0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Phí thuê luật sư với những giá trị pháp lý hữu hiệu

Cải cách tư pháp

Công cuộc cải cách tư pháp có mỗi liên quan chặt chẽ với công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa của đất nước. Sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền tùy thuộc rất nhiều vào sự thành công của công cuộc cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp, do vậy, hiện là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách lại vừa mang tính lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Cải cách tư pháp bao gồm trong nó hai nội dung: cải cách tư pháp là cải cách liên quan đến hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án; cải cách bổ trợ tư pháp là cải cách liên quan đến tổ chức hoạt động của văn phòng luật sư, công chứng và giám định tư pháp.

Về tổ chức và hành nghề luật sư ở Việt Nam, Nhà nước đã ban hành Luật Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được thành lập và hoạt động. Tuy vậy, tổ chức và hoạt động của văn phòng luật sư hiện còn gặp phải không ít trở ngại. Trong xã hội Việt Nam, nhiều người vẫn coi hoạt động của luật sư là hoạt động tiêu tốn. Các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam chưa coi hoạt động của luật sư là hoạt động sinh lợi, là biện pháp bảo vệ tính hợp pháp và phòng ngừa tranh chấp xảy ra trong quá trình hoạt động của họ. Người dân, các tổ chức nhà nước, xã hội, kinh tế chưa có ý thức sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn vào mục đích sinh lợi và phòng ngừa tranh chấp. Đến khi nảy sinh tranh chấp, họ mới tìm đến luật sư. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp đã tiến hành điều tra xã hội học với các câu hỏi rằng khi có tranh chấp thì ông bà, anh, chị thường tìm đến ai trong số những người sau đây: Luật sư? Người thân quen trong các cơ quan Nhà nước? Đi cửa sau? Câu trả lời: Nhờ cậy người thân quen là viên chức là điều trước tiên. Thứ đến là đi cửa sau. Cuối cùng mới tìm đến luật sư. Vẫn còn có cán bộ tư pháp coi hoạt động của luật sư là vẽ đường cho hươu chạy, là xúi bẩy bị cáo ngoan cố trong khai báo, hoặc xoi mói, bới móc theo kiểu vạch lá tìm sâu, gây cản trở cho hoạt động của tư pháp.

Hiện có hai loại phí luật sư:

–         Phí đối với các vụ án mà luật sư tham gia bào chữa miễn phí đối với thân chủ theo quy định về nghĩa vụ của luật sư. Phí luật sư cho loại án này do ngân sách chi trả nhưng quá thấp, không đủ tiền xăng xe cho luật sư đi lại. Điều này không khuyến khích luật sư.

–         Phí do thân chủ và luật sư tự thỏa thuận. Cách tính phí này chưa có sự điều chỉnh của pháp luật. Nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra mà cơ quan nhà nước không thể quản lý được.

Dựa vào cơ sở nào để tính phí thuê luật sư? Nhà nước quy định khung phí hay là để cho thân chủ và luật sư tự thỏa thuận? Cách thức ngăn ngừa hành vi vi phạm đạo đức hành nghề luật sư và giải quyết tranh chấp giữa luật sư với thân chủ…là những câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hiện nay có nhiều luật sư không có khách hàng. Thay vì tập trung nghiên cứu để tranh tụng, một số luật sư nghiêng về hoạt động “chạy án” để có thu nhập. Các luật sư cho rằng phí gia nhập và được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hiện nay là quá cao đối với người mới vào nghề.

Chúng ta còn thiếu quy hoạch, kế hoạch dài hạn đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư. Việt Nam hiện còn thiếu nhiều chuyên gia pháp lý có trình độ tác nghiệp ngang tầm với chuyên gia pháp luật trong vùng và trên thế giới. Giáo trình và cách giảng dạy pháp luật chưa được đổi mới. Nhiều học thuyết pháp lý của khoa học pháp lý hiện đại chưa được nghiên cứu phổ cập, ứng dụng trong các nhà trường. Việc tôn vinh những chuyên gia pháp lý tiêu biểu trong hoạt động thực tiễn đấu tranh bảo vệ công lý chưa được quan tâm. Có những luật sư được chế độ cũ đào tạo đã từ bỏ sự giàu sang để đi theo Cách mạng, họ được đánh gia cao về tinh thần yêu nước. Nhưng những gương mặt nổi tiếng trong hoạt động lập pháp và tư pháp thì chưa được phát hiện và tôn vinh.

Để cải cách bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động luật sư, đã đến lúc cần làm cho xã hội ý thức được rằng hoạt động của luật sư là hoạt động sinh lợi trong kinh doanh, là cách thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, là cách thức phòng ngừa vi phạm, tranh chấp xảy ra và góp phần rất lớn vào việc duy trì tính ổn định, dân chủ và văn minh của xã hội. Tiến tới thực thi chế định luật sư công để thực hiện phong cách nề nếp quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật trong các cơ quan nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật phải được áp dụng khi có khiếu kiện xảy ra giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Để luật sư có thể sống bằng nghề nghiệp của mình thì mức phí luật sư phải do các bên tự nguyện. Mức phí không phải là con số tuyệt đối mà là % của lợi ích thu được. Nước Mỹ quy định cao nhất là 50%, thấp nhất là không dưới 30% lợi ích thu được, sau khi trừ đi các khoản phí theo luật. Người dân Mỹ chấp nhận mức phí này với lý do nếu không có hoạt động của luật sư thì họ không có khoản thu nhập đó, có trường hợp còn bị thua thiệt nặng hơn. Việc trả phí cho luật sư phải bằng cách trả vào tài khoản và được đặt dưới sự giám sát của tòa án. Cách làm này sẽ giúp phòng ngừa được những hiện tượng tiêu cực trong hành nghề luật sư.

Yêu cầu có đội ngũ luật sư thông thạo luật pháp quốc tế và trong nước là yêu cầu cấp bách của thời kỳ hội nhập. Việt Nam hiện có quan hệ với 185/193 nước trên thế giới. Càng chậm trễ thì phía Việt Nam sẽ phải gánh chịu nhiều thua thiệt. Phải trải qua thời gian học tập, thực tập không dưới 10 năm, sau đó phải trải quan công tác thực tiễn ít nhất là 10 năm nữa mới mong trở thành luật sư giỏi. Để có đội ngũ luật sư đáp ứng được nhu cầu về số lượng lẫn chất lượng trong thời kì hội nhập, Việt Nam phải mất ít nhất thêm 20 năm nữa. Do vậy, cần có ngay những biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện nay, đồng thời có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng luật sư cho thời gian 20 năm tới.

Ở một số nước, trong các buổi kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc hay những cuộc tiếp đón chính thức, người dân thường thấy vị chánh án tòa án tối cao cùng vị đứng đầu hiệp hội luật sư xuất hiện cạnh nhau. Đây không đơn thuần là nghi lễ mang tính hình thức. Đó là một biểu tượng, một thông điệp về công cuộc đấu tranh để bảo vệ sự cân bằng của cán cân công lý. Hơn ai hết, khi nhắc đến tên của vị chánh án tòa án tối cao và vị đứng đầu hiệp hội luật sư là người dân có sự kính phục về đạo đức và năng lực, trình độ chuyên môn pháp luật của họ. Điều này nhắc nhở rằng công cuộc cải cách bổ trợ tư pháp phải được đặt ngang hàng với cải cách tư pháp. Đây là phương hướng chính trong đấu tranh nhằm nâng cao vai trò tác dụng và khắc phục những bất cập đang xảy ra trong lĩnh vực tư pháp bao gồm tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Văn phòng luật sư tại Hà Nội