0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng là phù hợp

Van phong luat su Dragon Ha Noi – Ngày 12-9, tại thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bắt đầu phiên họp thứ 11. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và cho ý kiến về dự án Luật này.

Phát biểu giải trình thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện vẫn còn một số vấn đề chưa thống nhất ý kiến giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Một trong những vấn đề đó là quy định không cho phép giảng viên pháp luật hành nghề luật sư.

Theo Bộ trưởng, hiện đã có sự tách biệt giữa cán bộ công chức – viên chức. Giảng viên pháp luật là viên chức, hoàn toàn có thể hành nghề luật sư tư vấn, (không tham gia tố tụng). Điều này không những không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy mà còn bổ sung thêm kiến thức thực tiễn cho đội ngũ này.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, Luật nên quy định luật sư hành nghề ở địa phương nào thì gia nhập đoàn luật sư ở địa phương đó, thuận tiện cho yêu cầu quản lý.

Một số quy định về hoạt động của luật sư nước ngoài, tổ chức luật nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị bổ sung vào Luật.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý ủng hộ quan điểm của Ủy ban Tư pháp không quy định giảng viên pháp luật được hành nghề luật sư. “Ở các nước có sự phân biệt rõ luật sư tố tụng và luật sư tư vấn, nhưng pháp luật nước ta không phân biệt như vậy. Do đó, nếu cho họ hành nghề luật sư thì không xác định rạch ròi được việc này”, ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc giảng viên pháp luật không hành nghề luật sư tố tụng thì đã rõ. Tuy nhiên, để tận dụng chất xám của đội ngũ giảng viên pháp luật, thì không nhất thiết phải quy định họ được hành nghề luật sư, được cấp thẻ luật sư; nhưng cần có quy định về đăng ký hành nghề tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý tại Văn phòng luật sư. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Thực ra đây là việc họ vẫn đang làm, nhưng nếu có đăng ký thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn”.

Một nội dung khác được ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ là quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa. “Chúng tôi tha thiết đề nghị bỏ loại giấy này, nó tạo ra sự bất bình đẳng trong tiến trình tố tụng, làm nảy sinh quan hệ xin – cho. Chỉ cần quy định những trường hợp không được tham gia bào chữa vì có liên quan về quyền lợi – trách nhiệm là đủ”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thực tế có những bị can, bị cáo mời rất nhiều luật sư bào chữa, gây khó khăn, chậm trễ cho công tác tố tụng. Do đó, quy định cấp loại giấy này vẫn cần thiết. Luật đã nêu rõ cơ sở từ chối cấp giấy để người có liên quan giám sát, thời hạn cấp giấy cũng đã rõ, cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy không thể làm sai hoặc trì hoãn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng ý với nhiều nội dung quan trọng khác trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, theo đó, thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng; không miễn tập sự hành nghề luật sư cho điều tra viên sơ cấp; luật sư tập sự không được tham gia tố tụng; không quy định đổi thẻ hành nghề luật sư 5 năm một lần, mà chỉ thu hồi thẻ hành nghề khi luật sư vi phạm pháp luật để tránh phiền phức hành chính…

Cuối phiên họp sáng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2013.

Cơ bản đồng tình với những nhận định, định hướng được nêu trong bản Báo cáo này, song Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu ưu tiên kiểm toán 1 lần/1 năm đối với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có số thu, chi ngân sách nhà nước lớn; mở rộng diện kiểm toán đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã và đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ, ngành được kiểm toán để đánh giá chính xác và toàn diện hơn.

Giá xăng dầu tăng liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế đất nước và đời sống người dân. Ảnh: Tr.Vũ

Riêng lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính ngân hàng, cần tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống như điện, than, xăng dầu…

Đặc biệt, đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu.

Đồng thời, cần tập trung nguồn lực chuyên sâu kiểm toán chính sách tiền tệ, quá trình sáp nhập, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tình hình tài chính của các ngân hàng sau tái cơ cấu.

* Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Đề nghị  nâng  mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã cho ý kiến về dự án Luật này.

7 triệu đồng hay 9 triệu đồng?

Đáng lưu ý, theo Tờ trình, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế được đề nghị nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng. Người phụ thuộc được nâng từ mức 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả. Chính phủ cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009.

Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Việc tính chỉ số giá cả biến động từ 20% trở lên lấy mốc so sánh là thời điểm luật có hiệu lực”.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UB TCNS) của Quốc hội nhận định, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như đề nghị của Chính phủ, cộng với quy định mới là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi giá cả biến động từ 20% sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách đáng kể trong năm 2013 và 2014  và trong những năm tiếp theo. Phân tích toàn diện các tác động của chính sách, đa số ý kiến trong Thường trực UB TCNS đề nghị mức giảm trừ gia cảnh là 7 triệu đồng/ tháng cho người nộp thuế và 2,8 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc.

Về thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật quy định phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, theo Thường trực UB TCNS, để bảo đảm tính công bằng, có cơ chế khuyến khích, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người công tác tại khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, đề nghị không tính thuế trên khoản thu nhập này. Ngược lại, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, cần thiết phải thu thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh chứng khoán.

Về việc tính thuế đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về chuyển nhượng bất động sản và loại trừ đối với trường hợp được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Phải làm rõ tác động đến ngân sách

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về những cơ sở khách quan của việc xác định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người có thu nhập cũng như người phụ thuộc.

Dung hòa các luồng ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội  Uông Chu Lưu cho rằng, mức giảm trừ 9 triệu đồng cho người có thu nhập là phù hợp, nhưng mức 3,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc lại là cao, mất đi ý nghĩa “phụ thuộc”… Lưu ý đến điều kiện cụ thể của nước ta là trượt giá lũy kế hàng năm vẫn cao, Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng cũng tán thành mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ông yêu cầu Ban soạn thảo xem xét lại biểu thuế suất theo hướng giảm bớt các bước thuế đối với nhóm thu nhập cao và chi tiết hóa đối với nhóm thu nhập thấp hơn, đồng thời cân nhắc việc quy định mức thuế suất 0%, tiến tới mục tiêu thông qua thuế để kiểm soát thu nhập cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

Theo Chủ tịch Quốc hội  nếu làm theo cách này thì phần thuế thu được từ nhóm thu nhập thấp hơn sẽ ít đi; nhưng bù lại, thu từ nhóm thu nhập cao sẽ nhiều hơn, không làm hụt thu ngân sách quá lớn.

Chủ tịch Quốc hội  đồng tình với UB TCNS về việc không đưa phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút vào thu nhập chịu thuế.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu  UB TCNS tiếp thu các ý kiến góp ý của UBTVQH, sớm tổ chức thẩm tra chính thức dự án, trình UBTVQH. UBTVQH sẽ xem xét và “chốt” lại lần cuối trong phiên họp tới trước khi trình ra kỳ họp QH. Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội  Uông Chu Lưu và Chủ tịch  Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Tài chính tính toán thêm phương án áp dụng quy định mới ngay từ 01-01-2013 vì đến thời điểm đó “quay lại tính thuế thu nhập cá nhân từ mức 4 triệu đồng là rất không hợp lý”.

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp ngay tại kỳ họp thứ 4 sắp tới. Nếu được thông qua, dự kiến Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01-7-2013.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức giảm trừ như Chính phủ trình, một số lượng lớn số người nộp thuế ở bậc 1 và bậc 2 theo Biểu thuế hiện hành sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế và những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm mức thuế, qua đó dự kiến giảm thu NSNN năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP (dự kiến GDP năm 2014). Trường hợp thực hiện từ 1 tháng 7 năm 2013 thì ngân sách năm 2013 giảm thu thêm khoảng 5.200 tỷ đồng.
Dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2013

* Lĩnh vực NSNN: (i) Kiểm toán tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 06 đơn vị so với kế hoạch kiểm toán năm 2012. Trong đó có 3 đơn vị đã được kiểm toán trong năm 2012 (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng), 31 đơn vị chưa được kiểm toán trong năm 2012; (ii) Kiểm toán tại 20 bộ, ngành, cơ quan trung ương, tăng 05 đầu mối so với Kế hoạch kiểm toán năm 2012; trong đó có 01 đầu mối kiểm toán thường xuyên hàng năm (Ngân hàng Nhà nước), 19 đầu mối chưa kiểm toán năm 2012.

Với số đầu mối kiểm toán các bộ, ngành, địa phương như trên, số lượng đơn vị được kiểm toán dự kiến trong KHKT năm 2013 tăng không nhiều so với KHKT năm 2012 nhưng quy mô thu, chi ngân sách được kiểm toán chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu, tổng chi NSNN (tổng thu, chi NSNN tại các địa phương được kiểm toán chiếm 82% (970/1.182 nghìn tỷ đồng) tổng thu, chi ngân sách địa phương).

Chuyên đề: Kiểm toán 20 chuyên đề (chưa tính 01 chuyên đề thuộc lĩnh vực An ninh), tăng 04 chuyên đề so với năm 2012, trong đó 09 chuyên đề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lồng ghép trong 08 cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang).

Nội dung chủ yếu của các cuộc kiểm toán chuyên đề dự kiến trong KHKT năm 2013 là: Đầu tư công (trong đó có chuyên đề về Trái phiếu Chính phủ); quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà và đô thị; quản lý công tác khai thác tài nguyên khoáng sản…

* Lĩnh vực đầu tư XDCB và chương trình, dự án quốc gia

(i) Ngoài 03 dự án đã được lồng ghép trong cuộc kiểm toán chuyên đề (Bờ kè chống sạt lở kênh Xáng Xà No – giai đoạn 2; Hệ thống đê bao Long Mỹ – Vị Thanh; Dự án Kè sông Cổ Chiên), năm 2013 tập trung kiểm toán 27 đầu mối dự án đầu tư (chưa tính các dự án thuộc khối Quốc phòng, An ninh, cơ quan Đảng được trình bày thành mục riêng), trong đó có 09 dự án  chuyển tiếp từ năm 2012 sang, giảm 13 dự án so với kế hoạch kiểm toán năm 2012.

(ii) Kiểm toán 01 chương trình MTQG, giảm 05 chương trình so với kế hoạch kiểm toán năm 2012.

* Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính – ngân hàng: Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định của Chính phủ, năm 2013 KTNN dự kiến kiểm toán tại 29 đầu mối (trong đó có 08 tập đoàn, năm 2012 là 02 tập đoàn).

Với dự kiến KHKT như vậy, số lượng đầu mối kiểm toán năm 2013 chỉ tăng 02 đầu mối so với năm 2012 nhưng quy mô tài chính các doanh nghiệp được kiểm toán tăng cao.

* Lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng: (i) Lĩnh vực quốc phòng ngoài 01 doanh nghiệp (Tổng công ty Đông Bắc) được lồng ghép khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012 của Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam, dự kiến sẽ kiểm toán 14 đầu mối (8 đầu mối là các đơn vị dự toán; 02 đầu mối dự án đầu tư, 04 doanh nghiệp); (ii) Lĩnh vực an ninh dự kiến kiểm toán 10 đầu mối (9 đầu mối là các đơn vị dự toán và 01 chuyên đề); (iii) Khối cơ quan đảng dự kiến kiểm toán 02 đầu mối (2 đầu mối là các đơn vị dự toán); (iv) Lĩnh vực khác dự kiến kiểm toán 01 đầu mối (Tổng cục Dự trữ quốc gia).

(Nguồn: Trích Báo cáo số 1279/BC-KTNN do Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

ANH PHƯƠNG (SGGPO)
Cong ty luat Ha Noi – Dich vu tu van luat – Luat su tu van