0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư gặp bị cáo tại tòa cho hay cấm?

Luật sư Hà Nội – Luật đã quy định rõ việc bị cáo được tiếp xúc với luật sư khi ra phiên tòa nhằm đảm bảo quyền được bào chữa, được bảo vệ của bị cáo.

Gần đây, một số luật sư đã than phiền về việc cảnh sát dẫn giải không cho họ tiếp xúc với bị cáo tại tòa, gây khó khăn cho hoạt động bào chữa. Thực tế hiện nay có phiên xử luật sư được gặp thân chủ nhưng có phiên xử lại không…

Mới đây, trong phiên phúc thẩm vụ bị cáo Trương Minh Nhật phạm tội cướp tài sản tại TAND TP.HCM, giữa các cảnh sát dẫn giải và luật sư của Nhật đã xảy ra cãi vã sau khi luật sư không được tiếp xúc với bị cáo.

Bị ngăn gặp thân chủ

Trước đó, Nhật bị TAND quận 12 phạt năm năm tù. Nhật kháng cáo kêu oan rằng mình nhận tội trong giai đoạn điều tra do bị ép cung, bị cáo không có ý định cướp tài sản cũng như không cầm miếng kính bể để uy hiếp nạn nhân…

Trước khi phiên phúc thẩm được chính thức mở, lúc cảnh sát dẫn giải đưa bị cáo vào phòng xử, luật sư tranh thủ đến gặp thân chủ thì bị chặn lại. Luật sư nói mình đang bào chữa cho thân chủ theo hướng bị oan, rất cần tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Nhưng lực lượng dẫn giải đã từ chối với lý do cảnh sát tư pháp có trách nhiệm giám sát sự an toàn cũng như quản lý, không cho phép ai tiếp xúc với bị cáo. Trường hợp luật sư hay người khác muốn tiếp xúc với bị cáo thì phải xin phép chủ tọa phiên xử.

Luật sư đang nghe bị cáo (phải) trình bày tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Dĩ nhiên là lúc đó luật sư chưa thể gặp được chủ tọa để xin phép. Rồi đến giờ nghị án, khi vị luật sư này đến ngồi gần bị cáo để trao đổi, động viên tinh thần cũng bị lực lượng dẫn giải yêu cầu quay lại chỗ ngồi của mình hoặc ra khỏi phòng xét xử, chờ đến khi tuyên án thì vào.

Việc luật sư không được gặp gỡ thân chủ trong những lúc tranh thủ tòa chưa xử hay vào nghị án như trên không phải là hiếm. Nhiều luật sư kể khi tham gia phiên xử tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, gặp tình huống này, họ thường phải nhờ thư ký phiên tòa “nói giúp” nhưng cũng lúc được, lúc không.

Có vi phạm tố tụng?

Xung quanh vấn đề trên hiện đang phát sinh nhiều luồng quan điểm khác nhau.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3 nói không nên cho phép luật sư tiếp xúc bị cáo tại phiên xử bởi có thể tạo điều kiện cho bị cáo phản cung. Hiện nay, việc phản cung của bị cáo tại tòa xảy ra ngày càng nhiều, xuất phát từ chỉ dẫn của các luật sư. Chưa kể, với những vụ án có nhiều bị cáo, lời khai mâu thuẫn, cơ quan tố tụng có khi còn phải cách ly họ. Việc cho luật sư tiếp xúc với các bị cáo sẽ gây phiền nhiễu, ảnh hưởng đến lời khai của họ. Trong khi đó, việc xét xử ở ta phụ thuộc vào quá trình điều tra, quá trình thẩm vấn và diễn biến tại tòa. Có luật sư chỉ vẽ, bị cáo bị tác động sẽ làm ảnh hưởng đến việc tìm ra sự thật vụ án…

Ngược lại, một số thẩm phán chuyên xét xử hình sự lại cho rằng việc ngăn cản luật sư tiếp xúc với bị cáo ở phiên tòa là vi phạm tố tụng. Bởi lẽ khoản 1 Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa”. Như vậy, luật đã quy định rõ việc bị cáo được tiếp xúc với luật sư khi ra phiên tòa nhằm đảm bảo quyền được bào chữa, được bảo vệ của bị cáo.

Hơn nữa, một nguyên tắc cơ bản là không ai bị cho là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc cho rằng luật sư gặp gỡ bị cáo sẽ “mớm cung”, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử là không có căn cứ bởi tòa không chỉ căn cứ vào bản cung bị cáo mà còn phải căn cứ vào các lời khai từ nhiều phía cùng chứng cứ khác.

Chỉ bắt buộc với án lớn?

Theo nhiều chuyên gia, chỉ nên bắt buộc luật sư phải xin phép chủ tọa phiên tòa để tiếp xúc với bị cáo trong những phiên tòa lớn, phức tạp, có nhiều bị cáo. Khi đó, việc này là cần thiết nhằm đảm bảo trật tự kỷ cương để phiên xử diễn ra suôn sẻ. Chẳng hạn ở vụ Năm Cam trước kia, trước khi xử phúc thẩm, lãnh đạo Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã trả lời rõ là luật sư chỉ được gặp bị cáo vào đầu giờ buổi sáng phiên xử…

Trái luật

Việc bị cáo được tiếp xúc với luật sư khi ra phiên tòa đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo trong suốt phiên tòa. Mặt khác, theo quy định tại điểm e khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư có quyền được gặp người bị tạm giữ, gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; luật sư có nghĩa vụ giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Do vậy, việc hạn chế không cho luật sư tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Thiếu hướng dẫn

Việc tiếp xúc với bị cáo, kiểm tra lại hồ sơ tại tòa là một trong những điều hết sức cần thiết với một luật sư bào chữa. Nó còn giúp cho luật sư thêm hiểu tâm lý bị cáo, mối quan hệ giữa hai bên được củng cố nhiều hơn. Việc này giúp các luật sư cũng như bị cáo càng tự tin thể hiện tại tòa. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc cảnh sát tư pháp cho luật sư tiếp xúc với bị cáo tại tòa, gây ảnh hưởng đến tác nghiệp của luật sư.

Luật sư TRỊNH BÁ THÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chứng minh thân phận

Đúng là bị cáo phải được tiếp xúc luật sư tại phiên xử vì đó là quyền của họ, cần phải được bảo đảm. Tuy nhiên, một số trường hợp cán bộ dẫn giải làm khó dễ luật sư thật ra xuất phát từ việc họ chưa xác định được có phải là luật sư bào chữa cho bị cáo đó hay không. Họ tỏ ra hơi khắt khe cũng vì trách nhiệm giám sát, quản lý bị cáo. Vì thế, khi luật sư muốn tiếp xúc bị cáo nên thông báo và chứng minh rằng mình bào chữa cho bị cáo nào để được tạo điều kiện làm việc tốt.

Phó chánh án một tòa án quận ở TP.HCM

HOÀNG YẾN

Theo phapluattp

Công ty luật Dragon