0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Văn hoá giao thông

Văn phòng luật sư Dragon – Tết Nguyên Đán đang đến gần. Đây là dịp được tất cả mọi người chờ đón. Tuy nhiên không phải ai cũng chờ đón trong háo hức mà có những người chờ đón trong lo âu – đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ công tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự.



Lâu nay, tình trạng ùn tắc giao thông đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nạn tắc đường xảy ra không chỉ vào giờ cao điểm mà còn diễn ra bất cứ thời điểm nào. Ai cũng đều hiểu rằng hạ tầng giao thông hiện nay có quá nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc của đô thị. Áp lực về giao thông tại các khu vực trọng điểm đã gây sự hỗn loạn, mạnh ai nấy đi làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, văn minh đô thị. Tuy nhiên, một vấn đề không thể phủ nhận đó là ý thức, nói rộng hơn là văn hoá ứng xử của người tham gia giao thông quá kém.

Văn hoá giao thông – Nếu mỗi người quan tâm một chút!

Luật gia Hoàng Xuân Tốn, hội viên Hội Luật gia Thanh Hóa cho biết: “Theo số liệu của UB An toàn giao thông, hàng năm Việt Nam có khoảng 30.000 người chết và bị thương. Đấy là một con số khủng khiếp và chúng ta phải nhìn nhận đúng nguyên nhân nào đưa đến hệ luỵ như vậy. Tôi thấy nguyên nhân chủ yếu tất cả là do con người, ý thức tôn trọng luật giao thông, ứng xử về văn hóa giao thông là không có”.

Văn hoá giao thông hiểu theo nghĩa hẹp là cách ứng xử có văn hoá của mọi người khi tham gia giao thông. Đó chính là sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh Luật lệ giao thông, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm… Thật đáng tiếc, qua kết quả điều tra xã hội học trên 400 người vi phạm luật giao thông, có tới 71,8% số người trả lời vì không thấy công an, 55% đưa ra lý do là làm theo người khác. Đó là thực trạng đáng buồn hiện nay.

Hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, vượt đèn đỏ, chở hàng hóa cồng kềnh diễn ra khá phổ biến. Theo điều tra mới đây của UB An toàn giao thông, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35; gần 80% sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Trong số 100 sinh viên được hỏi, có tới 60% cho biết sở dĩ vi phạm luật giao thông vì không hiểu biết. Hiện ở nước ta có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Đây chính là đối tượng quan trọng mà gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp giáo dục, tuyên truyền về văn hóa giao thông.

Thực tế cho thấy, địa phương nào chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục về luật giao thông thì tai nạn giao thông cũng giảm hẳn. Gần đây, đài truyền hình Thanh Hóa thường xuyên tổ chức cho học sinh THCS và THPT giao lưu, thì tìm hiểu về luật giao thông. Đây là việc làm đáng hoan nghênh và mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh những hình ảnh không đẹp, thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì đây đó có những tấm gương khiến chúng ta phải cảm động, khâm phục. Ai thường đi về trên con đường La Thành, quận Đống Đa – Hà Nội sẽ thường xuyên chứng kiến các đội viên đội trật tự giao thông phường Ô Chợ Dừa tham gia điều khiển giao thông. Đặc biệt là sáng sớm hay giờ tan tầm, vắng mặt họ là ùn tắc rất dễ xảy ra.   Điều đáng ghi nhận ở đây là các đội viên đều là những người đã nghỉ hưu và làm công việc này hoàn toàn tự nguyện, không cần thù lao.

Ông Mạnh Ngọc Khang, Đội trật tự GTĐT phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội nói: “Buổi sáng từ 7h30 đến 8h30, chiều từ 16h30 đến 19h đường rất đông. Nếu như không có chúng tôi thường xuyên ứng trực 100% ở đây thì hầu như ngày nào cũng tắc”.

VOV giao thông – Người bạn đồng hành

Ngay khi ra đời, kênh VOV giao thông – đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành người bạn gần gũi, thân thiết với đông đảo khán thính giả. Các phóng viên, biên tập viên liên tục cập nhật thông tin từ các nút giao thông, các tuyến đường do các phóng viên, cộng tác viên điện về. Những thông tin này lập tức được phát sóng trực tiếp thông báo cho người tham gia giao thông biết và tránh những tuyến đường đang ùn tắc.

Anh Phạm Trung Tuyến, VOV Giao thông 91 cho biết: “Ngày 18/5/2009, khi xây dựng fomat chương trình, chúng tôi đã hình dung được hiệu quả kênh VOV giao thông mang lại cho người tham gia giao thông ở Hà Nội, sau này là TP Hồ Chí Minh. Sau khi chương trình lên sóng, những hiệu quả tương tác từ kênh VOV giao thông mang lại cho người dân đô thị vượt quá sự mong đợi của chúng tôi…Ví dụ, sau tháng đầu tiên, mỗi ngày trung bình đường dây nóng của VOV giao thông nhận được trên dưới 1.000 cuộc gọi để thông báo tình hình tác đường, hỏi lộ trình, đề nghị được tư vấn luật pháp trong quá trình tham gia giao thông”.

Thông qua hệ thống camera được lắp đặt tại các nút giao thông và các tuyến đường trọng điểm, những hình ảnh được truyền về trung tâm một cách nhanh chóng và xác thực nhất. Qua đó, các thông tin ngay lập tức được chuyển đến người tham gia giao thông. Ngoài những thông tin được cập nhật liên tục về tình hình giao thông, các phóng viên, biên tập viên đòi hỏi phải có kiến thức đa dạng như tư vấn về luật giao thông, lái xe thế nào cho an toàn, những giải đáp khắc phục sự cố trên đường, nhắc nhở lái xe bình tĩnh khi có va chạm, ứng xử có văn hoá…. Các chuyên mục luật GT, biển báo GT, chương trình tư vấn những bánh xe may mắn, xe hỏng tìm ai, vững vàng sau tay lái… đã mang lại hiệu quả, nâng cao nhận thức và trở thành bạn đồng hành của người tham gia giao thông.

Anh Phạm Trung Tuyến chia sẻ: “Trong những khung giờ cao điểm các MC, những người dẫn chương trình VOV giao thông luôn quán triệt việc ngoài thông báo tình hình giao thông phải thường xuyên đưa ra những khuyến cáo phù hợp đối với tình hình thực tiễn của giao thông. Ví dụ như trong trạng thái những ngày cuối năm, đường phố Hà Nội có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, các khuyến cáo thường xuyên được nhắc đi, nhắc lại trong giờ cao điểm là các bạn cần giữ sự kiên nhẫn đi đúng phần đường, làn đường dành cho mình và chỉ có sự kiên nhẫn mới không tự đẩy mình vào hoàn cảnh tắc đường. Những khuyến cáo giản dị như vậy tôi nghĩ rằng có tác động hơn rất nhiều so với việc tuyên truyền luật pháp 1 cách khô cứng”.

Ý thức kém = Tai nạn giao thông

Trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 30.000 người chết và bị thương do tai nạn giao thông, đây là con số đáng báo động. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông chiếm 86% là do lỗi của người điều khiển phương tiện như phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ, đặc biệt là xe chở khách. Tình trạng uống bia rượu, say xỉn vẫn lái ô tô, xe máy đã gây nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Những vụ tai nạn thảm khốc dưới đây sẽ giúp chúng ta cùng suy ngẫm: Xe tải cố tình vượt đường sắt tại Hà Nam làm đầu tàu hỏng nặng;  Xe container, xe khách đâm nhau tại tỉnh Bình Thuận làm 14 người chết, 20 người bị thương, Hai xe khách đâm nhau 7 người chết tại chỗ, 30 người bị thương cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, Xe khách chở 32 người qua Diễn Châu, Nghệ An chạy quá tốc độ đâm vào xe container, gây tai nạn thảm khốc làm 16 người chết, số còn lại đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Xây dựng một xã hội có văn hóa giao thông là việc không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Nhà nước cần phải có 1 chiến lược lâu dài, giáo dục, tuyên truyền sâu rộng tại các nhà trường, cho các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn, cộng đồng dân cư. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về luật giao thông, những gương điển hình. Bên cạnh đó, các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm của người tham gia giao thông.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, số ngày nghỉ năm nay cũng nhiều hơn mọi năm. Việc chúc Tết, tổ chức gặp mặt, chúc tụng, tham gia lễ hội sẽ khiến mật độ giao thông tăng đáng kể. Trong mỗi chúng ta hãy luôn ý thức khi tham gia giao thông.

Tác giả : Mạnh Hiến

Theo VTV

Công ty luật Dragon