0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Quy định cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ

Đối với cho vay lại vốn vay ODA, lãi suất cho vay lại bằng ngoại tệ gốc vay nước ngoài được tính bằng 2/3 lãi suất thương mại tham chiếu tương ứng với thời hạn cho vay lại tại thời điểm xác định điều kiện cho vay lại - Ảnh: Reuters.

Kể từ ngày 30/8/2010, các quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ sẽ được thực hiện theo Nghị định 78/2010/NĐ-CP, ban hành ngày 14/7/2010.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Lãi suất cho vay lại

Nghị định nêu rõ, lãi suất cho vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi bằng lãi suất vay nước ngoài.

Đối với cho vay lại vốn vay ODA, lãi suất cho vay lại bằng ngoại tệ gốc vay nước ngoài được tính bằng 2/3 lãi suất thương mại tham chiếu tương ứng với thời hạn cho vay lại tại thời điểm xác định điều kiện cho vay lại. Trường hợp mức 2/3 lãi suất thương mại tham chiếu nêu trên thấp hơn lãi suất vay nước ngoài thì lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài. Tương tự, trường hợp cho vay lại bằng ngoại tệ không có lãi suất thương mại tham chiếu, lãi suất cho vay lại cũng bằng lãi suất vay nước ngoài.

Cũng trong hoạt động cho vay lại nguồn vốn ODA, nếu cho vay lại bằng đồng Việt Nam (VND) thì lãi suất cho vay lại được xác định bằng lãi suất cho vay ngoại tệ quy định ở trên cộng với tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa ngoại tệ và VND. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính toán và công bố mức rủi ro tỷ giá giữa VND và 3 loại ngoại tệ chính là đồng USD, Euro và Yên.

Đặc biệt, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức bằng 30% mức lãi suất cho vay lại bằng ngoại tệ hoặc VND tương ứng, nhưng không thấp hơn lãi suất vay nước ngoài. Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trường hợp cho UBND cấp tỉnh vay lại, lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài.

Nghị định cũng quy định, trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí khác liên quan, người vay lại phải trả lãi chậm trả theo mức cao hơn trong 2 mức sau: lãi suất chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại quy định tại thỏa thuận cho vay lại và mức lãi suất chậm trả quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.

3 loại phí phải trả

Theo Nghị định, người vay lại phải trả 3 loại phí sau:

Phí cho vay lại, đối với trường hợp cho vay lại vốn vay ODA, mức phí cho vay lại bằng 0,2%/năm tính trên dư nợ gốc. Trường hợp cho vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi, mức phí cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ gốc. Không áp dụng phí cho vay lại trong trường hợp UBND cấp tỉnh vay lại.

Phí và chi phí liên quan do bên cho vay nước ngoài thu, bao gồm phí quản lý, phí cam kết, phí rút vốn, phí bảo hiểm, các khoản phí và chi phí khác. Người vay lại thanh toán các khoản phí và chi phí này cho cơ quan cho vay lại để trả cho Bộ Tài chính, hoặc trực tiếp thanh toán cho bên cho vay nước ngoài nếu được Bộ Tài chính ủy quyền.

Các loại phí dịch vụ do ngân hàng phục vụ thu, người vay lại trả trực tiếp cho ngân hàng phục vụ theo quy định của ngân hàng.

Một số trường hợp không yêu cầu bảo đảm tiền vay

Người vay lại phải sử dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để đảm bảo bù đắp rủi ro tín dụng và các rủi ro khác có thể xảy ra. Tài sản bảo đảm bao gồm tài sản hình thành từ vốn vay lại của Chính phủ và/hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số trường hợp không yêu cầu bảo đảm tiền vay là: cho UBND cấp tỉnh hay cho tổ chức tài chính, tín dụng vay lại, hoặc các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng tín chấp hoặc được miễn bảo đảm tiền vay.

Ngọc Hà (Chinhphu.vn)

Văn phòng luật sư Dragon