0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

‘Nghề luật sư sẽ có sức hút mạnh’

Ông Hà Hùng Cường. Ảnh: T.A

Chiều 4/6, tại lễ ra mắt Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Việt Nam mới có hơn 4.000 luật sư chính thức và 2.000 luật sư tập sự. Con số này còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

– Là trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc, ông có thể cho biết vì sao đến thời điểm này Bộ mới cho ra mắt Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc?

– Tổ chức luật sư của Việt Nam đã hình thành đã 63 năm. Trong chiến tranh, chúng ta không có điều kiện để phát triển đội ngũ luật sư. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nghề luật sư có cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững.

Hội đồng luật sư lâm thời toàn quốc hiện có 15 thành viên do ông Lê Thúc Anh làm chủ tịch Hội đồng.

Tháng 7/2006, Luật quy định thành lập tổ chức Hội đồng luật sư toàn quốc. Với nhiều nước khác vấn đề này không có còn xa lạ nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn mới. Vì vậy phải bàn bạc, dự thảo rồi mới báo cáo đề án lên Thủ tướng. Thủ tướng phê duyệt mọi công việc mới triển khai được.

– Ở Mỹ, trung bình 250 dân thì có một luật sư, Thái Lan là hơn 1.000, Nhật Bản hơn 4.000… Ở Việt Nam thì sao?

– Tôi đi nhiều tỉnh miền núi thấy rằng, ngay cả luật sư chỉ định tham gia vào các phiên toà theo quy định của pháp luật còn thiếu thì lấy đâu ra luật sư phục vụ nhu cầu của người dân.

Còn về chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của luật sư hiện nay cũng rất bất cập. Tôi rất buồn khi thấy luật sư vi phạm luật pháp. Có một số luật sư có hành vi lừa đảo khách hàng. Chúng ta không thể chấp nhận những luật sư đang vi phạm ở một nghề cao cả. Tới đây, với việc thành lập Liên đoàn luật sư toàn quốc sẽ phát triển nhanh hơn nhưng đồng thời phải bền vững.

– Ông có nhận xét số lượng cũng như chất lượng đội ngũ luật sư chúng ta còn yếu và thiếu. Vậy, thời gian tới, khi Liên đoàn luật sư chính thức thành lập, tổ chức này có vai trò gì để giúp luật sư Việt Nam cạnh tranh với luật sư quốc tế?

– Hoạt động luật sư là dịch vụ có cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh quốc tế. Luật sư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam cũng rất nhiều.

Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng chiến lược về phát triển nhanh và bền vững đội ngũ luật sư Việt Nam phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế. Dự kiến đến năm 2010 chúng ta có 8.000 luật sư, năm 2020 có 18.000-20.000 luật sư. Con số này cũng dần dần phát triển theo thị trường. Nếu các doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân Việt Nam nhận thức đầy đủ sử dụng dịch vụ luật sư, chắc chắn thị trường ngành nghề này sẽ hút mạnh hơn nữa.

Để cạnh tranh với luật sư quốc tế, ngoài việc đòi hỏi mỗi luật sư cần phải cố gắng, Liên đoàn luật sư toàn quốc cũng sẽ quan tâm để đào tạo lớp luật sư ngày càng có trình độ. Chính phủ hiện rất quan tâm hỗ trợ về mặt kinh phí đào tạo luật sư cho các vùng sâu vùng xa, vùng miền núi. Mới đây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án đào tạo lớp luật sư phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

– Gần đây, tại một số phiên toà xảy ra tình trạng bị cáo hành hung hay lăng mạ luật sư. Nhiều luật sư cũng băn khoăn cho rằng, vai trò của họ chưa được đánh giá cao trong các phiên toà. Ông nghĩ sao về điều này?

– Bảo vệ luật sư trước những hành động quá khích của bị cáo cũng là câu chuyện thực tiễn đang xảy ra. Đây là trách nhiệm lớn của Liên đoàn luật sư toàn quốc. Việc này dần dần có sự phối kết hợp giữa các lực lượng để có những đề xuất phù hợp hơn. Hiện cảnh sát chỉ bảo vệ những phiên tòa hình sự. Tới đây chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét để cảnh sát có thể bảo vệ cả phiên tòa dân sự, kinh tế, hành chính…

Còn vai trò của luật sư chưa được đánh giá cao tôi nghĩ không hẳn hoàn toàn như thế. Mỗi chức danh có vị thế và vị trí khác nhau. Quan điểm của Đảng cải cách tư pháp có nghĩa là tranh tụng. Mà tranh tụng có nghĩa là bình đẳng với nhau. Việc này đang cố gắng để thực hiện.

Tuấn Anh

Công ty luật Dragon ( Theo VNExpress)