0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Uỷ quyền cho luật sư trong thi hành án, được không?

Tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử còn phức tạp hơn nhiều mà đương sự vẫn được uỷ quyền cho luật sư thì tại sao ở giai đoạn THA lại không được?

Luật cho luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các đương sự trong tố tụng dân sự nhưng đến giai đoạn “hậu xét xử” thì không hề đề cập. Vì vậy, có nơi chấp nhận chuyện đương sự uỷ quyền cho luật sư thay mặt tham gia hoạt động THA, có nơi từ chối thẳng…

Theo hồ sơ, trước đây ông NTT kiện đòi một công ty đối tác ở Quảng Bình phải trả nợ 100 triệu đồng tiền hàng. Xét xử, toà hai cấp sơ, phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu của ông T. Do công ty đối tác cứ dây dưa kéo dài việc thanh toán, trong khi vì công việc làm ăn thường xuyên phải đi xa nên ông T. quyết định uỷ quyền cho một luật sư thay mặt mình tham gia quá trình thi hành án (THA).

Nơi từ chối, nơi chấp nhận

Tuy nhiên, khi luật sư này đến thực hiện thủ tục với cơ quan THA một huyện ở Quảng Bình thì bị từ chối không cho tiếp xúc hồ sơ với lý do pháp luật không hề có quy định nào đề cập đến việc luật sư tham gia quá trình THA dân sự.

Vụ khác, tại Hà Nội, bà NTB (Việt kiều Mỹ) được THA hơn 1 tỉ đồng. Vì lý do không có mặt thường xuyên ở Việt Nam, bà B. đã uỷ quyền cho một luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội thay mặt mình tham gia quá trình THA cho đến khi vụ việc kết thúc. Thế nhưng khi bà đem giấy tờ uỷ quyền cùng luật sư đến làm việc với cơ quan THA … thì không được chấp nhận ngay mà chỉ nhận được lời hứa “sẽ xem xét”.

Trong khi đó, ở một vụ tương tự, bà TTNH lại được Cục THA dân sự TP.HCM chấp nhận. Theo hồ sơ, bà H. khởi kiện người khác đòi nợ gần 2 tỉ đồng và được hai cấp toà sơ, phúc thẩm tuyên thắng kiện. Vì phải đi nước ngoài chữa bệnh dài ngày, bà đã uỷ quyền “trọn gói” cho một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM được toàn quyền thay mặt mình tham gia hoạt động THA cho đến khi vụ việc được giải quyết dứt điểm. Kiểm tra thấy thủ tục uỷ quyền hợp pháp, cơ quan THA đã chấp nhận làm việc với luật sư mà không hề gây khó khăn gì.

Linh hoạt cũng phải có điều kiện

Theo một chấp hành viên THA dân sự quận 10 (TP.HCM), Luật THA dân sự và các văn bản hướng dẫn chưa đề cập đến việc tham gia của luật sư vào hoạt động THA dân sự. Cả quy trình, thủ tục tiếp nhận, làm việc với luật sư cũng không có. Vì vậy, việc có chấp thuận luật sư tham gia theo dạng uỷ quyền hay không tuỳ sự linh hoạt của mỗi cơ quan THA.

Riêng ở TP.HCM, hiện nay các cơ quan THA dân sự đều linh hoạt tạo điều kiện cho luật sư tham gia khi được đương sự uỷ quyền. Tuy nhiên, các cơ quan THA cũng lưu ý rằng nội dung uỷ quyền của đương sự phải ghi rõ là cho luật sư tham gia cụ thể những việc gì. Nếu đương sự uỷ quyền “trọn gói” thì phải ghi rõ trong giấy uỷ quyền là luật sư có quyền quyết định và ký mọi giấy tờ liên quan đến việc THA. Bởi lẽ trong quá trình THA có rất nhiều biên bản cần chữ ký của các bên đương sự.

Ngoài ra, việc cơ quan THA có chấp nhận uỷ quyền hay không còn do tính chất của vụ việc. Nếu là vụ THA đòi nợ đơn thuần thì không có vấn đề gì nhưng nếu có liên quan đến việc bán nhà thì nhiều cơ quan THA không chấp nhận uỷ quyền vì những trường hợp này rất dễ xảy ra tranh chấp về sau.

Tham gia là cần thiết?

Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc cho luật sư được thay mặt đương sự tham gia hoạt động THA dân sự là cần thiết.

Theo luật sư Thuận, thực tế có những đương sự gặp khó khăn như không hiểu biết pháp luật, bệnh tật hoặc có công việc không thể trực tiếp tham gia. Nếu viện lý do Luật THA dân sự chưa quy định thì theo nguyên tắc luật chuyên ngành chưa có, chúng ta có thể dựa trên quy định của luật chung là Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định mọi người đều có quyền uỷ quyền cho người khác thực hiện mọi giao dịch dân sự, miễn là hợp pháp, đúng thủ tục. Vì vậy việc không chấp nhận cho đương sự uỷ quyền cho luật sư tham gia hoạt động THA là không phù hợp thực tiễn và pháp luật.

Luật sư Thuận đặt câu hỏi: Việc tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử còn phức tạp hơn nhiều mà đương sự vẫn được uỷ quyền cho luật sư thì tại sao ở giai đoạn THA lại không được? Nếu thực tế xảy ra vướng mắc, cơ quan THA cần khẩn trương kiến nghị để có văn bản hướng dẫn chứ không nên cản trở việc tham gia của luật sư.

Đồng tình, luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Theo Điều 29 Luật Luật sư, luật sư được đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Khi đại diện cho khách hàng, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

“Pháp luật về THA dân sự không hề có bất kỳ quy định nào cấm các đương sự uỷ quyền cho người khác tham gia THA. Như vậy, cơ quan THA phải chấp nhận tư cách đại điện theo uỷ quyền cho khách hàng của luật sư mới đúng” – luật sư Thắng nhấn mạnh.

Phức tạp, kéo dài nên luật sư không mặn mà

Hiện nay thông thường các luật sư chỉ nhận tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong giai đoạn xét xử, còn đến giai đoạn THA thì rút lui. Nhiều luật sư cho biết ngoài việc bị cơ quan THA từ chối, một lý do khác khiến họ ngại ngần không muốn tham gia hoạt động THA dân sự bởi đây là giai đoạn trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản của người dân, rất phức tạp, nhiều khiếu nại, rất dễ bị kéo dài không biết khi nào mới kết thúc. Tham gia thì không biết bao giờ mới có kết quả trong khi đối với luật sư, uy tín với khách hàng phải được đặt lên hàng đầu…

Cần hướng dẫn thống nhất

Những năm qua, tại TP.HCM, nhiều luật sư đã được đương sự uỷ quyền tham gia quá trình THA dân sự. Tất cả trường hợp này, nếu có đầy đủ giấy tờ uỷ quyền hợp pháp thì đều được Cục THA dân sự TP.HCM chấp thuận. Sự linh hoạt của ngành THA TP là rất tiến bộ. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan THA địa phương khác áp dụng thống nhất theo hướng này.

Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Vì quyền lợi chính đáng của đương sự

THA dân sự là một quá trình khá phức tạp gồm nhiều bước, liên quan chặt chẽ đến các quy định pháp luật nhưng hiện nay các văn bản luật nói chung và luật về THA nói riêng vẫn chưa đầy đủ, nhất quán. Cạnh đó, sự hiểu biết của người dân về pháp luật THA còn hạn chế. Vì thế cần thiết phải có sự tham gia của luật sư để giúp các bên đương sự bảo vệ một cách có hiệu quả quyền lợi hợp pháp của mình.

Luật sư NGUYỄN MINH THUẬN, Đoàn Luật sư TP.HCM