0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch

Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc mà Nghị định số 83 ngày 10-10-1998 chưa giải quyết được. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc dưới đây cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn kịp thời.

Vướng mắc liên quan đến đăng ký khai sinh: Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đăng ký khai sinh, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con thì cha, mẹ, ông, bà hoặc những người thân thích khác phải có trách nhiệm đến UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ, nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha sẽ thực hiện đăng ký khai sinh.
Vậy trường hợp trẻ em sinh ra trong trại giam, không xác định được cha đứa trẻ là ai và không còn người thân thích thì ai sẽ đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và đăng ký khai sinh ở đâu trong khi người mẹ không có nơi cư trú ổn định hoặc nếu có thì cũng không thể về địa phương nơi cư trú để đăng ký khai sinh cho con được vì đang thụ lý án phạt tù.
Thực tế có trường hợp cán bộ quản giáo đến UBND cấp xã nơi trại giam đóng trụ sở để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ được sinh ra trong trại giam và đã bị từ chối đăng ký khai sinh với lý do người mẹ không có hộ khẩu thường trú ở đây.
Đối với trường hợp không xác định được người cha và nơi cư trú của người mẹ trước khi bị bắt hoặc xác định được nơi cư trú của người mẹ nhưng đã bị xoá đăng ký thường trú theo quy định của luật cư trú thì có thể vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP “trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh”.
Tuy nhiên vấn đề phức tạp nảy sinh ở chỗ cán bộ quản giáo của trại giam đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ do người mẹ đang thụ lý án phạt tù sinh ra trong trại giam và được UBND cấp xã nơi trại giam đóng trụ sở đăng ký khai sinh thì phần nơi sinh và phần ghi về người đi đăng ký khai sinh quan hệ với người được khai sinh trong Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi thế nào? Nếu ghi đúng nơi sinh là “trại giam …..” và người đi đăng ký khai sinh là “cán bộ quản giáo” thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ vô tội này vì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân.
Đây là vấn đề mang tính nhân đạo, để giải quyết thấu đáo cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để những đứa trẻ không có tội vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi này có một cuộc sống bình đẳng và phát triển bình thường như các trẻ em khác.
Vướng mắc thứ hai là: Tại Khoản 2 – Điều 49 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định “Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ” theo quy định này thì trường hợp cha là người nước ngoài mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sinh con tại Việt Nam thì đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hộ khẩu của người mẹ để đăng ký khai sinh cho con là phù hợp.
Vậy trường hợp cha là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn mẹ là người nước ngoài không có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam nhưng lại sinh con ở Việt Nam (nhà bố mẹ chồng) sẽ đăng ký khai sinh cho đứa trẻ ở đâu,  Sở Tư pháp nơi cư trú của người cha có được đăng ký khai sinh cho đứa trẻ không?
Để bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ và giảm bớt sự phiền hà cho công dân, cần phải có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này.
Vướng mắc thứ ba là:Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra không phải ở Việt Nam có cha hoặc mẹ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam còn người kia là người nước ngoài và đứa trẻ sinh ra ở một nước thứ ba không phải nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cha hoặc mẹ là người nước ngoài mà là nước họ đang làm việc.
Thí dụ, nữ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai sang Cộng hoà Czech để kinh doanh và kết hôn với một người Trung Quốc đang làm việc ở Cộng hoà Czech, đã đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp Lào Cai và con được sinh ra ở Cộng hoà Czech thì sẽ đăng ký khai sinh cho đứa trẻ ở đâu?
Đây là vấn đề thực tế đã xảy ra nhưng chưa có hướng dẫn, do vậy các địa phương rất lúng túng khi công dân có yêu cầu.
Vướng mắc thứ tư là:Việc đăng ký khai sinh cho các trường hợp trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc có bố là người Trung Quốc, mẹ là người Việt Nam do mẹ là người Việt Nam bị bán sang Trung quốc lấy chồng hoặc bỏ sang Trung Quốc buôn bán, làm ăn và có quan hệ ngoài hôn nhân với người Trung Quốc vì không đăng ký kết hôn do vậy không thể đăng ký khai sinh ở Trung Quốc được nên nhiều khi đứa trẻ đã lớn, đến tuổi đi học người mẹ đã đưa về Việt Nam để đăng khai sinh.
Đối với những trường hợp này do không có giấy chứng sinh tất cả chỉ dựa vào lời khai của người đi làm đăng ký khai sinh (mẹ đẻ hoặc ông, bà ngoại hoặc người thân thích) do vậy cán bộ tư pháp hộ tịch không có cơ sở để xác minh đứa trẻ là con đẻ hay là con nuôi. Nếu từ chối đăng ký khai sinh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ, còn tiếp nhận đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì UBND cấp xã “rất lo sẽ bị kiện” hoặc vô tình trở thành người tiếp tay cho đối tượng mua bán trẻ em hợp pháp hoá giấy tờ.
Vướng mắc thứ năm cần phải có hướng dẫn đó là việc đăng ký khai sinh quá hạn, tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định thì trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại UBND cấp xã nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP hoặc tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú.
Đây là một khó khăn rất lớn cho cán bộ Tư pháp hộ tịch khi tiếp nhận và thẩm định các hồ sơ đăng ký khai sinh quá hạn của các công dân đã có đầy đủ các giấy tờ hồ sơ cá nhân như:  Các văn bằng chứng chỉ, Thẻ đảng viên, Hộ khẩu, Chứng minh nhân dân… nhưng với lý do là chưa đăng ký khai sinh và nay có yêu cầu đăng ký khai sinh tại nơi cư trú.
Quy định này là chưa phù hợp với thực tế vì theo quy định của pháp luật về giáo dục thì phải đi học mới được cấp văn bằng chứng chỉ và khi đi học phải có giấy khai sinh để xác định họ tên và tuổi…..; và theo quy định của pháp luật về cư trú thì khi đi đăng ký hộ khẩu thường trú phải xuất trình Giấy khai sinh.
Pháp luật quy định cho phép thực hiện và công dân có yêu cầu đăng ký khai sinh quá hạn thì UBND cấp xã vẫn phải tiếp nhận hồ sơ. Đối với trường hợp này việc xác minh sẽ rất phức tạp, nếu cán bộ tư pháp hộ tịch thẩm định, xác minh không chặt chẽ nhiều khi vô tình trở thành người giúp công dân hợp pháp hoá hồ sơ.
Do vậy, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để được đăng ký khai sinh quá hạn đối với trường hợp đã có đủ giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ; nên quy định giới hạn về thời gian, độ tuổi được đăng ký khai sinh quá hạn và phải có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục xác minh như vậy sẽ phù hợp với thực tế hơn.
(Theo Bộ Tư pháp)