0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Ngọc “Xa lộ”

Lời hứa của trùm giang hồ một thuở

Ngọc “Xa lộ”

Ngọc “xa lộ” gắng hứa hẹn thêm một vài điều nữa, trước khi theo cán bộ dẫn giải về lại buồng giam: “Mấy năm nữa gặp lại, chắc chắn mọi người sẽ thấy tôi khác hẳn. Không người chồng, người cha nào lại muốn vợ con mình mãi sống trong đau khổ, bất hạnh. Tôi cũng thế thôi, không có gì khác mọi người đâu. Lấy danh dự đàn ông, tôi hứa đấy”.

“Số má” cộm cán ngoài đời thế nào không biết, bây giờ, trong Trại giam số 3, Ngọc “xa lộ” chỉ còn là một người đàn ông mà dấu vết tuổi tác cũng như sự mỏi mệt đã hằn lên nét mặt. Đi đứng chậm rãi, nói năng điềm đạm, kín kẽ và đặc biệt, rất hay cười, điệu cười  ngượng nghịu, câu cửa miệng thường được Ngọc “xa lộ” lặp đi lặp lại là: “Tôi có làm gì xấu đâu, chỉ hay giúp người thôi mà?!”. Bao năm tạo dựng tiếng tăm trong “thế giới ngầm”, lúc này, ước mơ của “trùm giang hồ” lại quá bình dị: Ra tù, khi ngồi trong một quán cà phê nào đó, mong sẽ chẳng ai nhận ra…?

“Đâm thuê chém mướn để giúp người” (?!)

Nhắc đến quá khứ “anh chị, đại ca” của mình, Ngọc “xa lộ” “chối” đây đẩy: “Đâu có, tất cả là do các em nó đồn thổi. Chứ, tôi toàn làm việc tốt” (?!). Nhưng, chắc thấy nói thế cũng không xuôi tai lắm, anh ta ngập ngừng: “Tôi cũng có lỗi trong vụ gây rối ở quán gội đầu đường Đại Cồ Việt. Hôm đó tại tôi không trực tiếp có mặt, các em nó lại hơi quá đà. Nếu có tôi, sẽ không xảy ra chuyện như thế. Tôi gọi điện… báo Công an ngay. Còn cái chuyện ở hồ Ba Mẫu, tôi chỉ giúp cô Thủy thôi mà”.

Ngọc “xa lộ” rành rẽ từng lời, rồi lại cười, tỉnh bơ. Đấy mới đúng “bài bản” của gã trùm nức tiếng Hà Nội một thời, không bao giờ trực tiếp mó tay vào bất cứ việc gì, chỉ ngồi đăm chiêu một chỗ, điều khiển đám đàn em vô công rồi nghề qua điện thoại.

Thực ra, ở Trại giam số 3, các cán bộ, quản giáo chẳng mấy bận tâm tới biệt danh “xa lộ” khét tiếng của Ngọc. Mọi người gọi anh ta, đơn giản bằng chính cái tên cha sinh mẹ đẻ: Tạ Hồng Ngọc. Tuy nhiên, với bạn tù, uy của một “ông trùm” trong Ngọc vẫn còn lẩn quất, vướng vất. Ngọc bảo: “Ở trại, các em nó biết tôi hết mà”. Luôn dùng từ “các em” để nói về những bạn tù khác, một cách Ngọc “xa lộ” tự tin khẳng định vị trí “đàn anh” của mình.

Không phải ra ngoài lao động, ban ngày, Ngọc chỉ việc quanh quẩn dọn dẹp, quán xuyến, lấy cơm lấy nước và sắp đặt trật tự trong buồng giam. Anh ta vừa bị xếp loại thi đua kém vì “đầu trò” một vụ đánh nhau. “Hiểu nhầm thôi. Các em nó tự động gây hấn với nhau, tôi có xúi bẩy, khích bác gì đâu”. Ngọc thanh minh. Nhưng anh ta, vẫn đủ bản lĩnh để không phải lên tiếng, chỉ cần một cái nhíu mày, nheo mắt, cũng đã như một mệnh lệnh, khiến đám bạn tù ngông nghênh lao vào ẩu đả.

Chuyển “khẩu” vào Trại giam số 3 (Cục V26) được 2  năm có lẻ, Ngọc “xa lộ” còn hơn 3 năm nữa để hoàn thành cho xong 6 năm chằn chặn của hai bản án cộng gộp: Hủy hoại tài sản công dân và bắt giữ người trái phép. Ngọc cũng không xa lạ với vùng núi rừng heo hút, khô rang, cằn cỗi này. Những năm cuối thập niên 80, thế kỷ XX, anh ta từng có “tiền sự” dài, phải đi tập trung cải tạo ngay tại chính Tân Kỳ – Nghệ An.

Lưới trời lồng lộng, dẫu hành tung chặt chẽ, khéo léo, giỏi giấu mình đến đâu, Ngọc “xa lộ” cũng rơi vào một tình huống cực kỳ “ngớ ngẩn”. Ngày 6/6/2006, chuyện xô xát, lời qua tiếng lại giữa nam khách hàng và nữ tiếp viên quán “Cắt tóc nghệ thuật” 61 Đại Cồ Việt khiến chủ nhân uất ức gọi điện cho Ngọc “xa lộ” nhờ phân xử.

Tối 7/6, Ngọc điều đàn em tới quán rắp tâm dằn mặt những kẻ dám chọc ghẹo ở địa bàn đã được anh ta “bảo kê”. Ngang ngược bắt giữ và hành hung hai thanh niên không có khả năng chống đỡ, đám lâu la của Ngọc “xa lộ” chỉ dừng tay, chịu khuất phục khi Công an phường Lê Đại Hành và các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội ập đến can thiệp, bắt quả tang hành vi phạm pháp. Án đã tuyên, Tòa đã xử, nhưng trong trại giam, Ngọc vẫn tiếc hùi hụi vì “các em nó manh động, làm liều, không biết gì đến pháp luật” khiến anh ta lâm vòng lao lý!?…

Còn cái tội tự dưng vô cớ đập phá nhà dân, Ngọc “xa lộ” nắn nót viết trong bản tự khai lý lịch phạm nhân: “Tôi điện thoại cho em tôi là Quân “cóc” bảo người nhờ lấy 150 triệu đồng trong vụ hủy hoại tài sản!?”… Với 150 triệu đồng được thuê, Ngọc “xa lộ” đã điều khoảng 30 tên côn đồ phá tan một ngôi nhà cấp bốn của người dân tại khu vực hồ Ba Mẫu vào 23h30’ ngày 23/3/2006…

Tạ Hồng Ngọc đích thị dân Hà Nội. Nếu anh ta không nhận, cũng ít ai tin, vì nghe giọng nói, rất khó tìm ra nguồn gốc xuất xứ. “Tại tôi đi lại phiêu bạt nhiều, nên pha tiếng của các vùng miền khác”, Ngọc phân trần. Trông anh ta hồng hào, mập mạp, khác hoàn toàn với vẻ dặt dẹo còn lưu tại những bức ảnh chụp hôm ra tòa, cách đây 2 năm.

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 3 họp lên kế hoạch công tác.

Trước kia, Ngọc cũng có một “thời thanh niên sôi nổi” của riêng mình, từng đi bộ đội, rồi làm thợ hàn tại đại công trường thủy điện Hòa Bình. Cứ nhu mì thuần túy gắn với thủy điện sông Đà, cuộc đời Ngọc có lẽ đã rẽ sang một hướng khác. Nhưng, bố mẹ mất sớm, không chịu được cuộc sống nề nếp trong gia đình người anh trai, một sĩ quan quân đội nhất mực yêu quý em, Ngọc bỏ việc, bỏ cả nhà, quăng thân vào chốn giang hồ.

Sẵn tài võ nghệ, Ngọc lân la lai vãng tới không thiếu một địa danh nào khắp miền Bắc. Từ Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Nội… cái tên Ngọc “xa lộ” dần là nỗi khiếp sợ cho những người lương thiện mưu sinh tại các nhà ga, bến tàu…  Máu yêng hùng đã khiến Tạ Hồng Ngọc, năm 1989, bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình kết án 9 tháng tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bản thân Tạ Hồng Ngọc cũng không rõ, cái biệt danh “xa lộ” gắn với tên mình từ bao giờ và mang ẩn ý ra sao, chỉ biết, hiện tại, anh ta đã quá chán ngán tất cả những gì gợi nhắc đến phần đời không bình yên của mình: “Biệt hiệu ấy do xã hội đặt cho. Tại ngày xưa tôi cũng ngang tàng, có phong thái mà người thường không có được”, Ngọc hãnh diện. Hỏi “cái phong thái ấy là gì, có phải hay bắt nạt ức hiếp người khác không”, Ngọc nguây nguẩy lắc đầu: “Tôi có làm gì sai đâu, chỉ giúp những người bị chèn ép thôi. Giúp không phải vì tiền, mà vì tình vì nghĩa”.

Rồi như chưa thỏa mãn với những tự sự của mình, Ngọc sôi nổi: “Tôi chỉ bị mắc cái tiếng. Tiếng của tôi to quá. Ở các thành phố lớn, ai cũng biết, đi đến đâu cũng có người chào, đâm ra nhiều người nhờ vả”. Ngọc hồi ức lại một góc quá khứ: “Lần nào tôi vào TP HCM, cũng có cả đoàn xe ôtô rầm rập kéo ra sân bay đón rước. Ở khách sạn nào cũng tấp nập người đến tìm”.

Tò mò, từ đâu ra cái “danh tiếng” lẫy lừng ấy, Ngọc “xa lộ” giãi bày: “Tôi đông các em quá. Thỉnh thoảng họ làm gì không phải, chính quyền lại đổ cho mình. Có nhiều người không là đàn em của tôi, nhưng cứ nhận, rồi làm việc xấu, để ảnh hưởng đến tôi”. Có lúc, Ngọc lại thở phào như vừa trút được gánh nặng: “Vào trại thế này cũng tốt, chứ ở nhà, tháng nào cũng bị phường gọi lên viết cam kết không vi phạm pháp luật, mệt mỏi lắm”.

Ngọc “xa lộ” vẫn giấu, hoặc có thể, anh ta đã thực tâm muốn quên đi những tháng ngày đắm chìm trong thế giới không ánh đèn. Bởi chắc chắn, cái “danh tiếng” và vị thế xác lập cho mình, được đắp bồi bằng chính những thủ đoạn tàn độc mà anh ta hoặc đàn em đã ra tay với không ít “con nợ” và cả các đối thủ cạnh tranh trong những mối làm ăn ngoài vòng pháp luật.

Mong mọi người quên cái tên Ngọc “xa lộ” đi

Ngọc thảng hoặc tư lự, thu mình lại khi nhắc đến vợ con. Vợ con hầu như không hề biết những việc anh ta làm. Họ chỉ nghĩ Ngọc “xa lộ” là “sếp sòng”, trông coi đội bốc dỡ, giữ gìn trật tự ở bến xe lớn nhất Hà Nội. Vợ và cậu con trai duy nhất của Tạ Hồng Ngọc đã rất “sốc” vì chứng kiến cảnh chồng và cha mình bị bắt, bị còng tay dẫn giải đến trại giam. Vợ Ngọc sinh bệnh trầm cảm từ ngày ấy, phải nghỉ việc nằm nhà. Có mẹ là cô giáo, nên cậu con trai cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và chịu khó giúp gia đình: “May con tôi không giống bố. Nó học lớp 12 rồi mà vẫn chưa có người yêu, chưa biết tiêu tiền”. Ngọc cười, nhẹ nhõm.

Vắng bố, cậu bé phải tự tới lớp một mình. “Bao năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, hôm nào tôi cũng đưa đón con đi học. Vợ tôi không biết đi xe máy”, Ngọc rầu rầu. Cứ nhắc đến vợ con, anh ta lại dịu giọng: “Tôi cũng gắng cho con học hành đến nơi đến chốn, không để theo nghề của bố. Bố đã ít học, phải hành nghề “giang hồ”, mặt trái của xã hội”.

Ngọc vẫn “ngoan cố”: “Tôi có thể giúp được người, mà giúp người thật sự đấy chứ (?!), nhưng 50 tuổi rồi còn phải đi tù, vì vi phạm pháp luật. Thế nên con tôi phải ráng học, học cả phần cho tôi”. Rồi anh ta trầm ngâm, giọng như lạc hẳn: “Đúng lúc con tôi vào tuổi lớn, cần có bố bên cạnh, bố lại đi tù. Người ta thì đi nước ngoài, đi Tây, đi Mỹ, còn mình lại vào tù”.

Phạm nhân đang lao động tại Trại giam số 3.

Trò chuyện với Ngọc “xa lộ” trong cái buổi chiều chang chang nắng và bỏng rẫy gió Lào tại phòng làm việc của Trung tá Nguyễn Trung Hiếu – Đội trưởng Đội quản giáo – Trại giam số 3, thật khó chắp nối giữa người đàn ông từ tốn, đau đáu một lòng cùng vợ con với một trùm giang hồ thoáng nghe tên đã khiến nhiều người dân Hà Nội sởn da gà.

Ngọc “xa lộ” cứ khăng khăng mình không hề “đòi nợ, đâm thuê, chém mướn”, cũng chẳng có chuyện bắt cóc đánh người, anh ta chỉ dùng uy tín cá nhân giúp những kẻ “thân cô thế cô” đang cơn hoạn nạn. Ngọc vẫn “cay” vì đã quá sơ sểnh trong vụ “Cắt tóc nghệ thuật” và phá nhà dân tại hồ Ba Mẫu để đến nỗi chứng cứ rành rành, không thể chối tội ở Cơ quan điều tra.

Va chạm với pháp luật từ hồi còn đầu xanh tuổi trẻ, quá từng trải nên Ngọc biết, dẫu có máu mặt tới đâu ở ngoài đời, thì khi vào tù, cách duy nhất để sớm được tự do cũng chỉ là chấp hành thật tốt nội quy của trại giam. Ngọc bảo, dịp trước anh trai vào thăm, buồn thắt lòng vì cậu em trót “nổi tiếng” theo cách chẳng hay ho gì. Nhìn anh mình, một Đại tá quân đội tóc trắng xóa bụi đường, lặn lội hàng trăm cây số từ Hòa Bình vào Nghệ An thăm em, Ngọc đắng họng vì xót xa.

Sinh năm 1957, đã sang tuổi “tri thiên mệnh”, Ngọc “xa lộ” tự hiểu, thời của mình đang dần hết. Nên anh ta, luôn miệng nói thực tâm muốn cải tạo tốt, muốn trở về làm một người chồng, người cha đúng nghĩa trong nhà. “Không phải vì sợ đâu – Ngọc “xa lộ” nhấn giọng, rành rọt từng chữ – Nói thật, tôi không sợ đi tù, mà chỉ sợ làm những gì trái với lương tâm mình”. (Phút sám hối bất chợt của trùm giang hồ khiến tôi, đâm ra lại hoang mang không hiểu mình có hồ đồ khi còn ngờ vực sự hối cải của anh ta không)?.

Từ lâu, Ngọc “xa lộ” cũng ngán cái cảnh được săn đón, tung hô: “Giờ có dịp về lại TP HCM, tôi chỉ muốn lặng lẽ, tự đi tự đến. Một mình một xe máy, hay taxi, tôi không muốn ai biết, không cần ai đón tiếp”. Ngày ra khỏi trại giam, Ngọc mong được chìm giữa cuộc sống đời thường, ước ao dư luận sẽ lãng quên đi cái biệt danh “xa lộ” đầy nhức nhối của mình: “Tôi ước không ai còn nhớ tôi là ai, ở giữa đám đông không có người nhận ra mặt. Nếu ngồi trong quán cà phê, có người đến chào, tôi sẽ đứng dậy đi sang quán khác ngay”.

Hơn nửa đời người nhúng tay vào tội lỗi, giờ đây, ngay trong trại giam, cựu trùm giang hồ đã hoạch định cho cái tương lai lương thiện của mình: “Chắc chắn tôi sẽ không quay lại con đường cũ nữa. Tôi sẽ mở cửa hiệu để kinh doanh, nhưng kinh doanh như kiểu karaoke hay quán bar tôi dứt khoát không làm”.

Nhưng khi tôi thắc mắc, liệu những đồng đảng trong “thế giới ngầm” có cho anh ta thoát ra dễ dàng thế không, Ngọc dằn giọng khẳng định ngay: “Tôi là anh của mọi người, tất cả đều là em tôi. Không ai được phép ngăn cản tôi cả. Thế giới giang hồ đâu phải cứ vào là không ra được. Tôi cũng sẽ khuyên bảo các em mình rời xa con đường cũ, quay về làm con người tốt cho xã hội thôi”.

Ngọc “xa lộ” gắng hứa hẹn thêm một vài điều nữa, trước khi theo cán bộ dẫn giải về lại buồng giam: “Mấy năm nữa gặp lại, chắc chắn mọi người sẽ thấy tôi khác hẳn. Không người chồng, người cha nào lại muốn vợ con mình mãi sống trong đau khổ, bất hạnh. Tôi cũng thế thôi, không có gì khác mọi người đâu. Lấy danh dự đàn ông, tôi hứa đấy”

H. Sen – X. Ma

Theo ANTG

Vỏ bọc của Ngọc “xa lộ”

Nếu những đại ca như Phúc “bồ”, Khánh “trắng”, Dung “Hà” hay Năm Cam… đều xuất đầu lộ diện để chỉ huy đàn em, thậm chí trực tiếp vi phạm pháp luật thì ông trùm Ngọc “xa lộ” lại chỉ điều khiển đám đệ tử từ xa và ẩn mình dưới một vỏ bọc khá an toàn: võ sư.

Thượng tá Vũ Hoàng Kiên, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, đơn vị chủ trì việc bắt giữ Tạ Hồng Ngọc (Ngọc “xa lộ”) hôm 8/12 cho biết, đây là một dạng tội phạm nguy hiểm.

Sinh năm 1957 tại Hà Tây, cha mẹ mất sớm, Ngọc được anh trai quan tâm nuôi nấng. Chính anh trai Ngọc đã xin cho Ngọc vào làm việc tại một công ty xây dựng ở Hòa Bình với mong muốn Ngọc có một cuộc sống viên chức ổn định.

Nhưng rồi với bản tính ngỗ ngược, Ngọc đã rời bỏ công ty. Được học võ ở quê từ thuở nhỏ, sau khi nghỉ việc Ngọc về mở lò luyện võ tại Hòa Bình. Tại đây, Ngọc đã chiêu mộ được khá nhiều các môn sinh, trong đó có những môn sinh chỉ có võ mà không có đạo.

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được thì vào năm 1982, trong một lần xô xát với một nhóm người ở Hòa Bình, Ngọc và đám môn sinh đã không chỉ gây thương tích cho người bị hại mà còn cướp tài sản của họ. Vì vụ việc này, Ngọc bị xử phạt 11 năm tù giam về tội cướp của.

Ở tù, phần vì biết võ, phần vì bản tính lì lợm, Ngọc sớm được liệt vào hàng anh chị. Các quan hệ của Ngọc với giới giang hồ cũng bắt đầu từ đây. Ra tù, Ngọc rời Hòa Bình về Hà Nội để tìm đất làm ăn.

Hai vợ chồng Ngọc cùng với đứa con trai năm nay đang học cấp 2, xây nhà ở ngõ Tân Lạc, Đại La, phường Trương Định (Hà Nội). Ngọc bắt đầu tập hợp đám bạn tù cũ hình thành nên một ổ nhóm gồm những tên côn đồ hung hãn chuyên đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng, đòi nợ thuê…

Nhưng so với đám giang hồ đao búa, Ngọc không chỉ hơn chúng về võ nghệ, độ liều lĩnh mà còn hơn chúng về đầu óc tổ chức cũng như những thủ đoạn che đậy tội ác một cách tinh vi.

Thượng tá Vũ Hoàng Kiên cho biết, hầu hết trong các phi vụ, Ngọc luôn xuất hiện cách hiện trường ít nhất là 20 mét để điều khiển từ xa chứ không bao giờ có mặt tại chỗ. Ngọc cũng chẳng bao giờ chỉ huy theo kiểu hò hét, cổ vũ như: “Chúng mày đâm chết nó đi, tội vạ đâu anh chịu!” như các tên trùm khác mà chỉ ra lệnh ngầm cho đám đệ tử.

Thậm chí, Ngọc còn cảnh giác đến mức không ra lệnh cho đàn em qua điện thoại, mà chỉ nhắc nhở bằng những câu có nội dung chung chung, đại loại như: “Mày cứ làm như thế nhé”… Vì thế, trong rất nhiều vụ việc xảy ra, dù biết có bàn tay tổ chức, chỉ huy của Ngọc, nhưng việc chứng minh vai trò của y thực sự khó khăn.

Vụ đập phá ngôi nhà ở hồ Ba Mẫu của bà Nguyễn Thanh Bình là một ví dụ. Theo “đặt hàng” của Trần Việt Sơn, Giám đốc Công ty May mặc Việt Huy, Ngọc nhận sẽ phá tan tành nhà bà Bình với giá 150 triệu đồng.

Ngọc đã ra lệnh cho đàn em thực hiện việc này nhưng vào chính cái đêm mà đám đàn em của Ngọc đập nhà bà Bình thì Ngọc lại không đến tận nơi để trực tiếp chỉ huy. Đêm ấy, Ngọc ngồi ở cách xa khu vực nhà bà Bình một đoạn và giữ liên lạc với đàn em bằng điện thoại.

Một thủ đoạn tinh vi nữa của Ngọc, đó là khi các vụ việc đâm thuê chém mướn có nguy cơ bị bại lộ thì Ngọc bao giờ cũng có kế để thoát thân bằng cách bịt miệng người bị hại, không cho họ tố cáo với cơ quan pháp luật. Có hai cách bịt miệng thông thường nhất mà Ngọc hay áp dụng, đó là dùng tiền dưới danh nghĩa là bồi thường thiệt hại và dùng đám đệ tử đao búa để đe dọa người bị hại.

Có những người bị đám đệ tử của Ngọc đánh rất đau, thương tích nặng nhưng không dám hé răng khai báo với Cơ quan điều tra vì đã trót nhận tiền bồi thường của Ngọc. Cũng có những người uất ức không muốn nhận tiền bồi thường nhưng do bị đám đệ tử của Ngọc đe dọa nên cuối cùng cũng phải nhận và buộc phải… im lặng. Thậm chí, có những người bị hại ở gần nhà Ngọc, biết rõ tên tuổi, mặt mũi của Ngọc và đám đệ tử nhưng khi Cơ quan Công an đến yêu cầu khai báo, đưa ảnh đối tượng để nhận diện thì lại bảo không biết người này là ai.

Vụ Ngọc chỉ huy đám đệ tử bắt giữ người trái pháp luật tại tiệm cắt tóc gội đầu 61 Đại Cồ Việt là một ví dụ. Tiệm cắt tóc gội đầu thư giãn này do Đồng Thị Lan làm chủ và Ngọc làm bảo kê. Bản thân Lan không muốn Ngọc bảo kê tiệm mình nhưng không dám ho he vì chỉ cần bị trái ý, Ngọc sẽ cho đàn em đến quậy tưng bừng, hết đường làm ăn.

Số tiền bảo kê hằng tháng Ngọc không ra giá nhưng hầu như tháng nào Lan cũng phải chi cho Ngọc từ 2 đến 4 triệu đồng. Khi thì Ngọc điện thoại đến bảo sắp về quê giỗ cha, khi thì bảo sắp đi tiếp tế cho “em út” ở trại giam, lúc lại bảo có thằng đệ tử ốm cần tiền thăm nuôi… Cứ mỗi lần Ngọc điện thoại  nhắc nhở như thế, Lan lại phải bỏ phong bì từ 1 đến 2 triệu đồng, rồi sai người đem đến “cúng” cho Ngọc.

Đầu tháng 6/2006, một lần tiệm xảy ra xô xát với hai người khách, trong đó có một người tên là Lâm Trung Quân, trú tại Khu đô thị Trung Yên. Khi vào đây, anh Quân không hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên, lúc thanh toán tiền, anh Quân đã phàn nàn, rồi lời qua tiếng lại giữa chủ và khách xảy ra xô xát. Sau đó mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa. Một người bạn của anh Quân tên là Đạt trú tại phố Đội Cung đã đến đón anh Quân về.

Tình cờ mấy ngày sau, anh Đạt đến chơi với người bạn tên là Thắng nhà ở gần số 61 Đại Cồ Việt. Một số nhân viên ở đây đã nhận ra anh Đạt và báo cho Đồng Thị Lan. Lan lập tức gọi điện cho Ngọc và chỉ sau ít phút, Ngọc đã ra lệnh cho đám đệ tử kéo đến bắt cả anh Đạt lẫn anh Thắng lôi về cửa hàng 61.

Tại đây, đám đao búa này đã đánh đập hai người, bắt họ phải gọi điện thoại cho nhân vật chính là anh Lâm Minh Quân đến để bọn chúng “xử lý”. Do quá sợ hãi, họ đã phải làm theo. Khi anh Quân đến, chúng đã đánh đập anh rất dã man. Bọn chúng bắt 3 người khách này phải viết giấy với nội dung đã vào quán hút hít và quậy phá. 3 người này không viết nên bị chúng đánh đập tiếp.

Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng Cảnh sát 113 đến giải quyết nhưng khi thấy bóng công an bọn chúng đã ép họ lên tầng 2 rồi thả qua lối ban công xuống tầng 1. Sau đó, thấy nguy cơ bị bại lộ nên Ngọc đã cho đàn em đến đưa tiền cho người bị hại và ép họ không được trình báo.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại cửa hàng 61 Đại Cồ Việt, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Tạ Hồng Ngọc, Đồng Thị Lan, Phạm Xuân Vĩnh (bảo vệ quán) và ra lệnh truy nã đối với 2 kẻ là tay chân của Ngọc giữ vai trò tích cực trong vụ việc này là Trương Gia Trung (ở E3 Vĩnh Hồ) và Nguyễn Bá Hưng (ở ngõ 24 Ngọc Hà).

Đối với vụ phá nhà ở hồ Ba Mẫu, hiện Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 2 đối tượng và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Mạnh Hùng trú tại số 38, phố Mã Mây.

Như vậy, dù vỏ bọc của Ngọc có kín đáo và an toàn đến mấy, dù hành vi phạm tội của Ngọc có tinh vi đến mấy thì vẫn không qua được tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát điều tra.

Theo Đ.H

Công An Nhân Dân

Đường cụt của Ngọc xa lộ

Anh ta nhả khói và nói đầy triết lí: “Ở ngoài đời đâm chém để có tiền, quý nhất là tiền. Còn vào đây thì thấy quý nhất là tự do”. Ngọc , một tên tuổi trong giới giang hồ, ngồi đối diện tôi trong căn phòng của Trại giam số 3. Đầu Ngọc húi cua, khác xa một thời tung hoành ở ngoài xã hội với mái tóc để dài chấm vai. Bộ quần áo tù không che hết những vết xăm khác lạ ở ngực và cánh tay, chân. Những vết xăm in rõ như hé lộ về một quá khứ nhiều tội lỗi của Ngọc. Tạ Hồng Ngọc sinh năm 1957 ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tuy không quá nổi danh nhưng Ngọc cũng khiến đám giang hồ nể sợ bởi sự lạnh lùng, tàn nhẫn và cái danh võ sư. Bố mẹ mất sớm, Ngọc được vợ chồng anh trai nuôi dưỡng. Bản tính ngang ngược của Ngọc khiến vợ chồng anh trai nhiều phen điêu đứng. Từng làm việc ở Công ty xây dựng Hòa Bình, nhưng không chịu được sự bó buộc thời gian, Ngọc bỏ ngang ra lập lò võ, chiêu nạp đệ tử. Khi có đám đệ tử lưu manh sẵn sàng nghe lệnh, với vũ khí , Ngọc tổ chức trấn cướp ở dốc Cun nhưng bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt gọn cả đám. Ngọc bị kết án 11 năm tù giam. Vào tù, Ngọc cũng rất khi sẵn sàng tuyên chiến với bất cứ kẻ nào dám ngoi lên làm đại bàng, đầu gấu trong trại. Có những lúc Ngọc đã mài nhọn bàn chải đánh răng làm vũ khí tranh chấp đại ca trong buồng giam. Với cái danh võ sư, từng mở lò dạy võ, cộng với những ngón đòn tàn độc, Ngọc khiến đám tù nhân cùng phòng khiếp sợ. – Có vẻ như Ngọc đã tự mở cho mình một lối thoát khi nói cho tôi nghe dự định về tương lai. Những hình xăm trên ngực và cánh tay mà tôi thấy thấp thoáng sau chiếc áo tù của Ngọc càng khiến Ngọc nổi hơn khi ra tù. Chỉ có những kẻ thuộc hàng đại ca mới được phép xăm trổ như thế. Tôi hỏi: “Trước khi vào tù, anh làm gì?”. Ngọc trả lời: “Tôi làm việc ở bến xe Yên Sở”. Cái gọi là làm việc của Ngọc thực ra là hoạt động bảo kê bến bãi kiểu như trùm Khánh một thời. Ngọc kể về nguyên nhân khiến mình phải vào tù: “Người ta mở nhà hàng kinh doanh nhưng bị chèn ép, không thể làm ăn được, thấy việc ngang trái quá, tôi đứng ra giải quyết giúp”. Hành động theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bằng” mà Ngọc nói thực chất là gì? Quán gội đầu thư giãn của Đồng Thị Lan ở 61 đường Đại Cồ Việt, Hà Nội được Ngọc bảo kê. Mỗi tháng, Lan chi cho Ngọc 3 – 4 triệu đồng để được yên ổn làm ăn. Không những thế, mỗi lần Ngọc tới quán gội đầu thư giãn, Lan đều phải điều em út phục vụ từ A đến Z. Ngày 6/6/2006, Đồng Thị Lan mâu thuẫn cãi vã với ba thanh niên là Quân, Đạt, Thắng. Lan nhờ Ngọc dạy cho họ một bài học. Lập tức, Ngọc chỉ đạo 10 đàn em bắt ba thanh niên này về giam giữ đánh đập. Tháng 9/2006, công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam một số người liên quan, từ đó lộ diện dần vai trò cầm đầu của đại ca Ngọc . Ngọc còn nhúng tay vào một phi vụ khác đình đám hơn. Ấy là vụ phá nhà ở ngõ 304 đường Lê Duẩn, phường Trung Phụng, Đống Đa. Trần Việt Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất hàng may mặc Việt Huy, thông qua các mối quan hệ xã hội, đã thuê Ngọc 150 triệu để Ngọc tổ chức đàn em tới phá nhà ở địa chỉ trên. Ba mươi đàn em của Ngọc tay dao tay búa, cuốc xẻng đập phá tan hoang ngôi nhà cấp bốn. Vụ việc này có sự “ngầm ủng hộ” của trung tá Dương Bích Thủy và khiến bà này sau đó cũng phải đứng trước vành móng ngựa. Ngọc nhẩm tính: “Ngày tôi bị bắt, con trai 15 tuổi, bây giờ đã 17 rồi. Ở trong tù, tôi chỉ sợ con hư giống bố. Mong cho con trở thành người có ích cho xã hội”. Còn nhớ bữa công an đến nhà đọc lệnh bắt, trước khi ký vào biên bản Ngọc xin được hút một điếu thuốc, nghẹn giọng: “Vợ tôi đang ốm, các ông không để chậm ít hôm”. Và trước khi lên chiếc xe thùng bịt bùng, Ngọc còn ngoái đầu dặn đám đàn em: “Trông nom chị và các cháu hộ anh”. Thượng tá Ninh, giám thị Trại giam số 3 cho biết: “Khi Ngọc vào tù nhiều người mới dám tố cáo anh ta. Đơn tố cáo Ngọc gửi về trại 3 rất nhiều. Cảnh sát từ Hà Nội cũng vào đây gặp Ngọc nhiều lần để điều tra. Có thể anh ta sẽ phải ra tòa một lần nữa và ngày về chắc còn xa”. Khi tôi hỏi về lai lịch của cái tên Ngọc , Ngọc chỉ nói: “Cái tên này có từ mấy chục năm trước rồi”. Hai từ “xa lộ” gắn với tên của Ngọc vì Ngọc phạm tội trên rất nhiều con đường, nhiều lĩnh vực. Cuối cùng, của Ngọc đã trở thành con đường và dẫn đến trại giam.

Ngọc “xa lộ” lãnh án 2 năm tù giam

Sáng nay TAND TP. Hà Nội vừa tuyên phạt Ngọc “xa lộ” 24 tháng tù giam vì tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo điều 123 Bộ luật Hình sự.
Đồng phạm với Ngọc, Đồng Thị Lan nhận mức án 18 tháng tù giam.

Các đồng phạm Phạm Xuân Vĩnh và Vũ Hùng cùng chung mức án 12 tháng tù giam.

Nguyễn Huy Cường phải chịu mức án 20 tháng tù giam.

Tạ Hồng Ngọc, tức Ngọc “xa lộ” là đối tượng có tiền án, tiền sự đã tụ tập đối tượng có tiền án tiền sự để hoạt động băng nhóm bảo kê cho các nhà hàng gội đầu – mát xa – karaoke hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Ngọc “xa lộ” đã bảo kê việc kinh doanh của quán cắt tóc nghệ thuật tại 61 Đại Cồ Việt do Đồng Thị Lan làm chủ quán.
Do có mâu thuẫn với Lâm Minh Quân về việc thanh toán tiền dịch vụ mát xa, Đồng  Thị Lan đã báo để Tạ Hồng Ngọc sai Trương Gia Trung, Nguyễn Huy Cường, Nguyễn Bá Hưng, Vũ Hùng, Nguyễn Sỹ Hiếu cùng Phạm Xuân Vĩnh tham gia việc bắt giữ, đánh đập gây thương tích đối với các anh Trịnh Quốc Đạt, Trần Quang Thắng, Lâm Minh Quân vào tối ngày 7/6/2006 tại 61 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Khi Công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Cảnh sát 113 đến can thiệp, xử lý thì Đồng Thị Lan và đồng bọn đã bắt, dẫn các anh Quân, Đạt và Thắng chui qua ô trống được thiết kế từ trước ra khỏi hiện trường nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Tuyết Nhung

Ngọc “xa lộ” có liên quan đến Trung tá Dương Bích Thủy
Tạ Hồng Ngọc tức Ngọc “xa lộ”, một tay anh chị khét tiếng Hà Nội vừa bị bắt hôm 4/12, có dấu hiệu liên quan trực tiếp đến vụ đập phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu, Hà Nội. Đây là vụ án đã khiến nữ trung tá Dương Bích Thủy, một Đội phó của PC14 CA TP Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam hôm 2/7/2006.

Do tranh chấp đất đai với gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Việt Sơn (Giám đốc Cty TNHH thương mại và sản xuất hàng may mặc Việt Huy) đã thuê một số đối tượng “giải quyết” với giá 150 triệu đồng.

Kết quả, đêm 23/5/2006, ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Bình đã bị một nhóm côn đồ đến ngang nhiên đập phá, san phẳng…

Liên quan đến vụ án, một số đối tượng bị bắt giữ khai từng đưa tiền cho trung tá Dương Bích Thủy, để bà Thủy tìm người giúp đỡ Trần Việt Sơn.

Mỗi khi nhắc tới tên Ngọc “xa lộ’, cả giới giang hồ Hà Nội đều phải “vái dài” vì những thủ đoạn ra tay tàn độc của Ngọc. Dưới trướng Ngọc có khoảng 50 tên lâu la dao búa, sẵn sàng làm theo tất cả những gì “ông trùm” sai khiến từ việc đòi nợ thuê, đập phá nhà trái phép và bắt giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên, hiện có dấu hiệu cho thấy Ngọc “xa lộ” mới chính là kẻ đầu vụ, chỉ đạo đàn em thực hiện vụ đập phá nhà trên để nhận 150 triệu đồng theo hợp đồng.

Vụ việc này, Ngọc “xa lộ” chỉ đạo một đàn em tên là Ba đứng ra thực hiện. Ba lại có quan hệ quen biết với con trai của trung tá Dương Bích Thủy, nên đã liên hệ nhờ trung tá Thuỷ đứng ra ngầm ủng hộ.

Công việc xong xuôi, Ngọc “xa lộ” đã trích lại một phần tiền để đưa cho trung tá Thủy. Nếu đúng như vậy, vai trò của cựu trung tá CA Dương Bích Thủy trong vụ huỷ hoại tài sản có thể chỉ xếp hàng thứ yếu…

Hiện Ngọc “xa lộ” mới bị bắt với tội danh ban đầu bắt giữ người trái pháp luật, vì đã chỉ đạo đàn em gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật và đánh người xảy ra tại quán gội đầu thư giãn 61 phố Đại Cồ Việt, do Đồng Thị Lan làm chủ.

Thời gian tới, Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội sẽ mở rộng làm rõ dấu hiệu phạm pháp của Ngọc trong một số vụ việc khác, trong đó có vụ hồ Ba Mẫu.

Được biết, Ngọc “xa lộ” từng bị xử phạt 11 năm tù về tội cướp tài sản, chuyên chỉ đạo các đối tượng lưu manh gây ra các vụ “đâm thuê chém mướn”, và từ lâu đã nằm trong “tầm ngắm” của Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội.
B.N – (Theo Tiền Phong/Lao động)

Dũng “Bóng nhựa” – Hung thần của Ngọc “Xa lộ”

Không chỉ Ngọc “Xa lộ”, một tay anh chị khét tiếng của giang hồ Hà Nội cầm đầu vụ đập nhà dân tại hồ Ba Mẫu mà vụ án này còn liên quan tới Dũng “Bóng nhựa”, một tay giang hồ cộm cán khác. Trong giới dân chơi ở miền Bắc, ít ai không biết tới Dũng “Bóng nhựa”, một tay dao khát máu và liều lĩnh.

Xung quanh Dũng có rất nhiều lâu la dựa vào tiếng tăm của đàn anh để quậy phá, kiếm ăn. Tại các vũ trường danh tiếng tại Hà Nội, mỗi khi Dũng “Bóng nhựa” xuất hiện, không có kẻ nào dám qua mặt…

“Thiên lôi” của Ngọc “Xa lộ”

Trong hàng chục đệ tử luôn sẵn sàng tay đao, tay búa của Ngọc “Xa lộ” thì Trần Việt Dũng (Dũng “Bóng nhựa”) là kẻ có danh tiếng nhất trong giới giang hồ. Mặc dù là đàn em của Ngọc nhưng trong giới lưu manh, côn đồ, Dũng “Bóng nhựa” có tiếng tăm hơn Ngọc rất nhiều.

Dũng sinh năm 1976, đã từ lâu, dân chơi tại Hà Nội biết tới gã như một kẻ không biết sợ hãi trong các cuộc đâm chém, đánh lộn cũng như việc ra tay hết sức tàn bạo với các đối thủ dám gây hấn. Trong bất cứ cuộc va chạm nào của Dũng hoặc đàn em, gã đều tự tay xử lý. Dũng chỉ cần sai đàn em đi tìm và chỉ điểm xem đối thủ ở đâu rồi một mình một dao tới “hỏi tội”.

Chính vì thế, tên tuổi Dũng nhanh chóng nổi như cồn bởi sự liều lĩnh và khát máu. Mỗi khi cần tụ tập đàn em để thực hiện những phi vụ đen, Ngọc “Xa lộ” lại gọi Dũng “Bóng nhựa” tới để giao nhiệm vụ. Chỉ cần vài cú điện thoại là Dũng “Bóng nhựa” có thể “điều” hàng chục đàn em có mặt tức thì.

Mỗi lần Dũng “Bóng nhựa” xuất hiện ở các vũ trường là dân chơi im thin thít. Do có rất nhiều đàn em muốn dựa vào tiếng tăm của Dũng nên đi đâu gã cũng được cung phụng chu đáo.

Chính vì thế, để tạo thế đàn anh, Dũng cũng luôn đứng ra can thiệp, dàn xếp các mâu thuẫn. Tất nhiên về đẳng cấp trong giang hồ, Dũng không thể bằng các đại ca như Sơn “bạch tạng”, Thành “xăm”, Hùng “cu ba”… nhưng sự liều lĩnh thì có thừa.

Dũng và vợ là Trần Thu Hằng thuê nhà ở dốc Tân Ấp, Phúc Xá. Dũng đã có ba tiền án về tội cố ý gây thương tích vào năm 1993, thụ án 12 tháng tù; năm 1995, 24 tháng tù; năm 2002, 30 tháng tù. Ngoài ra, còn 5 tiền sự khác về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.

Đền tội

Trong vụ đập phá nhà bà Nguyễn Thị Thanh Bình tại ngõ 304 đường Lê Duẩn, Hà Nội, Dũng nhận lệnh của Ngọc “Xa lộ” huy động đàn em phạm tội. Do khôn ngoan hơn nên Ngọc không ra mặt trong các phi vụ đen này mà luôn chỉ đạo Dũng đứng đầu đám lâu la ra tay.

Chính vì thế, khi nhận hợp đồng phá nhà của Trần Việt Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hàng may mặc Việt Huy, Ngọc “Xa lộ” đã giao cho Dũng “Bóng nhựa” thực hiện.

Chỉ trong vòng một buổi sáng, Dũng đã huy động được khoảng 30 đàn em tham chiến. Gã tụ tập đàn em tại một nhà hàng sang trọng gần nhà rồi phân công, cắt đặt cho từng tiểu yêu. Không những thế, Dũng còn sai đàn em chuẩn bị phương tiện như dao, búa, ôtô để đập phá nhà như đàn anh ra lệnh. Chính Dũng là người trực tiếp cầm búa đập phá nhà bà Bình.

Tuy nhiên, khi chưa bị CQĐT Công an thành phố Hà Nội phát hiện hành vi đập phá nhà dân này thì Dũng đã bị bắt về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Vào khoảng trung tuần tháng 6/2006, Dũng bị mất một dây chuyền vàng, một lắc vàng, một nanh hổ. Nghi cho anh Đỗ Đức Đăng là thủ phạm, Dũng huy động đàn em đi truy bắt anh Đăng.

Nhận lệnh của đại ca, Dũng “rắn”, Cường “lưu”, Khôi “giề”, Việt “tặc”, Công “cơ già” lập tức lên đường. Tới 23h, bọn chúng gặp anh Đăng tại ngã tư dốc Tân Ấp. Sau khi đã tầm nã được nạn nhân, Dũng và đàn em đánh anh Đăng rất dã man rồi bắt nạn nhân này về nhà. Chúng dùng dây thừng trói nạn nhân khốn khổ vào cột loa phóng thanh công cộng đến trưa hôm sau.

Do không chịu được sự đánh đập dã man của Dũng và đàn em nên anh Đăng nhận bừa là đã mang mấy đồ trang sức đó tới phố Hàng Bạc bán. Nổi máu yêng hùng, Dũng lại sai đàn em áp giải Đăng đi chuộc về nhưng không được. Tức khí vì cho rằng anh Đăng dám qua mặt mình nên bọn chúng lại đưa Đăng về nhà đánh tới 23h. Cùng lúc đó, Dũng sai đàn em gọi mẹ Đăng đến.

Khi bà mẹ của nạn nhân có mặt, vợ Dũng là Trần Thu Hằng và đàn em tiếp tục dùng hung khí đánh Đăng để uy hiếp mẹ Đăng viết giấy nhận nợ 4 triệu đồng và bắt trả đủ. Do thương con nên mẹ anh Đăng buộc phải thực hiện theo yêu cầu của ổ nhóm lưu manh, côn đồ này.

Ngay sau khi phát hiện hành vi phạm tội của Dũng “Bóng nhựa” và đồng bọn, CQĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh bắt Dũng và đàn em để làm rõ vụ án.

Sau khi bắt Ngọc “Xa lộ”, CQĐT đang tiếp tục mở rộng vụ án và làm rõ hành vi của Dũng “Bóng nhựa” trong việc chỉ huy đàn em phá nhà dân

Minh Khoa – Thanh Ngọc

Bắt Quân “cóc” – “Tư lệnh chiến trường” của Ngọc “xa lộ”

Được phong là “tư lệnh chiến trường”, Quân “cóc” có nhiệm vụ nghiên cứu các phi vụ làm ăn được Ngọc “xa lộ” giao. Trong vụ đập phá nhà ở hồ Ba Mẫu, Quân “cóc” chính là người đề xuất phương án, điều quân và trực tiếp chỉ huy…

Sau khi Ngọc “xa lộ” và các đàn em Dũng “bóng nhựa”, Cường “bồ”… bị bắt, tối 18, rạng 19/12, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Phạm Hồng Quân và Nguyễn Quốc Hùng về tội cố ý huỷ hoại tài sản. Phạm Hồng Quân (tức Quân “cóc”, 36 tuổi), ở phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (2 tiền án, 5 tiền sự), nguyên nhân viên một công ty du lịch. Nguyễn Quốc Hùng (tức Hùng “lô”, 32 tuổi), trú ở Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (2 tiền án).

Khoảng đầu tháng 5/2006, Trần Việt Sơn, Bùi Văn Giang, Trần Việt Hải, Quân “cóc” và Ngọc “xa lộ” đang ngồi uống bia tại phố Tăng Bạt Hổ thì Sơn nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Họa là nhân viên bảo vệ Công ty TNHH May Việt Huy (dưới quyền Sơn) báo tin có một tốp thanh niên lạ mặt đến gây gổ đánh anh Họa gây thương tích. Lập tức Giang về công ty kiểm tra việc Họa bị đánh như thế nào.

Giang được Họa cho biết, có một tốp thanh niên ăn mặc rất “gấu” đến hỏi điện thoại của Trần Việt Sơn nhưng Họa không cung cấp do vậy bị tốp thanh niên này đấm vào mặt. Trước khi bỏ đi, chúng còn đe dọa: “Mày về nói với thằng Sơn không được đụng đến một viên gạch nào của gia đình bên cạnh, nếu không bọn tao sẽ quay lại giải quyết”. Họa vừa dứt lời thì Quân “cóc” đã đèo Ngọc “xa lộ” đến Công ty TNHH May Việt Huy để hỏi lại sự việc và đã được Giang kể lại.

Nghe xong, Ngọc “xa lộ” và Quân “cóc” nói: “Không có vấn đề gì lớn, mọi chuyện cứ để chúng tớ lo”. Tiếp đó, Giang đã nhờ Quân “cóc” nói với Ngọc “xa lộ” là sớm giải quyết tốp thanh niên đến gây sự với Họa và được Ngọc “xa lộ” hứa sẽ giúp đỡ. Giang đã nói với Sơn để Ngọc “xa lộ” giải quyết mọi việc.

Vài ngày sau, Giang đã nhận một khoản tiền của Sơn chuyển đến cho Ngọc “xa lộ” tại ngã tư Đại Cồ Việt, phường Bách Khoa.

Khoảng ngày 17/5, Giang đã thông qua Quân “cóc” để gặp Nguyễn Minh Thành (tức Ba), trú ở Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm. Theo giới thiệu của Giang thì Thành là cháu một người có trách nhiệm tại một cơ quan thi hành pháp luật của Hà Nội sẽ giải quyết mọi việc dễ dàng (người này đã bị bắt).

Đến ngày 18/5, Nguyễn Minh Thành bố trí cuộc gặp gỡ tại quán bia ở phố Hàn Thuyên để bàn bạc kế hoạch với nhóm Ngọc “xa lộ”, đồng thời cử đàn em đi thị sát khu vực mà gia đình Trần Việt Sơn đang tranh chấp lối đi với gia đình ông Nguyễn Quyết ở ngõ 304 đường Lê Duẩn, quận Đống Đa và hợp đồng phá nhà được ngã giá 150 triệu đồng.

Ngày 24/5, Giang nhờ Quân đưa đến gặp Thành, để giao 150 triệu đồng cho Thành, số tiền này Thành đã giao cho Ngọc “xa lộ” phân chia cho đồng bọn. Đêm 23/5, hợp đồng phá dỡ nhà đã được thực hiện.

Trong số đàn em của Ngọc “xa lộ”, Quân “cóc” được phong là “tư lệnh chiến trường” có nhiệm vụ nghiên cứu các vụ việc Ngọc “xa lộ” giao, đề xuất phương án giải quyết, điều quân và trực tiếp chỉ huy đập phá nhà ở hồ Ba Mẫu, còn Hùng “lô” được coi là người chuyên quan hệ, lo lót, chạy chọt và giải quyết các vụ việc phát sinh do Ngọc “xa lộ” giao, đồng thời chắp nối các hợp đồng do Ngọc “xa lộ” tổ chức.

Ngoài tham gia vụ đập nhà ở hồ Ba Mẫu, tháng 9/2004, Hùng “lô” còn trực tiếp đập một nhà ở Hàm Tử Quan và tháng 10/2004 gây rối trật tự công cộng ở phố Mã Mây. Như vậy, đến nay trong vụ án này, CQĐT đã khởi tố, bắt giam, ra lệnh truy nã 16 tên trong ổ nhóm do Ngọc “xa lộ” cầm đầu.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng

Minh Khoa

12 bị cáo nhóm Ngọc “xa lộ” lĩnh 31 năm tù

Ngày 30 và 31/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 12 đối tượng trong nhóm lưu manh côn đồ Ngọc “xa lộ” bị Viện KSND truy tố về tội cố ý hủy hoại tài sản (đập phá ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Dũng ở ven hồ Ba Mẫu, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) và tội khai báo gian dối.

Vụ án bắt nguồn từ tranh chấp đất đai giữa gia đình anh Nguyễn Việt Dũng với gia đình Trần Việt Sơn tại khu đất ven hồ Ba Mẫu từ năm 2004, nhưng chính quyền địa phương không giải quyết triệt để dẫn đến đỉnh điểm của mâu thuẫn này.

Ngày 21/5/2006, Trần Việt Sơn và em ruột là Trần Việt Hải đã cùng Bùi Văn Giang tìm thuê nhóm Tạ Hồng Ngọc (tức Ngọc “xa lộ”) và nguyên Trung tá Dương Thị Bích Thủy công tác tại Công an TP Hà Nội để giải quyết tranh chấp bằng cách huy động nhóm côn đồ lưu manh của Ngọc “xa lộ” đến phá dỡ ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Dũng, thuê với giá 150 triệu đồng, trong đó Thủy được nhận 80 triệu đồng, phần còn lại Ngọc “xa lộ” và đồng bọn thụ hưởng.

Sau khi vụ án bị phát hiện, Dương Thị Bích Thủy đã thỏa thuận với Nguyễn Tâm Tuệ, ở phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, đứng ra nhận tội thay cho Thủy và đồng bọn.

Sự việc đã bị CQĐT phát hiện, khởi tố Tuệ về tội khai báo gian dối… Sau 2 ngày xét xử công khai và thẩm vấn các bị cáo trước phiên tòa cùng sự bào chữa của các luật sư, chiều 31/5, HĐXX đã tuyên án: Dương Thị Bích Thủy 15 tháng  tù; Tạ Hồng Ngọc (tức Ngọc “xa lộ”) 48 tháng tù; Trần Việt Sơn 36 tháng tù; Bùi Văn Giang 30 tháng tù; Nguyễn Mạnh Hùng 42 tháng tù và còn phải chấp hành 8 tháng tù ở một bản án khác; Nguyễn Minh Thành (tức “Ba”) 4 năm tù; Nguyễn Quốc Hùng (tức Hùng “lô”) 24 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Hồng Quân (tức Quân “cóc”) 24 tháng tù; Trần Việt Dũng (tức Dũng “bóng nhựa”) 42 tháng tù; Trần Mạnh Khôi (tức Khôi “rề”) 36 tháng tù; Trần Thị Minh Phương 18 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Tâm Tuệ 9 tháng tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại cho bị hại

Đào Minh Khoa

Công ty luật Dragon tổng hợp