0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Vụ án Nguyễn Lâm Thái

Khi CQĐT triệu tập một số cán bộ các bưu điện để xét hỏi và đưa tấm ảnh chân dung Nguyễn Lâm Thái với ảnh trên cataloge thì nhiều người thừa nhận chưa gặp Thái bao giờ nhưng “ảnh ông ta quen lắm”!

Nguyễn Lâm Thái và 31 can phạm đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận, đề nghị VKSND tối cao truy tố về các tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái…

Tuy nhiên, đằng sau vụ án, đằng sau bản kết luận điều tra dày tới trên 200 trang còn rất nhiều điều đáng nói về cựu giám đốc lừa nổi tiếng, kẻ “xỏ mũi” phần lớn bưu điện khắp cả nước.

Trong một lần trò chuyện với báo giới, Đại tá Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng C15, người trực tiếp chỉ đạo thụ lý vụ Nguyễn Lâm Thái nói rằng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng công trình Sao Đỏ Nguyễn Lâm Thái đã bày ra các “độc chiêu” cực tinh quái khi biết CQĐT “sờ” gáy mình.

Thái từng lệnh cho nhân viên khóa cửa, ngăn không cho cán bộ điều tra vào kiểm tra. Y còn tìm đủ cách để né cán bộ điều tra với lý do như “Hết giờ làm việc” hoặc “Sếp Thái bận công tác, có gì các anh… nhắn lại hoặc viết ra giấy!”…

Một buổi chiều, khi 2 cán bộ Cục C15 đến Công ty Sao Đỏ để xác minh, Thái trốn không ra mặt rồi chỉ đạo tay chân viện lý do công ty bận việc, sai mang hai túi quà, mỗi túi quà kèm 1.000 USD gửi 2 cán bộ điều tra với lời nhắn: “Hôm nay anh Thái đi vắng, có gì các anh… thông cảm” và “Còn nữa, có gì bổ sung… thêm”! Tuy nhiên, hành vi này bị 2 cán bộ điều tra khước từ và nghiêm khắc cảnh cáo.

Khi thấy kiểu xua đuổi này không có kết quả, Thái đổi kế, tìm cách tung tin hù dọa, hòng “nắn gân” cán bộ điều tra… Quá trình điều tra vụ Nguyễn Lâm Thái, bản thân Đại tá Nguyễn Tiến Lực cũng như nhiều điều tra viên nhận được khá nhiều tin nhắn lạ từ số máy di động gửi đến, lời lẽ từ “nhờ” đến đe dọa. Sau này, Thiếu tướng Trần Văn Nho, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT cũng thừa nhận, đúng là nhiều kẻ đã bày các trò “nhắn tin khủng bố” cán bộ điều tra bằng thuê bao trả trước rất phức tạp!

Có chi tiết khiến các điều tra viên chú ý khi thu thập, kiểm tra các tài liệu liên quan hành vi của bị can Thái. Đó là những tấm ảnh Thái chụp chung với cán bộ có chức vụ, quyền hạn, có nhiều tấm chỉ chụp riêng hai người. Bị bắt vào trại tạm giam, Thái khai rằng đó là những bức hình chụp trong quá trình trao đổi, hội họp, rồi tiệc tùng, sinh nhật, đình đám, một số do có quen biết nên kéo ra chụp riêng.

Tuy nhiên, hình được Thái khéo léo cho lồng ghép qua chỉnh sửa máy tính theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thân tình như anh em. Thái còn dùng ảnh của những nhân vật này đưa lên cataloge quảng cáo thương hiệu “tập đoàn CIP” phóng to nhằm đánh bóng tên tuổi, tạo uy tín, thể hiện “quan hệ đẳng cấp” với các VIP.

Một trong những tấm hình thuộc kiểu lòe bịp này được CQĐT thu thập là tấm hình Nguyễn Lâm Thái chụp với ông Vũ Văn Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT. Tấm hình chụp thể hiện phong cách khá gần gũi, tình cảm, được Lâm Thái giữ trong sổ tay, sau cho in ra cataloge, thường đưa ra lòe các cán bộ bưu điện tỉnh, thành phố khi thiết lập, tạo quan hệ. Bản thân ông Luân cũng không biết việc chụp hình của mình đã bị lợi dụng. Thái nói “Đây là ông anh thân cận, cú điện là xong ngay”.

Trên card cá nhân của mình cũng như cataloge giới thiệu công ty được quảng bá ấn tượng về quan hệ của Công ty Sao Đỏ và Giám đốc Lâm Thái với hệ thống bưu chính – viễn thông lớn nhỏ khắp toàn quốc. Nguyễn Lâm Thái cũng tự nhận mình là VIP đặc biệt và lệnh cho nhân viên kỹ thuật lấy tên mình kèm chữ “vip” để làm địa chỉ email cho Công ty Sao Đỏ: cipthaivip@hn.vnn.vn. Cụm từ “tập đoàn CIP” được Thái lòe bịp với đủ cách tiếp thị.

Thật ra, Nguyễn Lâm Thái trước khi trở thành Giám đốc Công ty Sao Đỏ là đối tượng đã có một tiền án và một tiền sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong hồ sơ, lý lịch, Thái che giấu sự thật này, đồng thời tự gán cho mình học trường này, lớp kia, thông thạo về tài chính, tiền tệ và công ty chủ yếu “làm việc thiện”.

Khi CQĐT triệu tập một số cán bộ các bưu điện để xét hỏi và đưa tấm ảnh chân dung Nguyễn Lâm Thái với ảnh trên cataloge thì nhiều người thừa nhận chưa gặp Thái bao giờ nhưng “ảnh ông ta quen lắm”!

Để thuận bề hoạt động, Nguyễn Lâm Thái cho lập 7 công ty con gồm Công ty Quảng cáo kỹ thuật Sao Sáng; Công ty Thương mại điện tử; Công ty Công nghệ mới tin học; Công ty Sao Đỏ; Công ty Siêu điện tử HTP; Công ty Sách và Thiết bị văn hóa xã Hà Nội và Công ty Thiết bị quan sát Á – Âu.

Các công ty đều do Nguyễn Lâm Thái điều hành, chỉ đạo, lấy văn phòng ở phố Triệu Việt Vương và Thái đã tự đặt cho các công ty này với tên gọi “tập đoàn CIP”, tham gia đấu thầu, chào hàng…

Đáng chú ý, ngoài hành vi chia nhỏ vật tư, kê đơn giá cao gấp nhiều lần để chuyển hàng hóa trôi nổi trên thị trường hoặc hàng không rõ xuất xứ thành hàng cao cấp, Nguyễn Lâm Thái chủ động đề nghị Trung tâm Thẩm định giá của Bộ Tài chính thẩm định các lô hàng của mình. Khi có văn bản trả lời của trung tâm này, Thái cho phô tô và sửa cả địa chỉ nơi gửi để làm phương tiện chào hàng.

Trong trại tạm giam, Thái khai nhận: Để bán được các vật tư, thiết bị, dụng cụ bưu chính cho các bưu điện với giá “cắt cổ” và để “lách” luật, Thái đã chỉ đạo các nhân viên đứng ra lập các công ty TNHH nói trên và sử dụng tư cách pháp nhân các công ty để tham gia đấu thầu, báo giá…

Nguyễn Lâm Thái cũng khai việc chỉ đạo nhân viên làm công văn gửi tới Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính về việc trả lời kết quả thẩm định giá vật tư, thiết bị và bằng nhiều cách tác động, Thái đã nhanh chóng có các bản thẩm định giá đóng dấu trung tâm.

Khi đã có văn bản trả lời kết quả của Trung tâm Thẩm định giá, Thái chỉ đạo phô tô màu và phô tô trắng đen làm hàng loạt bản rồi gửi tới các bưu điện tỉnh, thành phố. Thậm chí, Thái còn làm giả cả văn bản của VNPT như Văn bản số 6305 ngày 22/10/2003.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc thực hiện các hợp đồng, sau khi trừ chi phí mua vật tư, thiết bị, Thái chỉ “thưởng” cho nhân viên chút ít, còn lại bỏ túi. Hiện CQĐT đã đủ cơ sở kết luận Thái lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 38 bưu điện tỉnh, thành phố để bỏ túi 24,35 tỷ đồng.

Trong khi đó, các bị can Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Quang Huy, Vũ Anh khai nhận trước CQĐT rằng bản thân các đối tượng không trực tiếp đến quan hệ, liên lạc với các bưu điện. Họ cũng không bỏ tiền mua vật tư, thiết bị và thực hiện các giao dịch liên quan. Thế nhưng, chính các bị can này được Thái “sắp hàng” đứng tên các công ty để lấy tư cách pháp nhân nhằm ký các hợp đồng kinh tế, hoá đơn và ký cả văn bản đề nghị Trung tâm Thẩm định giá tiến hành thẩm định.

Chính vì kiểu “không biết ông anh làm gì” nên ban đầu các bị can viện cớ để dồn hết tội cho Thái còn mình chỉ “vì thiếu hiểu biết”! Tuy nhiên, CQĐT chứng minh được tất cả những hành vi này các đối tượng đều biết nhưng cố tình tạo điều kiện cho Thái phạm tội, thực tế số tiền được hưởng không nhiều, chủ yếu là tiền công hàng tháng mà Thái trả cho các công ty bán hàng.

Do đó, theo CQĐT, mặc dù các đối tượng không quan hệ trực tiếp các bưu điện nhưng đã đại diện pháp lý, tạo “cầu nối” để giúp Thái lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của các bị can Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Quang Huy, Vũ Anh có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, riêng Nguyễn Lâm Thái giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Đáng chú ý, nếu như đối với các bưu điện hiện đã bồi hoàn số tiền thất thoát gần đủ, giao nộp lại cho Nhà nước thì với các bị can này hầu như “tiền thầy bỏ túi”, không còn khả năng thu hồi, đặc biệt khoản tiền hơn 24 tỷ mà Thái đã chiếm đoạt.

CQĐT kết luận, ngoài các bưu điện liên đới đã được làm rõ trước đây, quá trình điều tra, CQĐT phát hiện còn có thêm 24 bưu điện mua vật tư, thiết bị của Nguyễn Lâm Thái như Bưu điện Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Nam…

Lý giải về việc vì sao những cá nhân liên quan tại các bưu điện này không bị khởi tố, CQĐT cho biết, đến nay không chứng minh được các cá nhân liên quan có hành vi tư lợi trong việc mua vật tư của Thái.

Số này cũng do nhận thức chưa đầy đủ, nhân thân tốt và đã tự nguyện dùng tiền cá nhân bồi hoàn lại (chứ không phải dùng tiền Nhà nước “túi nọ xọ túi kia”) nên sau đó liên ngành CQĐT, VKSND tối cao, TAND tối cao đã họp và xét thấy không cần thiết khởi tố. Theo đó, các đối tượng bị đề nghị xử lý hành chính.

Theo CAND