0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Minh Long trao đổi với báo infonet về Bác Sỹ Tường làm chết người rồi phi tang

Luật sư tại Hà Nội: Luật sư phân tích vì sao bác sĩ Tường không bị khởi tố về tội giết người.

Phóng viên Infonet hỏi: Theo luật sư, nếu không tìm thấy xác, khó khởi tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) về tội giết người. Cho đến nay, việc khởi tố theo Điều 242 sẽ “tiếp cận đúng hướng” giải quyết vụ án hơn…

Để cung cấp một cái nhìn khác, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Thưa luật sư, vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường –  làm chết người rồi “phi tang” xuống sông lại “nóng” lên khi Viện kiểm sát (VKS) phê chuẩn quyết định khởi tố bác sĩ Tường về tội danh mà khiến nhiều người bất ngờ. Ý kiến luật sư về vấn đề này thế nào?

 

 

Lúc đầu tôi khá bất ngờ. Điều này khác với suy nghĩ của rất nhiều văn phòng luật sư các công ty luật và người nghiên cứu pháp luật. Mới đây, VKS thay đổi tội danh từ giết người sang truy tố 2 tội danh theo Điều 242 “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và Điều 246 “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tôi tin chắc nhiều vì theo phỏng đoán của hầu hết các luật sư đều cho rằng bác sĩ Tường sẽ phải bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 99 BLHS hiện hành và hành vi “ném xác khách hàng xuống sông” chỉ là tình tiết tăng nặng theo Điều 48.

Ở đây, tôi không bàn nhiều đến việc truy tố theo điều 246 BLHS mà chỉ xin bàn kỹ về điều 242 BLHS.

Tại sao luật sư nói “lúc đầu khá bất ngờ” phải chăng bay giờ đã hết bất ngờ?

Bây giờ tôi thấy rằng việc VKS đưa ra truy tố này không phải không có cơ sở. Nếu truy tố theo điều 99 BLHS tức là lấy hậu quả “làm chết người” làm căn cứ ban đầu để truy tố. Tức là phải lấy cơ sở có người chết để làm căn khởi tố ban đầu sau đó mới đối chiếu với mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Căn cứ theo kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền, nếu giả thiết cho rằng nạn nhân còn sống mà Bác sĩ vẫn ném xuống sông, rồi sau đó chết thì mới có thể khởi tố ở tội giết người theo điều 93 BLHS hay tùy thuộc vào quá trình điều tra diễn biến nội dung vụ án để có căn cứ khởi tố ở điều 99 BLHS. Còn truy tố theo Điều 242 BLHS là lấy căn cứ chính là “hành vi” làm cơ sở ban đầu khởi tố.

Rõ ràng ở vụ án này, hành vi cung cấp dịch vụ y tế khi chưa đầy đủ thủ tục cấp phép và chuyên môn là có và dễ xác định. Hậu quả chết người được căn cứ trên lời khai của các nhân chứng và lời khai của chủ thể phạm tội. Nên nếu khởi tố theo Điều 242, việc truy tố, xét xử sẽ tiếp cận đúng hướng hơn.

Luật sư nghĩ sao, khi dư luận cho rằng việc truy tố theo Điều 242 không thỏa đáng so với hành vi và hậu quả vụ án?

Nói không thỏa đáng là không đúng. Dư luận người dân vẫn bị đánh lừa bởi câu chữ. Tôi nói thế này nhé, nếu truy tố bác sĩ Tường về tội giết người là rất khó. Tội giết người là tội phạm rất nghiêm trọng, các cơ quan tố tụng phải cân nhắc rất kỹ càng dựa trên những bằng chứng hết sức xác thực.

Mặt khác, việc truy tố bác sĩ Tường về tội “vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 99 BLHS cũng phải làm rõ được các vấn đề sau: Một là việc bác sĩ Tường làm chết bệnh nhân không phải vì cố ý, không phải xuất phát từ mục đích muốn bệnh nhân chết. Hai là việc làm chết bệnh nhân không có động cơ khác… Điều này là khá khó khi không tìm thấy xác nạn nhân, không có cơ sở giám định trên thi thể nạn nhân.

Tôi nghĩ khi đưa ra quyết định truy tố, VKS đã phải cân nhắc rất kỹ.

Dư luận đang cho rằng khởi tố theo Điều 242 BLHS là có lợi cho bác sĩ Tường, ý kiến của luật sư thế nào?

Không có cơ sở để nói khởi tố theo Điều 242 BLHS là có lợi cho chủ thể phạm tội. Vì sao? …Căn cứ hành vi diễn biến sự việc, kết quả điều tra phân loại và định tội danh, định khung hình phạt, quyết định hình phạt ngoài ra căn cứ vào tính chất phạm tội hành vi phạm tội, các yếu tố khác được bộ luật hình sự quy định và viện dẫn để áp dụng và khởi tố. Việc khởi tố theo điều 242 BLHS là dựa trên cơ sở và nguyên tắc quy trình điều tra, thu thập chứng cứ, lời khai, nhân chứng, phù hợp thể hiện các yếu tố cấu thành tội phạm. Nên đối với tội danh mà BS Tường bị khởi tố theo Điều 242 là có căn cứ. Không thể vì hành động của BS gây bức xúc dư luận mà có thể khởi tố ở 1 tội danh khác được. Chúng ta phải tuân thủ theo pháp luật các văn bản luật Việt Nam đã quy định.

Như vậy theo ý luật sư, việc truy tố theo điều 242 BLHS, Bs Tường có thể phải chịu hình phạt cao hơn truy tố tại điều 99 BLHS?

Đúng vậy. Tôi nhắc lại, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật, nếu truy tố theo Điều 99 BLHS, bác sĩ Tường sẽ chỉ bị truy tố theo khoản 1 tối đa không qua 6 năm tù. Còn căn cứ theo điều 242 BLHS, bác sĩ Tường có thể bị truy tố ở khoản 2 hoặc khoản 3 tối đa sẽ 15 năm tù.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, ở đây không phải truy tố theo điều nào để người phạm tội phải chịu hình phạt cao hơn điều nào, mà việc xác định tội danh trong Luật hình sự phải căn cứ vào hành vi phạm tội. Hành vi của bác sĩ Tường ban đầu là vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, bởi hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ mà chưa được cấp phép, sau đó lại gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết người, như vậy, có thể ứng với khung hình phạt của khoản 3 Điều 242 khá là phù hợp: “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm”. Sau đó, bác sĩ Tường lại có hành vi ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng, lúc này lại phạm thêm tội là “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Như vậy, xét theo hành vi của Bác sĩ Tường, nếu Viện kiểm sát và Tòa án tổng hợp hình phạt của cả hai tội trên, cũng có thể lên đến hơn 20 năm tù.

Điều quan trọng nhất không phải là chịu hình phạt cao hơn hay thấp hơn mà đúng người đúng tội. Tôi nghĩ với một vụ án thu hút sự chú ý của dư luận, người dân các cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc kỹ càng hơn.

Cảm ơn luật sư!

Tư vấn luật – Luật sư Nguyễn Minh Long

Theo nguồn Infonet