0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Ngổn ngang thách thức

Đề ra 29 đầu việc, chỉ sau tám tháng hoạt động, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nỗ lực làm được trọn vẹn 26 đầu việc. Tuy nhiên, thách thức đang chờ đón tổ chức xã hội-nghề nghiệp non trẻ này là rất lớn.

Ngày 31-1, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hội đồng Luật sư toàn quốc đã họp phiên thứ IV để báo cáo tổng kết tình hình thực hiện công tác năm 2009 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2010. Tham gia phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và nhiều lãnh đạo các cơ quan trung ương cũng như tỉnh Khánh Hòa.

Non trẻ nhưng hoạt động hiệu quả

Đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiện toàn được tổ chức cũng như bộ máy giúp việc, ban hành các quy chế làm việc, quy chế tổ chức, hoạt động của các đơn vị trực thuộc, xây dựng điều lệ hoạt động, tổ chức được nhiều buổi hội thảo, tọa đàm bồi dưỡng chuyên môn cho các luật sư.

Đặc biệt, Liên đoàn đã đạt được nhiều mối quan hệ với các tổ chức quốc tế; tạo được mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành. Tháng 9-2009, lãnh đạo Liên đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công an để trao đổi về việc xây dựng quy chế phối hợp công tác. Cũng trong tháng 9, Liên đoàn chính thức trở thành thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đánh rất cao những nỗ lực vượt khó của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông nhấn mạnh: Tuy Liên đoàn chưa tròn một tuổi nhưng đã làm được rất nhiều, xua tan đi những hoài nghi ban đầu về tính khả thi khi thành lập Liên đoàn. Đặc biệt, Liên đoàn đã tổ chức được một buổi tọa đàm với Thủ tướng, điều mà trước nay chưa có tổ chức xã hội-nghề nghiệp nào làm được. Điều này chẳng những thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước mà còn khẳng định vị trí, vai trò của Liên đoàn là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp nhưng không thuần túy như các tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa liên đoàn với tòa án, viện kiểm sát, công an giúp luật sư trong hành nghề là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong ảnh: Các luật sư trong một phiên xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Vẫn còn khó khăn

Chưa thông qua quy tắc đạo đức

Sau khi lấy ý kiến của các đại biểu, phiên họp đã nhất trí chưa thông qua dự thảo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Theo đó, dự thảo này sẽ được Ban Thường vụ gửi về cho các đoàn luật sư thành viên tiếp tục lấy đóng góp ý kiến. Sau khi các đoàn luật sư phản hồi, Ban Thường vụ sẽ tổng hợp để báo cáo Hội đồng Luật sư toàn quốc trong một phiên họp khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chỉ ra một số mặt còn yếu kém: Xử lý một số công việc còn lúng túng, mang tính hành chính, chưa đem được hơi thở của cuộc sống vào công việc mà chủ yếu là tính pháp lý thuần túy.Bộ trưởng đề nghị trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần giữ vững, kiên định đường lối đã đề ra, không để các thế lực thù địch lợi dụng, dụ dỗ, mua chuộc lôi kéo. Bộ trưởng lấy làm tiếc về những luật sư đã có hành động vi phạm pháp luật bị xử lý trong thời gian qua.

Trong những việc Liên đoàn chưa làm được, nhiều luật sư quan tâm đặc biệt đến tiến độ thành lập Trường Đào tạo luật sư Việt Nam. Theo các luật sư, trường này ra đời chẳng những sẽ góp phần giải quyết nguồn thu tài chính từ phí đào tạo, cung cấp nguồn luật sư đầu vào cho các đoàn luật sư mà còn khẳng định vị thế của Liên đoàn. Vì thế, các luật sư cho rằng kế hoạch xây dựng trường phải được thực hiện ngay trong năm 2010.

Một vấn đề nữa mà các luật sư rất quan tâm là công tác xây dựng quy chế phối hợp giữa Liên đoàn với tòa án, viện kiểm sát, công an để tạo hành lang pháp lý giúp các luật sư có thể dễ dàng hơn khi hành nghề…

Nhiều việc cần làm

Trong phương hướng triển khai công tác năm 2010 của Liên đoàn nổi lên một số chuyện đáng chú ý như: cấp, đổi thẻ luật sư theo mẫu chung thống nhất; ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; thông qua đề án mẫu trang phục chung cho luật sư khi hành nghề; xây dựng các quy chế phối hợp với cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát…

Luật sư Phan Thông Anh đề nghị lãnh đạo Liên đoàn cần phải thành lập thêm các đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm đảm bảo ổn định kinh phí hoạt động trong trường hợp các nguồn kinh phí hỗ trợ bị cắt giảm. Nhiều luật sư khác thì góp ý Liên đoàn nên chú trọng hơn nữa về trụ sở làm việc cho các đoàn luật sư, bởi hiện nay rất nhiều đoàn luật sư chưa có trụ sở làm việc, phải đi mượn, thuê trụ sở. Ngay cả Liên đoàn hiện cũng chưa có trụ sở cho mình.

Thay mặt Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh khẳng định trong thời gian tới, lãnh đạo Liên đoàn sẽ dựa trên nền tảng những kết quả đã làm được để xây dựng Liên đoàn ngày một hoàn thiện hơn, xứng đáng là tổ chức đại diện cho giới luật sư Việt Nam.

Liên đoàn là một tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các luật sư bằng các chính sách vĩ mô, không can thiệp vào những mâu thuẫn nhỏ lẻ của luật sư trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, nếu có luật sư nào bị xâm phạm trái pháp luật đến quyền lợi thì Liên đoàn sẽ đi theo đến cùng.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam LÊ THÚC ANH

Với đội ngũ gần 200 luật sư có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, chúng ta hoàn toàn có khả năng tự mình thực hiện việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Nên nhanh chóng có kế hoạch, chương trình đào tạo lại cho những trường hợp được đương nhiên công nhận là luật sư. Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an cũng như quy chế về tập sự luật sư cũng cần được tập trung soạn thảo, thực hiện ngay.

Luật sư NGUYỄN VĂN TƯ (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang)

Trong quan hệ quốc tế, đường lối của chúng ta là làm bạn với tất cả các nước, tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến của họ nhưng có chọn lọc, ứng dụng phù hợp vào hoàn cảnh của nước ta.

Luật sư NGUYỄN TRỌNG TỴ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Hiện nay, nhiều đoàn luật sư chưa quản lý được hoạt động của luật sư thành viên, ngay cả việc đóng phí cũng có nhiều luật sư chưa thực hiện.

Luật sư LÊ XUÂN THẢO (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Mức phí trả cho luật sư tham gia bào chữa chỉ định đã ban hành rất lâu rồi, không còn phù hợp, gây thiệt thòi cho luật sư.

Luật sư LÊ CÔNG NGHIỆP (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau)

HỒNG TÚ