0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Giao thông quan trọng như kinh tế

Công ty luật Dragon – Với mục tiêu giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương, Kế hoạch hành động  “Năm An toàn giao thông – 2012” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) xây dựng đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Để có thông tin đầy đủ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBATGTQG.

– PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu của công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) năm 2012 ?
– Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, để mỗi người coi việc giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về vấn đề này, từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để làm được điều này cần phải đặt ra những chỉ tiêu cơ bản với số liệu cụ thể: Giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; Giảm tối thiểu 20% số vụ ùn tắc giao thông, ngăn chặn có hiệu quả nạn đua xe trái phép; Xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các “điểm đen” về ATGT; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hoá các giải pháp trong Nghị quyết 88/NQ-CP.
– PV: Muốn đạt được mục tiêu trên cần phải có các giải pháp đồng bộ và mang tính đột phá gì, thưa ông ?
– Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Những điểm mới mang tính đột phá trong kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2012” của UBATGTQG đề xuất là: Tăng cường công tác truyền thông tới mọi người dân về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm, trong đó chú trọng vào các đối tượng tham gia giao thông trực tiếp có nguy cơ gây tai nạn cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần rà soát ngay các quy định liên quan đến ATGT để sửa đổi, bổ sung kịp thời; Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè ở các đô thị và hành lang ATGT, nghiên cứu thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, trước hết là ô tô cá nhân. Tập trung tổ chức lại giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm giao thông; siết chặt quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe đặc biệt là lái xe chở khách, xe tải, xe container. Mặt khác, cần rà soát lại các tuyến có nhiều “điểm đen” để xử lý dứt điểm, trước mắt là Quốc lộ 1.
– PV: Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT tại các địa phương ?
– Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Vấn đề ùn tắc, TNGT tại các địa phương, người được giao phụ trách, cụ thể là Trưởng ban ATGT (thường là Chủ tịch UBND) các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê bình một số tỉnh có số vụ TNGT tăng cao và biểu dương một số địa bàn có số vụ TNGT giảm mạnh. Theo quy định tại Nghị định 34/CP việc xử lý đối với người đứng đầu Ban ATGT các địa phương khi có sai phạm trong việc quản lý ATGT trên địa bàn phải tiến hành một cách nghiêm khắc. Theo tôi, người đứng đầu mỗi địa phương phải coi vấn đề ATGT quan trọng như nhiệm vụ phát triển kinh tế, không nên giải quyết vấn đề “nóng” (ATGT) bằng mội cái đầu ì ạch và trái tim nguội lạnh.
– PV: Xin ông cho biết dựa vào đâu để đánh giá tình hình ATGT tại từng địa phương ?
– Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Căn cứ đầu tiên là số vụ, số người chết, bị thương do TNGT tại tỉnh, thành phố đó trong vòng 1 năm. Con số này cũng phải tính dựa trên tổng số phương tiện tham gia giao thông và tổng số dân trên địa bàn đó. Tuy vậy, mỗi địa phương có hạ tầng giao thông khác nhau nên cũng cần phải xem xét đến vấn đề này. Bên cạnh đó, cần phải xem xét, điều tra nguyên nhân các vụ TNGT nghiêm trọng là do chủ quan hay khách quan, công tác quản lý Nhà nước về ATGT trên từng địa bàn chặt chẽ hay lỏng lẻo. Để đánh giá vấn đề này một cách công bằng, khách quan cần có bộ tiêu chí chung mà chúng tôi sẽ ban hành trong thời gian tới.
– PV: UBATGTQG đã có đề xuất với Chính phủ một số vấn đề mới như tăng cường phạt nguội, xử phạt qua tài khoản cá nhân vi phạm… Theo ông liệu có khả thi ?
– Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Việc tăng cường phạt nguội, phạt qua hình ảnh, quy định đăng ký ô tô phải có một tài khoản cá nhân với số tiền nhất định tại ngân hàng, áp dụng khoa học hiện đại trong quản lý giám sát các phương tiện tham gia giao thông là một trong những biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Những quy định này dự kiến sẽ được triển khai thực hiện thí điểm trong năm 2012 ở một số tuyến quốc lộ. Để làm được điều này phải có sự ủng hộ của các chủ phương tiện. Thời gian tới Ủy ban kiến nghị sẽ thu phí lưu hành vào nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân, hướng tới mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân. Phí thu được sẽ dùng để phát triển cơ sở hạ tầng và phục vụ công tác tuyên truyền Luật ATGT.
– PV: Xin cảm ơn ông!

Huệ Linh – Ngọc Bảo (Thực hiện)

Theo ANTD

Văn phòng luật sư  Dragon Sài Gòn – Dịch vụ luật sư  tại Sài Gòn – Luật sư tư vấn Sài Gòn