0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Theo quan điểm của luật sư từ chức vẫn phải chịu trách nhiệm

Luật sư Hà Nội – Trước đó, ngày 3-6-2011, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Thanh Hải (SN 1977), nhân viên kế toán của Cục Điện ảnh, về hành vi giả mạo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, trong thời gian từ năm 2009 đến khi bị phát hiện, Phạm Thanh Hải đã làm nhiều bộ hồ sơ ủy nhiệm chi giả để rút từ tài khoản của Cục Điện ảnh số tiền khoảng 42 tỉ đồng, chiếm hưởng cá nhân. Sau khi bị phát hiện, Hải đã bỏ trốn sang Canada. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
Nhiều tờ báo đưa tin, sau khi việc thất thoát tiền tỷ bị phát hiện, những người có trách nhiệm ở Cục Điện ảnh vẫn “yên vị” đã khiến nhiều nghệ sĩ tên tuổi, như NSND Nguyễn Lương Đức, NSND Trần Phương, NSND Đoàn Dũng, PGS – TS, NSƯT Trần Duy Hinh, đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga, nhà biên kịch Phan Thanh Tú…, đồng ký tên vào đơn kiến nghị làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu ngành điện ảnh. Theo các nghệ sĩ, để thất thoát kéo dài từ năm 2009 đến 2011, với số tiền lên đến 42 tỉ đồng mà Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh, chủ tài khoản của Cục Điện ảnh, không hề hay biết thì đây là điều lạ!

Có lẽ, trước sức ép của dư luận, nên vừa qua, đồng thời cả ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh cùng nộp đơn xin từ chức. Hành động này cũng gây ra nhiều dư luận trái chiều. Một tờ báo dẫn lời nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Chúng ta nên quen với văn hóa từ chức. Vinashin nợ gần trăm nghìn tỷ đồng chẳng ai từ chức, nên việc từ chức của Cục điện ảnh là đáng khen”. Trái với quan điểm của bà Ngát, nhiều người cho rằng, việc từ chức của hai vị lãnh đạo Cục Điện ảnh chẳng hề “đáng khen”, bởi rũ trách nhiệm không phải việc hay. Họ còn phải ở lại vị trí để chịu trách nhiệm của mình, nếu có thể, phải chịu hình thức kỷ luật cách chức.

Nhiều người cũng cho rằng, việc thất thoát đến 42 tỷ đồng tiền ngân sách thì dù có là một vụ lừa đảo vẫn thấy rõ trách nhiệm của Cục trưởng và Cục phó, vì vậy ngoài việc xem xét có nên chấp nhận việc từ chức của các ông Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh, còn phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của hai vị lãnh đạo này khi để cơ quan xảy ra thất thoát số tiền lớn đến như vậy.

Ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết, tuy đã gửi đơn từ chức nhưng ông Sinh và ông Minh vẫn đang nắm quyền điều hành Cục Điện ảnh vì không phải cứ nộp đơn là được cho từ chức ngay. Hiện, Bộ VH-TT&DL đã thành lập đoàn thanh tra bắt đầu làm việc với Cục Điện ảnh từ ngày 12-9 đến ngày 22-9. Sau đó, Bộ VH-TT&DL sẽ xem xét việc có nên chấp nhận việc từ chức hay không.

Nhìn nhận sự việc từ góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty luật Dragon (Đoàn Luật Sư Hà Nội) cho rằng: Việc từ chức là ý kiến cá nhân và quyền của mỗi người, nhưng vụ việc xảy ra ở Cục Điện ảnh nếu có liên quan đến trách nhiệm của những người đứng đầu thì dù hai ông Cục trưởng, Cục phó có từ chức cũng vẫn phải chịu trách nhiệm. Trong vụ việc này, cấp có thẩm quyền sẽ cân nhắc và khi thấy rằng việc tạm đình chỉ công tác để làm rõ vụ án là cần thiết thì lúc đó mới được từ chức. Còn việc làm đơn mới là ý định của một bên.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, trong vụ việc này, ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh là những người chịu trách nhiệm chính cùng với kế toán là một ê kíp trong bộ máy quản lý, việc sử dụng số tiền thất thoát nói trên như thế nào thì CQCSĐT sẽ xác minh cụ thể, nhưng việc thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu khiến số tiền bị thất thoát thì đã rõ ràng. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, CQĐT sẽ làm rõ nếu những người quản lý này có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt số tiền 42 tỷ đồng để vụ lợi, tiêu xài riêng, thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 Bộ luật Hình sự.

Văn phòng luật sư Dragon – Luật sư  Nguyễn Minh Long