0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Liên đoàn luật sư hà nội báo cáo công tác 06 tháng đầu năm và định hướng công tác 06 tháng cuối năm 2011

Năm 2011 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã thành công với nhiều quyết định quan trọng. Đại hội đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đến năm 2020 và thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 được tổ chức vào tháng 5/2011 đã thành công tốt đẹp. Năm 2011 là năm bản lề để đất nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhận thức đầy đủ tình hình và bối cảnh của đất nước, xác định đúng vị trí, vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, vai trò của luật sư và nghề luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, Hội đồng luật sư toàn quốc trong phiên họp thứ VI ngày 27/2/2011 tại tỉnh Lâm Đồng đã thông qua 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011. Cho đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được triển khai một cách tích cực và có những kết quả ban đầu như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2011

1. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp luật sư

Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chỉ đạo và phối hợp với Ban Chủ nhiệm các Đoàn luật sư tuyên truyền, quán triệt đường lối chính sách của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, theo Hiến pháp vàpháp luật của Nhà nước, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ luật sư kết hợp việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức luật sư.

Tháng 2/2011, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư đã phát động phong trào thi đua lập thành tích, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Phong trào thi đua đã được các Đoàn luật sư nhiệt tình hưởng ứng.

Nhận thức rõ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2011, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn đề nghị các cấp Lãnh đạo ở Trung ương và địa phương quan tâm tới những luật sư thuộc Đoàn luật sư của tỉnh, thành phố đã có nhiều thành tích trong hoạt động hành nghề luật sư, có phẩm chất chính trị, đạo đức, thực sự có năng lực, trình độ để đề nghị giới thiệu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ tịch Liên đoàn đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Phát triển kinh tế, tài chính đã trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Luật sư Nguyễn Huy Thành – Uỷ viên Uỷ ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, Luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc – Uỷ viên Hội đồng LSTQ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương, Luật sư Nguyễn Toàn Thiện – Uỷ viên Hội đồng LSTQ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận và nhiều luật sư khác thuộc các đoàn luật sư đã trúng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp ở các tỉnh thành (Liên đoàn chưa nhận được hết báo cáo của các Đoàn luật sư về vấn đề này).

Đặc biệt Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư sau gần hai năm soạn thảo, thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của giới luật sư toàn quốc, đã được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua tại phiên họp thứ VI. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Liên đoàn đã thành lập Ban soạn thảo bài giảng hướng dẫn học tập Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư và Ban tổ chức triển khai việc học tập đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Để triển khai việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư bắt  từ tháng 08 năm 2011 đến hết tháng 12 năm 2012. Đây là một sự kiện quan trọng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề luật sư ở Việt Nam, tạo lập niềm tin của Nhà nước và cộng đồng xã hội vào luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Xác định ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng với cộng đồng xã hội, góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ngày 12/05/2011, Đại hội Chi bộ cơ sở Cơ quan Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của các Đảng viên, kết quả Đại hội bầu Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Lê Quyết Thắng – Phó Chánh Văn phòng Liên đoàn phụ trách văn phòng làm Phó Bí thư Chi bộ. Đại hội đã đề ra phương hướng xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại Cơ quan thường trực.

Kỷ niệm ngày 10/10/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư , Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động văn hoá – văn nghệ trong toàn Liên đoàn. Đây là cơ hội để các luật sư trong cả nước giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong toàn Liên đoàn. Công tác chuẩn bị hội diễn văn nghệ đã được khởi động, triển khai ở một số Đoàn luật sư trong toàn quốc trong mấy tháng vừa qua. Các hoạt động thể thao về giải Golf, giải tenis cũng được sự tham gia ủng hộ của nhiều luật sư.

2. Công tác tổ chức nhân sự

Bộ máy chuyên trách và bán chuyên trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục được củng cố về tổ chức và nhân sự. Thời gian qua, Ban Thường vụ và Lãnh đạo Liên đoàn đã quyết định như sau:

Phân công Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Uỷ ban phát triển kinh tế, tài chính thay Luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn;  Cử Luật sư Lê Xuân Thảo, Uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật sang làm Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Phát triển kinh tế tài chính; Cử Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư làm Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư; bổ nhiệm Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Uỷ viên Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật; Cử luật sư Chu Thị Trang Vân, thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Hợp tác quốc tế; cử Luật sư Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình và Luật sư Đồng Xuân Thụ, thành viên Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm Ủy viên Uỷ ban Phát triển kinh tế, tài chính;

Tại phiên họp lần thứ X, Ban Thường vụ Liên đoàn đã quyết định giao cho Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Phó Chủ tịch Liên đoàn làm Tổng Biên tập Báo Luật sư và có trách nhiệm đề xuất nhân sự Phó Tổng biên tập cùng bộ máy của Báo để tổ chức thành công việc phát hành Báo Luật sư vào ngày 10/10/2011.

3. Công tác hoàn thiện quy chế

Trong 06 tháng đầu năm 2011, Liên đoàn đã ban hành một số quy chế sau: Quy chế quản lý và sử dụng Thẻ luật sư, Quy chế quản lý tài chính và quản lý sử dụng tài sản Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy chế xử lý vi phạm đối với cá nhân được bầu hoặc bổ nhiệm giữ các chức danh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tháng 02/2011, tại phiên họp lần thứ VI, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã thông qua Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Ban biên tập Kỷ yếu Luật sư Việt Nam đã xin ý kiến lần cuối các Uỷ viên Ban Thường vụ về nội dung và hình thức của cuốn Kỷ yếu. Tại phiên họp lần thứ X, Ban Thường vụ đã nhất trí đóng góp ý kiến bằng văn bản về cuốn Kỷ yếu để Ban biên tập tổng hợp, hoàn chỉnh, trình Lãnh đạo Liên đoàn xem xét lại trước khi in bản chính thức để phát hành. Kỷ yếu Luật sư Việt Nam lần đầu tiên được xây dựng và phát hành thành công là điểm khởi đầu cho công tác tuyên truyền về sự lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Kỷ yếu sẽ được phát hành nhân dịp ngày 10/10/2011.

4. Công tác bảo vệ quyền lợi luật sư; giám sát đạo đức nghề nghiệp luật sư, khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến luật sư

Thời gian qua, Uỷ ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật và Uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư đã tham mưu và trực tiếp giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của luật sư hoặc liên quan đến luật sư. Số lượng vụ việc và đơn thư là 28. Lãnh đạo Liên đoàn và các Uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Uỷ ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật đã luôn cố gắng xử lý, giải quyết các đơn, thư yêu cầu gửi đến Liên đoàn một cách kịp thời, đúng pháp luật, đúng Điều lệ.

Kể từ khi Liên đoàn ra đời, hoạt động hành nghề luật sư đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Liên đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư, tháo gỡ những khó khăn cản trở của luật sư thường gặp trong khi tham gia bào chữa các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, bảo vệ danh dự uy tín của luật sư khi giải quyết và xử lý những khiếu kiện có liên quan tới luật sư, đồng thời cũng kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch, liêm chính, vững mạnh về số lượng và chất lượng.

Căn cứ vào đề xuất của Uỷ ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật, Ban Thường vụ nhất trí thông qua tặng Bằng khen năm 2010 cho 12 tập thể: Đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk, Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An, Đoàn luật sư tỉnh Thái Nguyên, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn luật sư tỉnh Ninh Bình, Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau, Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp lần thứ X, Ban Thường vụ đã nhất trí sẽ xét khen thưởng các cá nhân có thành tích đóng góp cho Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất (2009) vào đợt cuối năm 2011.

5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam đã tích cực tuyển sinh để mở một số lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các luật sư, cá nhân có nhu cầu, một số lớp bồi dưỡng được tổ chức thành công như sau: Lớp kỹ năng tổ chức, quản lý và điều hành Tổ chức hành nghề luật sư; Lớp nghiệp vụ sư phạm cho hơn 50 luật sư và các cá nhân khác ở Hà Nội; Lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề cho luật sư, người tập sự hành nghề luật sư của các Đoàn luật sư thuộc khu vực Đông Bắc với sự tham gia của gần 60 học viên tổ chức tại thành phố Hải Phòng; Lớp bồi dưỡng về Trọng tài thương mại quốc tế với sự tham gia của hơn 60 học viên được tổ chức tại thành phố Hà Nội. Kết quả của các lớp bồi dưỡng đã tạo tiền đề cho công tác bồi dưỡng luật sư trong năm 2011.

Liên đoàn đã tích cực góp ý cho nhiều dự thảo văn bản pháp luật như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công chứng, Luật xử lý các vi phạm hành chính, Dự thảo Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Dự thảo Thông tư hướng dẫn về công tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016, Thông tư của Bộ Công an về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sư, Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư,…Những đóng góp của Liên đoàn trong công tác xây dựng pháp luật đã góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Các Đoàn luật sư ở các tỉnh phành phố cũng triển khai nhiều hoạt động trong các công tác góp ý xây dựng những văn bản dự thảo luật, các văn bản quy phạm pháp luật của các tỉnh thành phố đồng thời tham gia vào việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân và cộng đồng xã hội về những văn bản pháp luật mới của nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

6. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế

Liên đoàn Luật sư đã phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tổng kết các hoạt động trong giai đoạn I và bàn về phương hướng trong giai đoạn tiếp theo của Dự án hợp tác giữa JICA và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tiếp tục tăng cường và xây dựng chương trình hợp tác bền vững với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trên cơ sở tổng kết các hoạt động trong giai đoạn 1. JICA đã hỗ trợ Liên đoàn và một số Đoàn luật sư các vùng núi phía Bắc cơ sở vật chất nhằm phát huy năng lực tự quản. Cụ thể là Liên đoàn đã phối hợp với tổ chức JICA cùng đi khảo sát nghiên cứu và làm việc ở 04 tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu (phía Nhật Bản có ông Takeshi – Cố vấn trưởng Dự án Cải cách pháp luật và tư pháp của Dự án JICA tại Việt Nam và bà Makiko – Luật sư, Chuyên gia pháp lý của Dự án JICA) và hỗ trợ cho mỗi địa phương 01 bộ máy tính.

Đối với Chương trình đối tác tư pháp ký giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch, Thuỵ Điển, EU (Dự án JPP), Liên đoàn đã xây dựng và triển khai các hoạt động của Dự án trong năm 2011: tổ chức Hội thảo thông qua Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư; tọa đàm góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự tổ chức vào tháng 3/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Truyền thông và quản trị tài chính – kinh nghiệm của Canada”; hội thảo về xây dựng “Chương trình bồi dưỡng pháp luật thường xuyên cho luật sư” với sự tham gia của các Đoàn luật sư Lào, Campuchia; Lớp bồi dưỡng về Trọng tài thương mại quốc tế tại Hà Nội…Nhân dịp tổ chức hội thảo quốc tế tại Hà Nội, Lãnh đạo Liên đoàn đã làm việc với Đoàn luật sư Lào và Đoàn luật sư Campuchia để thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa luật sư Việt Nam và luật sư Lào, luật sư Cam puchia.

Tháng 4/2011, nhận lời mời của Trung tâm Nhân quyền thuộc Đại học Oslo – Na Uy Liên đoàn đã cử một Đoàn công tác gồm 6 luật sư do Luật sư Lê Thúc Anh – Chủ tịch Liên đoàn luật sư làm Trưởng đoàn, sang thăm và làm việc tại Na Uy, chuyến công tác đã thành công tốt đẹp; tạo lập mối quan hệ với Hiệp hội Luật sư Na Uy.

Trong 06 tháng đầu năm 2011, Liên đoàn cũng đã có 02 buổi tiếp và làm việc với Hiệp hội luật sư Mỹ – ABA. Đặc biệt, tháng 5/2011, Liên đoàn đã có buổi tiếp đón và làm việc với 05 luật sư (đại diện cho Hiệp hội luật sư Mỹ – ABA) sang thăm và làm việc tại Việt Nam; phía Mỹ đã cảm ơn sự đón tiếp và phối hợp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về chuyến công tác của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ.

Nhằm tăng cường hội nhập quốc tế, Liên đoàn cũng cử đại diện tham gia các đoàn công tác do các cơ quan khác chủ trì trong các chuyến khảo sát và làm việc tại nước bạn như: 01 đại diện tham gia Đoàn công tác liên ngành do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì sang Cộng hòa Liên bang Đức dự Hội thảo về Tương trợ tư pháp hình sự từ ngày 20 đến 29 tháng 03 năm 2011; 01 đại diện tham gia Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì sang dự Diễn đàn pháp luật lần thứ 6 của ASEAN về vấn đề dịch vụ pháp lý tại Brunei từ ngày 10 đến 15 tháng 04 năm 2011. Các chuyến công tác thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên đoàn với các cơ quan có liên quan và tăng cường sự hiểu biết của giới luật sư Việt Nam với các nước.

7. Công tác phát triển kinh tế tài chính

Ngay từ đầu năm 2011, Ủy ban phát triển kinh tế tài chính đã chủ động, tích cực đề xuất các sáng kiến để góp phần tháo gỡ các khó khăn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong các hoạt động thu chi tài chính. Ủy ban đã đề xuất việc xây dựng Đề án thu phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam để trình Ban Thường vụ và Hội đồng luật sư toàn quốc, với mục đích là phí thành viên phải là một trong các nguồn kinh phí quan trọng nhất đảm bảo cho tổ chức và hoạt động độc lập của Liên đoàn, do đó mức phí thành viên cần phải được trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất và đồng thuận trong Liên đoàn.

Ủy ban phát triển kinh tế tài chính đề xuất một số hoạt động nhằm tăng thêm nguồn thu cho Liên đoàn, thông qua một số các hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật. Các quan hệ tư vấn pháp luật đang bắt đầu được triển khai, kết quả đạt được sẽ tạo thêm nguồn thu hợp pháp của Liên đoàn. Ngoài ra Ủy ban phát triển kinh tế tài chính đã phối hợp với Văn phòng Liên đoàn để thúc đẩy việc giải phóng mặt bằng số 9 Hồ Xuân Hương để có thể đề xuất phương án sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng trụ sở của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại số 9 Hồ Xuân Hương – thành phố Hà Nội.

8. Hoạt động của các Đoàn luật sư

Đa số Các Đoàn luật sư trong toàn quốc đã triển khai việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, kết hợp với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sau cuộc họp Hội đồng Luật sư toàn quốc lần thứ VI tại Lâm Đồng, Ban Chủ nhiệm của nhiều Đoàn luật sư đã phổ biến và quán triệt Nghị quyết số 03 ngày 27 tháng 2 năm 2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc tới các luật sư thành viên về kết quả làm việc của  Hội đồng luật sư toàn quốc và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011.

Các Đoàn Luật sư đã triển khai phổ biến về trang phục luật sư tới luật sư thành viên để thực hiện vào ngày 10 tháng 10 năm 2011; các Đoàn luật sư đã phối hợp với Liên đoàn trong công tác thu phí thành viên, nhiều Đoàn luật sư có số lượng luật sư ít đã thu đủ phí thành viên gửi về Liên đoàn (có phụ lục thu phí kèm theo).

Nhiều Đoàn luật sư đã hưởng ứng tham gia vào việc tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 giúp cho Đảng, chính quyền các tỉnh thành phố ở địa phương trong công tác này và đã được lãnh đạo các tỉnh thành phố đánh giá tốt về sự đóng góp của Đoàn luật sư và các luật sư trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Các hoạt động khác như công tác bảo vệ quyền lợi luật sư giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan tới luật sư, công tác trợ giúp pháp lý cũng đã được nhiều Đoàn coi trọng triển khai thường xuyên như Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cà Mau, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đăk Lăk…

Hoạt động hành nghề của luật sư trong năm 2011 vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển trong các hoạt động tranh tụng các vụ án hình sự, các vụ án phi hình sự, tham gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế và các hoạt động dịch vụ pháp lý khác. Đa số các luật sư đều thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, nghiêm túc thực hiện sự phân công của Ban Chủ nhiệm về việc tham gia những vụ án chỉ định theo yêu cầu của Tòa án đối với các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong 06 tháng đầu năm 2011 Liên đoàn cũng nhận được gần 10 đơn của luật sư yêu cầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp khi tham gia tố tụng bị xâm phạm, Liên đoàn đã chủ động và cùng phối hợp với các Đoàn luật sư xem xét và có ý kiến với các cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.

Theo báo cáo của các Đoàn luật sư, một số Đoàn luật sư đã tổ chức Đại hội bất thường và bầu Chủ nhiệm mới gồm các Đoàn luật sư: Bến Tre, Sóc Trăng. Kết quả đại hội đã không thông qua về việc miễn nhiệm Chủ nhiệm Đoàn luật sư, như trường hợp Luật sư Lê Văn Thanh – Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre, Luật sư Nguyễn Viết Chinh – Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Đoàn luật sư trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Đại hội toàn thể và thông qua Điều lệ của Đoàn luật sư.

9. Công tác phối hợp với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp tương đối chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong nhiều hoạt động: trong công tác quản lý luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến luật sư, góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Lãnh đạo giữa hai cơ quan thường xuyên thông tin về các hoạt động có liên quan đến luật sư, liên quan đến công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật. Mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan và sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục được củng cố và ngày càng có hiệu quả hơn.

Để tăng cường việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký Quy chế phối hợp công tác với Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào ngày 07 tháng 6 năm 2011. Sự phối hợp công tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp cho luật sư là công tác hết sức quan trọng nhằm tạo lập niềm tin của giới luật sư vào tổ chức xã hội – nghề nghiệp đồng thời thông qua đó sẽ tạo tiền đề để Liên đoàn Luật sư Việt Nam thiết lập các quan hệ phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, tháo gỡ dần những khó khăn cho luật sư trong quá trình hành nghề. Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều cam kết, sau khi Quy chế có hiệu lực sẽ chỉ đạo các thành viên, đơn vị trực thuộc cơ quan triển khai đúng các nội dung đã cam kết. Lãnh đạo hai bên tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tạo nền tảng bình đẳng, dân chủ trong hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra.

Trong tháng 5 và tháng 6/2011, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư, để phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ giúp đỡ các Đoàn luật sư cũng như nắm tình hình và nghe phản ánh của các luật sư thành viên, Luật sư Lê Thúc Anh – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn đã đến làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá và Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hoá; tỉnh Thái Nguyên; đến làm việc với Lãnh đạo tỉnh và Đoàn luật sư tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu để chuẩn bị thành lập Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu.

Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư cũng đã có công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Thành phố Cần Thơ quan tâm, hỗ trợ về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư, hỗ trợ thêm về kinh phí bào chữa chỉ định, hỗ trợ về trụ sở làm việc và tài chính hoạt động cho các Đoàn luật sư.

10. Công tác khác

Các Đề án trọng điểm năm 2011 như Đề án Trang phục luật sư, Đề án thành lập Báo Luật sư, Đề án thành lập Trường đào tạo luật sư vẫn đang được triển khai và thực hiện.

Ngày 19/2/2011, Liên đoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích đóng góp của Liên đoàn trong công tác rà soát thủ tục hành chính của Chính phủ theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 20/5/2011, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 02 năm thành Liên đoàn Luật sư Việt Nam (12/5/2009 – 12/5/2011) với sự tham dự của Đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp, với gần 100 luật sư là các Uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chủ nhiệm một số Đoàn luật sư như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên…Tại buổi kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đánh giá cao về những kết quả đạt được trong 02 năm hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó cần trú trọng công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng đạo đức nghề nghiệp luật sư, xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam vững về chuyên môn có phẩm chất chính trị, đạo đức, liêm chính, trong sáng, học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng trong toàn Liên đoàn.

Ngày 12 tháng 6 năm 2011, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối phía Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông. Tuyên bố của Liên đoàn nhận được sự hưởng ứng của các phương tiện truyền thông như Đài truyền hình Việt Nam, Báo nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo pháp luật Việt Nam…và được đông đảo luật sư và cộng đồng xã hội đồng tình, ủng hộ. Qua tuyên bố phản đối của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vị trí vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong vai trò đại diện cho ý chí tiếng nói của giới luật sư về những vấn đề trọng đại của quốc gia của đất nước.

Tháng 5/2011, Liên đoàn Luật sư đã thành lập Ban nghiên cứu pháp lý về Biển Đông và hải đảo do Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn làm Trưởng ban để có thể tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước

Về việc cấp, đổi thẻ cho các luật sư, tính đến hết tháng 7/2011, Liên đoàn đã tiến hành 7 đợt cấp, đổi thẻ cho tổng số 871 luật sư (trong đó có 25 luật sư chuyển đoàn). Việc cấp, đổi và quản lý Thẻ luật sư được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định; Tổng số luật sư được Liên đoàn cấp thẻ là 6479 luật sư (trong đó, có 59 luật sư thôi hành nghề chuyển sang công việc khác hoặc đã từ trần). Hiện nay, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn một số luật sư chưa tiến hành làm thủ tục đổi thẻ theo quy định tại điểm 4 Nghị quyết số 06/HĐLSTQ ngày 31/01/2010 của Hội đồng luật sư toàn quốc kỳ họp IV về kế hoạch đổi, cấp Thẻ luật sư.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ – HĐLSTQ của Hội đồng luật sư toàn quốc ngày 29 tháng 8 năm 2009 về việc miễn phí thành viên, Liên đoàn đã quyết định miễn phí thành viên Liên đoàn cho 09 luật sư thuộc 07 Đoàn luật sư (Có phụ lục kèm theo)

Chào mừng kỷ niệm 02 năm thành lập, Liên đoàn đã tổ chức Giải Golf mở rộng lần III – 2011. Đây là giải đấu thường niên của Liên đoàn với sự tài trợ chính của Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco), các nhà đồng tài trợ như Pepsico, Topten Co, Tập đoàn Năm Sao, Công ty sợi Thiên Nam, Anpha Land, Công ty NVT, Tập đoàn Norfolk và nhiều doanh nghiệp và một số tổ chức hành nghề luật sư. Giải Golf mở rộng của Liên đoàn đã thành công tốt đẹp. Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước và Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương đã tổ chức Ngày hội văn hoá thể thao với nhiều môn thi đấu như kéo co, bóng đá, tenis, cầu lông…Đây là dịp để luật sư các Đoàn luật sư có cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ với nhiều cơ quan ban, ngành, các đơn vị kinh tế khác và giữa các luật sư, các Đoàn luật sư.

11. Công tác quản lý tài chính và quản lý cơ sở vật chất

Liên đoàn tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để xúc tiến việc giải phóng mặt bằng và giao diện tích còn lại của nhà số 9 Hồ Xuân Hương cho Liên đoàn làm trụ sở. Đối với diện tích đã nhận bàn giao, Liên đoàn đã tiến hành sửa chữa để phục vụ cho hoạt động của Uỷ ban đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật và Uỷ ban phát triển kinh tế tài chính. Việc hoàn thiện cơ sở vật chất và phương tiện làm việc tại trụ sở số 9 Hồ Xuân Hương đã phục vụ tốt cho hoạt động của các đơn vị nêu trên.

Trong thời gian vừa qua, Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị Uỷ ban Tỉnh bố trí đất để Liên đoàn xây dựng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam cho các luật sư khu vực Tây Bắc, Việt Bắc cũ.

Công tác quản lý tài chính và quản lý cơ sở vật chất của Liên đoàn đã được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn, Quy chế quản lý tài chính và quản lý sử dụng tài sản Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

II. THÀNH CÔNG VÀ NHỮNG TỒN TẠI, KHÓ KHĂN

1. Thành công và những thuận lợi

Sau 02 năm thành lập và đi vào hoạt động, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực sự là cầu nối vững chắc giữa Đảng, nhà nước, xã hội và giới luật sư. Đạt được những kết quả như trên cho thấy Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Chính phủ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương, được sự ủng hộ của đông đảo đội ngũ luật sư trong cả nước đồng thời Liên đoàn cũng luôn chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức.

Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Lãnh đạo Liên đoàn đã đoàn kết chung tay góp sức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư; triển khai nhiều hoạt động một cách đồng bộ trên tất cả các mặt công tác và đạt được những kết quả tương đối tốt;

Liên đoàn đã triển khai có kết quả nhiều công tác và hoạt động quan trọng có tính chất bản lề tạo một sự chuyển biến mới trong tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam như việc thông qua Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, ký hợp tác công tác với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tăng cường củng cố hợp tác với Bộ Tư pháp, các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương, thực hiện các Dự án hợp tác quốc tế JPP, JICA đi vào chiều sâu, công tác truyền thông được đẩy mạnh đặc biệt tuyên bố của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về Biển Đông đã gây tiếng vang trong dư luận trong nước và quốc tế về một Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã có ý kiến pháp lý sắc bén bảo vệ chủ quyền đất nước.

Công tác tổ chức bộ máy nhân sự và cơ chế hoạt động của Liên đoàn đã được dần hoàn thiện trên cơ sở yêu cầu thực tiễn khách quan và bắt đầu phát huy tác dụng.

Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo đức, kỷ luật luật sư và công tác bảo vệ quyền lợi của luật sư đã góp phần khẳng định được vai trò của Liên đoàn nói chung và từng Đoàn luật sư nói riêng trong việc giải quyết và xử lý các vấn đề nhạy cảm và phức tạp có liên quan tới luật sư;

Vai trò, vị thế của Liên đoàn đã được khẳng định cả ở trong nước và quốc tế. Các quan hệ hợp tác, phối hợp với các cơ quan ban ngành ở trong nước và với các tổ chức quốc tế, hiệp hội luật sư nước ngoài tiếp tục được thiết lập và củng cố vững chắc;

Sự ủng hộ, quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ; trực tiếp là Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đồng chí Hà Hùng Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí lãnh đạo của các bộ, ban ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính…và các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên là nguồn động viên và tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

2. Những tồn tại và khó khăn

– Sự phối hợp giữa các thành viên trong từng Uỷ ban, đơn vị trực thuộc và giữa các đơn vị với nhau còn có lúc chưa đều, chưa nhịp nhàng và chưa hiệu quả.

– Sự gắn kết giữa Liên đoàn và các Đoàn luật sư chưa chặt chẽ, có nơi, có lúc còn chưa tốt.

– Công tác tuyên truyền về hoạt động của Liên đoàn còn chưa sâu, rộng tới đông đảo đội ngũ luật sư, do đó, nhiều luật sư còn chưa thấy và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi luật sư và đào tạo, bồi dưỡng luật sư cũng như hỗ trợ hoạt động hành nghề của luật sư. Nguyên nhân của hạn chế này là do một số đoàn luật sư, một số Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc chưa triển khai kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, hướng dẫn của Liên đoàn;

– Một số Đoàn luật sư còn chưa thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo yêu cầu của Liên đoàn; đóng phí thành viên chưa đầy đủ và kịp thời;

– Do đặc thù nghề nghiệp, một số luật sư đảm nhiệm công việc của Liên đoàn là kiêm nhiệm nên chưa dành thời gian thích hợp cho công việc được giao nên hiệu quả công việc còn hạn chế, một số công việc xử lý không kịp, còn tồn đọng.

III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG 06 THÁNG CUỐI NĂM 2011

Trên cơ sở kết quả công tác 06 tháng đầu năm 2011, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục bám sát 12 nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 để hoàn thành các kế hoạch đã đề ra đồng thời quán triệt đầy đủ, nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức và hoạt động trên một số lĩnh vực sau:

1. Tiếp tục quán triệt, phổ biến Nghị quyết Đại hôi Đảng lần thứ XI tới đảng viên và quần chúng của Liên đoàn.

Học tập, quán triệt Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Liên đoàn (dự kiến đợt 1 sẽ học từ tháng 8/2011 đến hết tháng 12/2012).

2. Xây dựng và triển khai Kế hoạch của Liên đoàn thực hiện “Chiến lược phát triển nghề luật sư” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 theo Quyết định số 1072 ngày 05/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm phát triển nhanh về số lượng, đảm bảo chất lượng luật sư đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý luật sư của xã hội.

3. Triển khai việc thực hiện Quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để đảm bảo quyền hành nghề của luật sư khi tham gia tố tụng. Tiếp tục làm việc với Bộ Công an và Toà án nhân dân tối cao để tháo gỡ những khó khăn của luật sư khi tham gia tố tụng. Đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư và giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến luật sư một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

4. Triển khai công tác bồi dưỡng pháp luật thường xuyên cho luật sư, kỹ năng hành nghề, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng cho toàn thể đội ngũ luật sư Việt Nam, đồng thời đưa công tác bồi dưỡng luật sư đi vào nề nếp trong các năm tiếp theo.

5. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện Quyết định số 123 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo luật sư hội nhập quốc tế. Tiếp tục công tác bồi dưỡng luật sư có sự hỗ trợ của Dự án JPP.

6. Kiện toàn tổ chức và nhân sự của Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật; cử Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật thay cố Luật sư Nguyễn Lịch; phối hợp với Bộ Tư pháp và Lãnh đạo tỉnh Lai Châu để thành lập Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu trong năm 2011.

7. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế tài chính của Liên đoàn, nhằm mục tiêu Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ độc lập, tự chủ về tài chính để tiếp tục đóng góp tích cực vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

8. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hợp tác quốc tế: Dự án JPP, chương trình hợp tác với Jica, các tổ chức luật sư nước ngoài như Hiệp hội luật sư NaUy, Hoa Kỳ, Công hoà Liên bang Đức…và chuẩn bị tham gia một số tổ chức quốc tế, trước đó có sự tìm hiểu và lựa chọn;

9. Tiếp tục đi khảo sát và làm việc với Lãnh đạo tỉnh, thành phố và các Đoàn luật sư để củng cố, xây dựng các Đoàn luật sư phát triển vững mạnh. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 33/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư trong đó chú trọng đến công tác tổ chức cơ sở Đảng, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của đảng viên và quần chúng luật sư;

10. Thực hiện mặc trang phục luật sư khi tham gia tố tụng tại phiên toà từ ngày 10/10/2011;

11. Đẩy mạnh việc thực hiện đề án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Luật sư. Phối hợp với Bộ Tư pháp tổng kết 05 năm thi hành Luật Luật sư. Cần có những ý kiến đóng góp đầy đủ, toàn diện, thiết thực để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về việc đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, tạo cơ hội, điều kiện cho luật sư đóng góp tích cực vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội;

12. Tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ toàn Liên đoàn vào tháng 10/2011 nhân kỷ niệm 66 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư;

13. Chuẩn bị tổng kết công tác và hoạt động năm 2011 và xây dựng phương hướng, kế hoạch công tác năm 2012 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trên đây là Báo cáo tổng kết công tác 06 tháng đầu năm 2011 và phương hướng hoạt động 06 tháng cuối năm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Hội đồng luật sư toàn quốc nhất trí thông qua tại phiên họp lần thứ VII ngày 20 tháng 8 năm 2011 tại Thành phố Cần Thơ.

Trích LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ  VIỆT NAM