0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư tư vấn luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự

Câu hỏi luật sư Hà Nội: Em có một sự việc liên quan tới “Bồi thường thiệt hại Dân sự”, rất mong được sự tư vấn luật và hướng dẫn của Luật Sư:

Kính thưa luật sư, gia đình em ở Hà Nội. Bố mẹ em đổ rác gọn vào túi bóng và để bên đường chờ nhân viên vệ sinh đến đổ.  Do là rác mấy hôm ( vì cách vài ngày mới dọn 1 lần), nên rác có mùi và sinh bọ.

Đến ngày đổ rác, nhân viên vệ sinh đến đổ rác và thấy rác bẩn nên không có ý muốn dọn. Họ gọi bố mẹ em ra và phàn nàn rằng không muốn đổ rác. Hai bên đã lời qua tiếng lại, bố mẹ em đã nhân nhượng và tự mình bốc rác lên xe rác nhưng 1 người nhân viên (chị H) không chịu và đòi vứt xuống. Do giằng co hai bên, bố em đã vô tình vô ý đụng phải mắt chị H khi đang cúi xuống khiến mắt chị H bị tụ huyết (theo kết quả khám của  bác sĩ tại bệnh viện mắt trung ương – Hà Nội ) – Với sự chứng kiến của một vài người hàng xóm. Hơn nữa chị H đã từng gây xung đột với nhiều người trong xóm về vấn để chê rác bẩn không muốn dọn.

Trong quá trình điều trị bệnh việc ở Hà Nội có những chi phí phát sinh đến thời điểm hiện tại như sau:

–      Tổng chi phí đi lại khám chữa tại bệnh viện mắt trung ương – Hà Nội(2 lần): 1,000,000

–      Chi phí khám và thuốc: 1,500,000 (bác sỹ vẫn còn hẹn khám lại)

–      Tiền chị ý tự ý đi tiêm ngoài sự hướng dẫn của Bác Sỹ: 900,000

Thái độ của gia đình chị H: ban đầu chị H cũng muốn hòa giải và không muốn đưa ra xã, nhưng phía  gia đình không đồng ý, đã sang nhà gây gổ và tạo áp lực với gia đình em.

Về phía gia đình em: chủ động đưa chị H đi khám theo yêu cầu của chị H.

Trường hợp này, gia đình em phải chịu bồi thường như thế nào? bên chị H có phải chịu trách nhiệm gì không? Và nếu đưa ra công an xã thì hai bên sẽ bị xử phạt như thế nào? Rất mong được văn phòng luật sư dẫn luật và hướng dẫn cụ thể.

Luật sư, Tư vấn luật trực tuyến trả lời:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ:

1.1 Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng(mục 1 Phần I NQ 03/2006/NQ-HĐTP:

–         Phải có thiệt hại xảy ra.

–         Phải có hành vi trái pháp luật.

–       Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

–        Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

1.2 Xác định thiệt hại được quy định tại mục 1 phần II NQ 03/2006/NQ-HĐTP như sau:

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

–        Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

–       Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế;

–       Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;

–       Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…

II. Ý KIẾN TƯ VẤN LUẬT:

Căn cứ vào những cơ sở pháp lý nêu trên và những thông tin bạn cung cấp Ban tư vấn luật Công ty Luật Dragon giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Bố bạn phải chịu bồi thường vì:

Bố bạn đã vô ý gây thương tích cho chị H dẫn đến tổn hại về sức khỏe cho chị H và sức khỏe của chị H bị giảm sút là hậu quả trực tiếp của hành vi vô ý gây thương tích do bố bạn gây ra. Như vậy, vụ việc của bố bạn đã đáp ứng đủ 4 điều kiện nêu trên theo quy định pháp luật. Do đó bố bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho chị H.

Việc xác định những chi phí phải bồi thường thì căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên. Tuy nhiên những “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại” thì phải theo chỉ định của bác sỹ do đó gia đình bạn sẽ không phải chi trả khoản tiền chị H tự ý đi tiêm ngoài sự hướng dẫn của Bác Sỹ là 900.000 đồng. Còn những chi phí hợp lý khác theo chỉ định của bác sỹ thì gia đình bạn phải có trách nhiệm chi trả cho chị H.

2. Việc chị H có phải bồi thường hay không phải căn cứ vào lỗi của mỗi bên.

Trong trường hợp này bên phía bị hại cũng có lỗi do đó nêu 2 bên không thương lượng được mà phía bên bị hại khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án sẽ xác định lỗi của các bên và căn cứ vào đó bố bạn và chị H sẽ phải chịu bồi thường tương ứng với phần lỗi của mình.

3. Nếu đưa ra chính quyền thì gia đình bạn sẽ bị xử phạt như sau:

Nếu thương tật của chị H dưới 31% thì Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hành chính. Do đó tại NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác”. Đối với mức phạt nêu trên thì Công an xã không có thẩm quyền giải quyết mà người có thẩm quyền xử phạt đó là Trưởng Công an cấp huyện.

Nếu thương tật của chị H từ 31% trở lên và bên phía bị hại có yêu cầu khởi tố gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì bố bạn có thể bị khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự.

Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư phòng phụ trách tư vấn trực tuyến, miễn phí Công ty Luật Dragon mang mục đích tham khảo.

Trân trọng!

Tổ phụ trách tư vấn luật online – Luật sư Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội.

Email: dragonlawfirm@gmail.com