0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Nâng cao vị thế luật sư

Nâng cao vị thế luật sư – Bài 1: Luật sư bị hạ uy tín tại tòa


Nói về chuyện thuộc cấp xúc phạm luật sư, viện trưởng VKS huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bảo: “Cái ấy chúng tôi đã quên đi rồi, khai quật lên làm gì nữa”…

10 năm qua, vai trò và vị thế của luật sư đã được nâng lên rõ rệt. Phát triển nghề luật sư, tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng được xác định là một nhiệm vụ cải cách tư pháp. Dù vậy, không phải cơ quan, cán bộ tố tụng nào cũng có ý thức nghiêm túc thực hiện…

Ngoài một vấn đề lúc nào cũng “nóng” là bị làm khó trong giai đoạn điều tra, đến khi ra tòa, không ít lần các luật sư còn bị thẩm phán, kiểm sát viên, đương sự cố tình làm cho bẽ mặt.

“Luật sư có năng lực hành vi dân sự không?”

Ngày 18-3, TAND quận Kiến An (Hải Phòng) xử một vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, sau khi kiểm tra căn cước của bị cáo, đại diện nạn nhân…, chủ tọa đã yêu cầu luật sư Đoàn Văn Phương (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, bào chữa cho bị cáo) đứng dậy để kiểm tra căn cước.

Đây là một yêu cầu hi hữu trong các phiên tòa hình sự. Dù vậy, tuân theo sự điều hành của chủ tọa, luật sư vẫn đứng lên trình bày rằng các chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư… mà luật sư nộp cho tòa trước đó đã thể hiện rõ “căn cước” của luật sư theo yêu cầu. Chủ tọa vẫn khăng khăng: “Đề nghị luật sư cho xem căn cước. Xem lại luật. Nếu luật sư không có năng lực hành vi dân sự thì nói cho HĐXX biết để xem xét”.

Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng sau đó, luật sư Phương bức xúc cho rằng thẩm phán chủ tọa “sử dụng những ngôn từ có tính pháp lý để miệt thị luật sư”, làm mất uy tín của ông. Luật sư Phương cũng kiến nghị ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự về những người cần kiểm tra căn cước tại phiên tòa. Trong đó, nếu cần kiểm tra căn cước của luật sư thì sẽ bao gồm các nội dung gì để tòa hành xử cho đúng.

Chê luật sư kém trình độ

Cuối năm 2009, TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xử sơ thẩm một vụ hủy hoại tài sản. Bào chữa cho bị cáo, luật sư Phạm Tiến Mạnh (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho rằng cơ quan tố tụng chưa xác định chính xác số cây bị cáo chặt (số tài sản bị hủy hoại). Tranh luận, Phó Viện trưởng VKS huyện Vân Đồn Vũ Minh Đức bất ngờ đánh giá luật sư: “Tôi thấy chỉ có hai vấn đề: Trình độ của luật sư không có; cái thứ hai là luật sư bỏ qua các biên bản xác minh, tài liệu của cơ quan điều tra để làm giảm uy tín các cơ quan tố tụng”.

Không khí phiên xử trở nên hết sức căng thẳng khi ông Đức gay gắt: “Sau phiên tòa hôm nay, đề nghị HĐXX có văn bản kiến nghị với Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh xem xét đối với luật sư Phạm Tiến Mạnh”. Video clip ghi lại diễn biến phiên tòa mà luật sư Mạnh cung cấp còn cho thấy ông Đức đã có nhiều câu… nói bừa khi tranh luận. Chẳng hạn khi luật sư chỉ ra những điểm không hợp lý trong hồ sơ, kiểm sát viên trả lời: “Do công an lập, VKS không biết”…

Sau phiên xử, luật sư Phạm Tiến Mạnh đã gửi đơn tới lãnh đạo VKS huyện Vân Đồn và VKS tỉnh Quảng Ninh kiến nghị về thái độ của kiểm sát viên. Ngày 26-1-2011, VKS huyện Vân Đồn có văn bản thừa nhận: “Kiểm sát viên Vũ Minh Đức lập luận theo ý kiến chủ quan, chưa tôn trọng quyền của người bào chữa, phát biểu làm ảnh hưởng đến uy tín của luật sư”. VKS huyện cho biết sẽ kiểm điểm, đề nghị VKS tỉnh Quảng Ninh xem xét, xử lý.

Cho đến nay tuyên bố “sẽ kiểm điểm” và “đề nghị xem xét, xử lý” nói trên vẫn chưa được thực hiện. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Minh Đức nói: “Việc tranh luận đó là bình thường”. Còn viện trưởng VKS huyện Vân Đồn bảo: “Cái ấy chúng tôi đã quên đi rồi, khai quật lên làm gì nữa” (?!).

Đánh luật sư ngay tại tòa

Việc luật sư bị những đối tượng liên quan trong vụ án mình tham gia chửi, đánh không phải là chuyện lạ. Ấy thế nhưng chuyện luật sư bị đánh ngay tại phiên xử, trước sự chứng kiến của tòa lại là chuyện khó ngờ tới.

Ngày 1-4-2008, khi luật sư Trần Đình Triển đang phát biểu ý kiến bảo vệ quyền lợi cho thân chủ (nguyên đơn) thì bà NBT (đồng bị đơn) đã có lời lẽ tục tĩu xúc phạm ông. Luật sư Triển đề nghị tòa cho dừng phiên xử, lập biên bản sự việc và mời bà T. ra khỏi phòng xử. Tuy nhiên, tòa vẫn cho phiên xử tiếp tục.

Đỉnh điểm của sự việc là bà T. xông về phía luật sư Triển, giật hồ sơ trên bàn ném tứ tung rồi rút guốc đánh vào mặt, vào đầu làm ông bị chảy máu… Khi luật sư xuống sân tòa, bà này vẫn đuổi theo để đánh, chửi trước mặt rất nhiều người.

Sau đó, luật sư Triển đã làm đơn đề nghị TAND TP Hà Nội khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì bàng quan để xảy ra sự việc trên.

Nâng cao vị thế luật sư – Bài 2: Vất vả chuyện bào chữa

Luật sư đang phát biểu, một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang nói chuyện với nhau (!).

Con đường bảo vệ thân chủ hoàn toàn không dễ đi, khi luật sư chỉ có trong tay hồ sơ gồm toàn chứng cứ buộc tội của cơ quan điều tra. Tranh luận tại tòa thì kiểm sát viên chỉ khăng khăng “bảo lưu quan điểm”. Luật sư mỏi miệng lập luận thì bản án chỉ ghi lại vài dòng ngắn ngủi…

Nhiều chuyên gia có chung nhận định: Một trong những bất cập hiện nay là toàn bộ quá trình tố tụng đều dựa trên hồ sơ buộc tội do cơ quan điều tra xây dựng. Việc bào chữa cũng bị khuôn theo hồ sơ buộc tội.

Nặng tư tưởng buộc tội

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Tú bức xúc: “Chỉ cơ quan buộc tội có quyền thu thập chứng cứ, đó là sự thiếu logic tự nhiên của sự công bằng và công lý mà ai cũng nhận ra nhưng chúng ta không khắc phục. Cái độc quyền này ở nhiều nơi còn lạm dụng như là đặc quyền vậy”.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhận xét: Hoạt động của các cơ quan tố tụng mang nặng tư tưởng buộc tội trong khi pháp luật yêu cầu phải xem xét toàn diện cả yếu tố buộc tội và gỡ tội. Theo ông, với dữ liệu hồ sơ vụ án được xây dựng, các vấn đề đã ăn khớp với nhau, đến khi ra tòa gần như là đã xác định tội phạm. Bởi lẽ, nếu không xác định được tội phạm thì tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án. Chưa kể trong giai đoạn truy tố, VKS cũng có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án.

“Một ngôi nhà mà được cơ quan buộc tội xây xong cả rồi, thậm chí còn trát tường và sơn xong thì người bào chữa có thể làm được gì để thay đổi kết cấu? Chúng tôi phải dò tìm từng hoạt động tố tụng của cơ quan buộc tội để tìm ra sự cầu thả, những lỗi chủ quan và khiếm khuyết, mong sao bào chữa được cho thân chủ” – luật sư Tú chua chát.

Né tránh tranh luận

“Có lần trước tòa tôi nói thẳng: “Tôi đang trả lương cho ông đấy. Tôi nộp thuế là để ông tranh tụng với tôi”. Thế mà kiểm sát viên vẫn không chịu tranh tụng thì biết làm thế nào?” – luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng bộc bạch.

 

Nói về cơ chế để bảo đảm cho luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã quy định kiểm sát viên phải có ý kiến đối với từng ý kiến của luật sư; hội đồng xét xử cũng không được hạn chế thời gian tranh luận. Quy định rõ như vậy nhưng thực tế nhiều khi trái ngược.

Trong phiên xử Bùi Tiến Dũng và đồng phạm tổ chức đánh bạc… hồi tháng 8-2007 tại TAND TP Hà Nội, phần tranh luận, hai kiểm sát viên đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào của luật sư ngoài việc trích đọc lại cáo trạng. Những vấn đề mấu chốt để làm rõ vụ án mà các luật sư yêu cầu đối đáp, kiểm sát viên đều né tránh.

Bức xúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lớn tiếng: “Tôi hoàn toàn thất vọng với đối đáp của VKS. VKS không đưa ra được căn cứ buộc tội mà chỉ đọc lại cáo trạng”. Khi các luật sư đồng loạt giơ tay xin tranh luận tiếp, tòa tuyên bố: “Nếu có gì mới thì nói, còn lặp lại những gì đã nói thì hội đồng xét xử sẽ… cắt”.

Về chuyện này, một kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội trần tình: VKSND Tối cao chuyển hồ sơ vụ án xuống để ủy quyền truy tố chỉ sáu ngày trước phiên tòa. “Đọc bộ hồ sơ dày hàng trăm trang cũng không đủ thời gian, nói gì đến việc chuẩn bị các căn cứ bảo vệ quan điểm buộc tội”.

Vị này cũng thừa nhận tình trạng chất lượng kiểm sát viên kém là có. Tuy nhiên, có nhiều tình huống họ không nắm chắc án là do… “bất khả kháng như trường hợp trên”. “Lãnh đạo viện thậm chí đã cấm không được dùng từ “chúng tôi giữ nguyên quan điểm đã truy tố” nhưng nhiều kiểm sát viên vẫn mắc phải” – ông tâm sự.

Không ghi nhận ý kiến luật sư

Đầu năm 2010, một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM đã gửi đơn về Liên đoàn Luật sư Việt Nam “tố” chuyện lúc luật sư phát biểu thì một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang nói chuyện với nhau, bỏ ngoài tai các lập luận của luật sư.

Tháng 11-2010, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam có công văn gửi một số cơ quan tố tụng phản ánh những khó khăn của luật sư trong việc tham gia án hình sự. Một bức xúc được các luật sư nêu là nhiều bản án được ban hành không hề ghi nhận, đề cập gì đến quan điểm, ý kiến của luật sư bào chữa. Mặt khác, kết quả tranh tụng của luật sư tại phiên tòa cũng không được lưu tâm.

Thực tế, nhiều bản án chỉ dành một câu duy nhất đề cập đến phần bào chữa của các luật sư: “Xét thấy lời bào chữa của luật sư không có căn cứ…”. Cũng có vụ luật sư bào chữa một đằng, bản án lại ghi nhận một nẻo, khiến luật sư phải yêu cầu đính chính bản án.

Nâng cao vị thế luật sư – Bài cuối: Phối hợp với ba ngành tố tụng

Để thúc đẩy việc nâng cao vị thế của giới luật sư, cần phải nói đến vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Cùng với việc can thiệp bảo vệ khi luật sư nhờ giúp đỡ, Liên đoàn đã có những động thái tích cực như ký quy chế phối hợp với các ngành tố tụng…

Ngày 8-12-2009, tại cuộc tọa đàm với giới luật sư về vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Tới đây, khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, vấn đề luật sư hành nghề phải được quy định thật cụ thể để không cần phải có một hướng dẫn nào cả. Trong giai đoạn quá độ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy chế để phát huy vai trò của luật sư ngay từ giai đoạn điều tra. Liên đoàn cũng phải phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao xây dựng quy chế phối hợp với tinh thần hợp tác để hạn chế, khắc phục việc luật sư bị làm khó khi tham gia tố tụng”.

Ngành kiểm sát cam kết tạo thuận lợi

Chỉ đạo của Thủ tướng cũng chính là điều mà giới luật sư mong mỏi. Bởi lẽ trước đó, Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị đã mở hướng cho chủ trương nâng cao vị thế luật sư. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng có nhiều quy định đề cao vai trò, vị trí của luật sư. Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định việc phát triển nghề luật sư, nâng cao vị thế của luật sư là một nhiệm vụ của cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cơ quan, cán bộ tố tụng vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc chủ trương tiến bộ này.

Một năm rưỡi sau buổi tọa đàm nói trên, ngày 7-6-2011, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cùng VKSND Tối cao ký bản quy chế phối hợp giữa hai cơ quan.

Theo đó, VKSND Tối cao cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền cho luật sư trong việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ở giai đoạn điều tra, truy tố theo quy định. Về phía mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ chỉ đạo, giám sát các đoàn luật sư và luật sư tuân thủ nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự; có mặt kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu của VKS khi tham gia tố tụng trong các vụ án có luật sư chỉ định.

 

Căn cứ vào bản quy chế và tình hình thực tiễn, VKS các nơi và đoàn luật sư cùng cấp sẽ tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp công tác trong phạm vi địa phương mình.

VKSND Tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ có cơ chế trao đổi thường xuyên để xem xét, giải quyết kịp thời các đề nghị, khiếu nại, tố cáo của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự… Mỗi năm một lần hai bên luân phiên nhau chủ trì tổ chức họp trao đổi về những vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan…

Bắt tay với công an, tòa án

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đánh giá việc ký quy chế phối hợp với VKSND Tối cao là “bước đột phá có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc tham gia tố tụng của các luật sư thời gian qua”. Bên cạnh đó, sắp tới Liên đoàn còn có nhiệm vụ quan trọng không kém là ký các quy chế phối hợp tương tự với Bộ Công an và TAND Tối cao. Hiện công tác này đang được khẩn trương tiến hành.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh, trong ba ngành tố tụng thì ngành kiểm sát được giới luật sư đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các luật sư như giải quyết nhanh chóng các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, nghiên cứu sao chụp hồ sơ vụ án trong giai đoạn truy tố… Hạn chế lớn nhất chỉ là tại nhiều phiên tòa, kiểm sát viên đã không tranh luận đến cùng với luật sư.

Cạnh đó, nơi giới luật sư gặp nhiều rào cản nhất chính là cơ quan điều tra. Luật sư Thịnh nhận xét: “Để tạo thuận lợi cho mình, cơ quan điều tra nhiều khi đã cản trở, hạn chế quyền của luật sư. Họ có tâm lý sợ luật sư mớm cung, xúi giục bị can làm khó cho hoạt động điều tra nên tốt nhất là cứ cản trở, hạn chế để điều tra xong thì mới cho luật sư tham gia”.

Vì vậy, việc Liên đoàn Luật sư ký được các quy chế phối hợp với Bộ Công an và TAND Tối cao sẽ tiếp tục là một bước tiến lớn nữa trên con đường nâng cao vị thế luật sư. Bởi lẽ một khi đã có các quy chế cụ thể thì các đơn vị công an, tòa án cũng như các cán bộ tố tụng đều sẽ phải tôn trọng và thực thi cho đúng.

Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội