0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Vợ chồng Giám đốc CTCP rượu Hà Nội vào tù

Với những chứng cứ tài liệu thu thập được, HĐXX đã xác định hành vi vi phạm của Đỗ Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Hà Nội và chồng là Mai Ngọc Lâm đã cấu thành tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”

Bị cáo Lâm và Bình tại phiên tòa sơ thẩm

Ngày 8-1-2009, Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (trụ sở tại 94 phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo Đỗ Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Hà Nội (có trụ sở tại số 28, ngách 481/69 đường Ngọc Lâm, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) đã vi phạm nghiêm trọng nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất rượu giả nhãn hiệu của Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội.

Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 – Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra tại kho hàng của Công ty cổ phần Rượu Hà Nội tại số 36 ngách 481/69 đường Ngọc Lâm. Kết quả đã phát hiện và thu giữ 4.692 chai rượu và 82 can rượu thành phẩm. Trong đó có: 864 chai rượu Vodka – Hà Nội loại 300ml 29,5%V, 204 chai rượu Vodka – Hà Nội loại 750ml 39,5%V, 28 can (chai Pet) rượu Hà Nội loại 4 lít 35%V, 54 can (chai Pet) rượu Hà Nội loại 2 lít 35%V, 2.064 chai rượu Shochu Kiwon, 1.560 chai rượu Kiwon Soju…

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại siêu thị Unimart (số 8 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi Công ty cổ phần Rượu Hà Nội ký gửi 20 chai rượu Shochu Kiwon. Những nhãn hiệu này có dấu hiệu giả mạo nhãn mác sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội.

Qua xác minh, đã kết luận: Công ty cổ phần Rượu Hà Nội do vợ chồng Đỗ Thị Thanh Bình và Mai Ngọc Lâm đứng ra thành lập (Bình đứng tên là Giám đốc công ty). Trong thời gian hoạt động kinh doanh, từ tháng 9-2008, đến tháng 1-2009, vợ chồng Lâm – Bình đã sử dụng các vỏ chai thủy tinh có in hình logo “Halico và hình” giả, kiểu dáng vỏ chai Pet giả, sử dụng nhãn mác có các phần chữ: “VODKA”, “Hà Nội”, “Rượu Hà Nội”; các chữ: “Lò Đúc No 94”, “Công ty Rượu Hà Nội”, “Men say hồn Việt” với các màu sắc nhãn: trắng, nhũ trắng, xanh tím, đen để sản xuất 864 chai rượu Vodka – Hà Nội loại 300ml 29,5%V, 180 chai rượu Vodka – Hà Nội loại 750ml 39,5%V, 28 can (chai Pet) rượu Hà Nội loại 4 lít 35%V, 54 can (chai Pet) rượu Hà Nội loại 2 lít 35%V.

Những nhãn mác này rất giống với nhãn hiệu mà Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội đã được bảo hộ, nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín và hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội.

Ngày 10-11-2009, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Mai Ngọc Lâm (SN 1974) và vợ là Đỗ Thị Thanh Bình (SN 1978) trú tại số 28, ngách 481/69 đường Ngọc Lâm, phường Thượng Thanh, quận Long Biên về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” theo quy định tại điều 157, khoản 1 – BLHS. Tại phiên tòa, bị cáo Mai Ngọc Lâm khai nhận chỉ một mình sản xuất số hàng trên. Hơn nữa, Lâm còn cho rằng, tên công ty khác nhau, vỏ cũng nhiều “chi tiết” khác nhau nên việc xác định tội sản xuất hàng giả cho hai vợ chồng Lâm là chưa chính xác.

Xem xét về chứng cứ tài liệu thu thập được, HĐXX đã xác định hành vi vi phạm của 2 vợ chồng Lâm và Bình đã cấu thành tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” với tổng số rượu giả mà 2 bị cáo làm ra là 1.068 chai rượu Vodka và 82 can rượu Vodka. Với hành vi phạm tội này, Mai Ngọc Lâm là chủ mưu trong vụ án đã lĩnh án 24 tháng tù giam còn Đỗ Thị Thanh Bình lĩnh 18 tháng tù treo, thời gian thử thách là 36 tháng.

Theo An Ninh Thu Do

Công ty luật Dragon