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi xuất cơ bản của ngân hàng nhà nước (tương ứng với 13.5%/năm) và điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định mức lãi xuất cho vay không vượt quá 20%/năm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), căn cứ nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, đối với các thỏa thuận vượt mức lãi xuất quy định trong bộ luật dân sự thì chỉ được áp dụng mức lãi xuất được quy định trong bộ luật, phần tiền lãi đã trả vượt quá được đối trừ vào tiền nợ gốc.

Theo quy định của pháp luật, bà Hằng chỉ phải trả lãi theo quy định pháp luật, với số tiền chênh sẽ được trừ vào tiền nợ gốc với 10 công dân và cho tới thời điểm bị bắt, bà Hằng vẫn đang tiếp tục trả nợ cho các công dân này.

  1. Về số tiền bà Hằng sử dụng để đầu tư kinh doanh

Trong bản kết luận điều tra tại trang 03 có nêu: “Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ Phùng Thị Hằng sử dụng 1.700.000.000đ để đầu tư vào sàn tập Olypia tại tầng 3 chợ Phương Lâm và đầu tư xây dựng, kinh doanh tại quán bia Hưng Hải; Từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2018 Phùng Thị Hằng sử dụng 3.182.645.967đ để đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại quán bị Hưng Hải và xây dựng mặt bằng bên cạnh quán bia Hưng Hải, gồm tiền mua hàng hóa, chi phí phục vụ kinh doanh là 2.890.472.967đ; mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh là 56.850.000đ; sửa chữa xây dựng cơ sở kinh doanh số tiền là 235.323.000đ…”

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ được một số chứng từ liên quan tới quá trình kinh doanh nhà hàng bia Hưng Hải club, dựa vào những chứng từ này cơ quan điều tra đã tiến hành tổng hợp và ra những số liệu như trong bản kết luận điều tra đã nêu. Chúng tôi cho rằng những số liệu trên sổ sách đã được cơ quan điều tra thu giữ không thể phản ánh hết quá trình đầu tư, kinh doanh của bà Hằng từ tháng 1/2017 cho tới tháng 6/2018. Trên thực tế số tiền dùng để kinh doanh quán bia Hưng Hải và câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ lớn hơn con số này rất nhiều, Cơ quan điều tra chưa tính tới các chi phí như chi phí thuê mặt bằng sàn tập thể hình, chi phí điện nước hàng tháng, chi phí nhân công……

Trong bản kết luận nêu: “Năm 2016, Phùng Thị Hằng đã giao khoán toàn bộ sàn tập thể hình tại tầng 3 chợ Phương Lâm cho anh Nguyễn Thành Long với số tiền là 35.000.000đ, do đó trong quá trình quản lý, toàn bộ chi phí sửa chữa mua sắm thiết bị tại phòng tập do anh Nguyễn Thành Long tự bỏ ra”.

Điều này hoàn toàn không chính xác, tại bút lục số 811(Giấy ủy quyền cho Nguyễn Thành Long quản lý chợ) với nội dung “Hiện nay do sức khỏe yếu nên tôi ủy quyền cho ông Nguyễn Thành Long thay tôi quản lý sàn tập thể hình, thẩm mỹ tầng 3, chợ Phương Lâm, thành phố Hòa Bình”. Bản thân trong các lời khai của bà Hằng tại cơ quan điều tra luôn khẳng định chỉ ủy quyền cho Long đứng ra quản lý, đến tận ngày 5/6/2018 mới chính thức chuyển nhượng sàn tập thể hình cho Long. Trước thời điểm ngày 5/6/2018 các chi phí sửa chữa mua sắm thiết bị phòng tập đều do bà Phùng Thị Hằng đứng ra chi trả. Vì vậy chúng tôi cho rằng không có cơ sở khi cho rằng từ năm 2016, anh Nguyễn Thành Long là người trực tiếp bỏ tiền ra để sửa chữa, mua sắm thiết bị phòng tập.

  1. Về số tiền bà Hằng bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của công dân.

Tại bản kết luận điều tra cũng như tại bản cáo trạng đều kết luận bà Phùng Thị Hằng đã chiếm đoạt của các công dân số tiền là 6.456.000.000đ (Bằng chữ: sáu tỷ bốn trăm năm sáu triệu đồng chẵn) là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi trong tổng số 6.456.000.000đ, ít nhất cơ quan điều tra cũng đã làm rõ một phần tiền trong đó (cụ thể là 3.182.645.967đ) để đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại quán bị Hưng Hải và xây dựng mặt bằng bên cạnh quán bia Hưng Hải. Như vậy đối với số tiền này, bà Hằng vay mượn hoàn toàn đúng mục đích sử dụng. Số tiền còn lại Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa làm rõ được bà Hằng có chiếm đoạt hay không? Tại phiên tòa không thể làm rõ được, Luật sư thấy rằng cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ số tiền này.

III. Vi phạm của cơ quan điều tra

Bút lục số 795, 796, 797 (biên bản làm việc nội dung bà Hằng chuyển nhượng cửa hàng cho bà Nguyễn Thị Thu Hà) thể hiện nội dung “Hôm nay ngày 17/8/2018 bà Phùng Thị Hằng xác nhận ngày 5/6/2018 bà Hằng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thu Hà toàn bộ tài sản của nhà hàng Hưng Hải Club theo hợp đồng chuyển nhượng số 338/2018/HĐCT ký ngày 5/6/2018, tài sản chuyển nhượng gồm:……..”

Bút lục số 798, 799 (Biên bản làm việc nội dung bà Hằng chuyển phòng tập thể hình cho Nguyễn Thành Long) thể hiện nội dung “ Hôm nay ngày 17/8/2018, bà Phùng Thị Hằng xá nhận ngày 5/6/2018 có chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Thành Long toàn bộ tài sản của sàn tập thể hình thẩm mỹ tại tầng 3, chợ Phương Lâm và ủy quyền cho anh Nguyễn Thành Long thuê địa điểm kinh doanh, danh sách tài sản chuyển nhượng gồm:…………”

Thời điểm ngày 17/8/2018 là thời điểm bà Phùng Thị Hằng đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, hợp đồng chuyển nhượng trên cũng được lập lại trong trại tạm giam, chúng tôi khẳng định những số liệu liên quan tới tài sản chuyển nhượng hoàn toàn không chính xác và không khách quan bởi việc chuyển nhượng đã được diễn ra từ rất lâu trước đó, thời điểm chuyển nhượng các bên không tiến hành kiểm kê danh mục tài sản chuyển nhượng. Do vậy tại thời điểm ngày 17/8/2018 chắc chắn các bên không thể nhớ chi tiết số lượng đến từng cái bát, từng cái đĩa, nồi niêu xoong chảo. Việc các bên có ký vào hợp đồng chuyển nhượng được lập ngày 17/8/2018 chỉ là sự ép buộc và không có cơ sở thực tiễn. Thế nhưng cơ quan điều tra đã dựa vào số liệu trên để từ đó suy luận ra số tiền mà bà Phùng Thị Hằng đã đầu tư cho quán bia Hưng Hải và phòng tập Olypia, điều này hoàn toàn không chính xác.

Trang 4 bản kết luận điều tra có nêu “Ngày 10/7/2018 Phùng Thị Hằng đến cơ quan điều tra làm việc và có đơn xin đầu thú”. Tuy nhiên theo nội dung trình bày của ông Đặng Văn Thu là chồng bà Hằng và Đặng Văn Công là con trai bà Hằng thì việc viết đơn xin đầu thú không phải là ý chí của bà Hằng mà do điều tra viên Nguyễn Hồng Hải và Nguyễn Anh Tú hướng dẫn viết, không phải do bà Hằng tự nguyện viết. Bản thân ngay trong các biên bản nhận quyết định khởi tố bị can (BL số 69, 70), bà Hằng đều khẳng định “ Bản thân tôi không có ý nghĩ lừa đảo, tôi đã bán hết tài sản để trả đỡ cho một số công dân, trước khi tạm lánh khỏi địa phương tôi đã viết thư cho từng người để xin khất nợ và hứa sẽ làm ăn trả dần”. Như vậy ngay từ đầu bà Hằng đã luôn khẳng định mình không có ý thức chiếm đoạt tiền của các công dân mà là do kinh doanh thất bại không có khả năng trả nợ. Thế nhưng cán bộ điều tra lại hướng dẫn bà Hằng viết đơn xin đầu thú, chúng tôi cho rằng nội dung đơn này không phải ý chí của bà Hằng.

Ngoài ra, từ ngày 18/07 đến ngày 26/07/2018 các điều tra viên liên tục vào làm việc lấy lời khai, hỏi cung với bà Hằng tại trại tạm giam mà không thông báo cho Luật sư bào chữa trong khi chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa từ ngày 12/07/2018. Chúng tôi có hỏi tại sao Cơ quan điều tra không thông báo cho chúng tôi được biết kế hoạch làm việc để chúng tôi tham gia bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà Hằng thì được điều tra viên Nguyễn Hồng Hải đã trả lời là Cơ quan điều tra không có nghĩa vụ phải thông báo cho luật sư về tất cả các buổi làm việc, hỏi cung bị can. Chỉ những buổi làm việc nào thấy cần thiết thì sẽ thông báo để luật sư tham gia cùng.

Là luật sư bào chữa của bà Phùng Thị Hằng, chúng tôi được quyền tham gia tất cả các buổi làm việc của cơ quan điều tra đối với bà Phùng Thị Hằng từ giai đoạn tạm giữ và xuyên suốt trong giai đoạn điều tra. Những lời khai của bà Phùng Thị Hằng trong giai đoạn bị tạm giữ là những lời khai rất quan trọng và là căn cứ để cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên thời điểm đó Luật sư chúng tôi lại không được Cơ quan điều tra thông báo về kế hoạch làm việc, điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng về tính khách quan và chính xác trong lời khai của bà Phùng Thị Hằng tại cơ quan điều tra vào các ngày 19 và 20/7/2018, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phùng Thị Hằng. Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa

  1. Người bào chữa có quyền:

…………………………………………..

  1. b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

…………………………………………..

  1. d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

Vì thế những lời khai của bà Hằng từ ngày 18/07/2018 đến ngày 26/07/2018 chúng tôi cho rằng không có giá trị về mặt pháp lý khi thiếu vắng sự tham gia của luật sư.

Kiến nghị Luật sư Bào chữa:

Như vậy, hành vi của bà Phùng Thị Hằng vay tiền của các công dân để kinh doanh, sau đó thua lỗ dẫn tới không có khả năng trả nợ chỉ là một giao dịch  thể hiện hành vi dân sự, bản thân bà Hằng không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản công dân, không dùng thủ đoạn gian dối và không bỏ trốn như cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã kết luận.

Vì các lẽ trên, Luật sư Hà Nội chúng tôi kính đề Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các nội dung mà chúng tôi đã đề cập trong bản kiến nghị.

Sau phần nghị án Thẩm phán Nguyễn Thị Dụ tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chấp nhận quan điểm lời bào chữa của Luật sư ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo trình tự thủ tục pháp luật.