0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Luật sư bào chữa vụ án trốn thuế tiền tỷ ở Tỉnh Vĩnh Phúc

Văn phòng luật sư Dragon – Ngày 17 tháng 01 năm 2012, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 64/2011/HSST ngày 28 tháng 11 năm 2011 đối với bị cáo: Hà Hữu Hiển, sinh năm 1975; trú tại: Thôn Dầu, xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp; Giám đốc Công ty tnhh Việt thắng; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 27/5/2011, đến ngày 26/10/2011 được tại ngoại (có mặt).

Nguyên đơn dân sự: Chi cục thuế huyện Sông Lô

Địa chỉ: Thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Nguyễn Văn Nghiêm; chức vụ: Chi cục trưởng, vắng mặt);

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

– Ông Nguyễn Tiến hải, sinh năm 1950; trú tại: Thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

– Bà Phạm thị Minh, sinh năm 1959; trú tại: Số nhà 64, Đá Tờ, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (có mặt);

– Bà Phạm Thị Bích Nhiễn (tức Bốn), sinh năm 1968; trú tại: Số nhà 102, đường bà Triệu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt);

Người bảo vệ quyền lợi của bà Nhiễn: Ông Nguyễn Manh Tuấn, Luật sư, Công ty Luật thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).

Người bảo vệ quyền lợi của bà Nội: Luật sư Nguyễn Minh Long, Luật sư thuộc Công ty luật Dragon, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).

Thẩm định viên tư pháp về tài chính: Ông Nguyễn Quốc Bình, Giám định viên tài chính, Sở tài chính tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

Tại phiên tòa Viện kiểm sát dẫn chứng yêu cầu các thành viên trong công ty phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước cùng với Hà Hữu Hiển, vì Viện kiểm sát cho rằng Các cá nhân mặc dù ký hợp đồng góp vốn hợp tác, cùng nhau chia lợi nhuận, cùng tổ chức quản lý, cơ cấu thì phải chịu trách nhiệm nộp thuế trực tiếp và yêu cầu truy thu đối với từng cá nhân căn cứ theo kết luận cơ quan điều tra là phù hợp và cũng như  bản cáo trạng của viện kiểm sát là phù hợp. Đối chất và lập luận tại phiên tòa Luật sư Nguyễn  Minh Long phản biện rằng, việc Ủy ban tỉnh vĩnh phúc ký quyết định giao cho Công ty Việt thắng khai thác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mọi khoản thuế theo quy định của pháp luật, luật sư Long cũng viện dẫn, việc ký hợp đồng hợp tác liên kết cũng nói rõ việc Công ty Việt Thắng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan thuế, cũng như luật doanh nghiệp quy định về việc nộp thuế và truy thu thuế, Luật sư Nguyễn  Minh Long cũng viện dẫn các bản kết luận giám định công ty Việt thắng phải bồi hoàn thuế cho nhà nước là có căn cứ. Còn về phần nghĩa vụ tiền thuế hay các khoản chi phí khác giữa các cá nhân trong việc hợp tác sẽ tự thỏa thuận với Công ty Việt Thắng và các cá nhân sẽ có nghĩa vụ với Công ty Việt thắng, Nếu không thỏa thuận được thì sẽ phát sinh ở một vụ án khởi kiện dân sự khác.  Sau phần tranh luận tại phiên tòa, giờ nghị án đã kết thúc. Chủ tọa phiên tòa sau khi nghe đại diện viện kiểm sát và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho các đương sự trình bày.

Quan điểm của Hội đồng xét xử;

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra taị phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm soát viên, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác,

Lời khai nhận tội của bị cáo Hà Hữu Hiền tại Cơ Quan điều tra cũng như tại phiên tòa phù hợp với nhau, phủ hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng về thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm, cũng như các tài liệu chứng cứ khác được thu thập khách quan đúng pháp luật có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ khả căn cứ để kết luận:

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 2290/QĐ-UB ngày 13/8/2010, phê duyệt dự án và cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng Sông Lô thuộc địa bàn xã Bạch Lưu và xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng, Hà Hữu Hiền với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư và biên bản thỏa thuận vói các thành viên góp vốn là bà Nội, bà Minh, bà Bốn và ông Hải để khai thác mỏ cát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Hiển là các thành viên góp vốn đã tiến hành kkhai thác cát tại mỏ Bạc Lưu từ ngày 09/10/2010 đến ngày 29/12/2010 được khoảng 239.291m3, bán và thu được tổng số tiền 13.749.076.000đ. Mặc dù biết rõ phải có nghĩ vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhưng Hiển đã không cho theo dõi sổ sách theo quy định, chỉ kê khai thuế từ ngày 15/11/2010 đến 29/12/2010 là 5.407.795.895đ, bỏ ngoài không theo dõi trên hệ thống sổ kế toán, không kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà Nước doanh t hu đã bán cát số tiền là 8.341.280.105đ, trốn tổng số tiền thuế các loại và phí là 3.376.669.812đ (trong đó thuế giá trị gia tăng 758.298.191đ, thuế tài nguyên 758.298.191đ, thuế thu nhập doanh nghiệp 1.607.307.430đ và phí bảo vệ môi trường là 252.766.000đ).

Hành vi nêu trên của bị cáo Hà  Hữu Hiển đã phạm tội “trốn thuế”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 161 của bộ luật hình sự; cụ thế điều luật quy định:

“3.Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây mất trật tự trị an trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước. Do đó cần phải xét xử thật nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục riêng và đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung.

Xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Bị cáo Hà Hữu Hiển được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau đó được gia đình nuôi ăn học hết lớp 12/12 rồi ở nhà và thành lập doanh nghiệp. Qúa trình kinh doanh bị cáo là người có hiểu biết nhất định về pháp luật, được tập huấn nhiều văn bản liên quan đến thuế cũng như các chế độ chính sách quản lý doanh nghiệp, nhưng chỉ vì hám lợi cá nhân nên bị cáo đã không lập sổ sách kế toán theo dõi theo qui định , không kê khai doanh thu đầy đủ để trốn số tiền thuế và phí lên đến 3.376.669.812đ. Tuy nhiên, trước khi phạm tội bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không bị áp dụng tình tiết tăng nặng nào, do đó việc buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù là chưa cần thiết, cần chấp nhận để nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa để xử phạt tù cho bị cáo hưởng án treo,đồng thời ấn định một thời gian thử thách hợp lý rồi giao bị cáo cho chinh quyền địa phương nơi thường trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách cũng đủ để giáo dục cải tạo bị cáo trở thành người lương thiện, người công dân có ích cho xã hội. Đây cũng là cơ hội để bị cáo phấn đấu sửa chữa lỗi lần trở thành công dân chấp hành tốt hiến pháp và pháp luật.

Khi quyết định hình phạt có xem xét đến tình tiết: Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; sau khi phạm tội đã tác động với gia đình nộp được toàn bộ số tiền thuế phải nộp theo kỷ phần để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt theo qui định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngoài ra còn được xem xét đến tình tiết giảm nhẹ khác theo qui định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự đó là: Đây là lần đầu tiên bị Tòa án đưa ra xét xử, bị cáo có bố mẹ đẻ là người có công với nước được tặng thưởng Huân, Huy chương, gia đình chính sách, bản thân bị cáo có nhiều công lao đóng góp cho hiệp hội doanh nghiệp trẻ Vĩnh Phúc được được tặng thưởng nhiều giấy khen.

Về hình phạt bổ sung: Xét thấy hiện tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do tình hình suy thoái về tài chính trong nước và quốc tế nói chung, mặt khác nguồn thu nhập từ việc khai thác cát, sỏi của Công ty thì hiện tại đang bị tạmđình chỉ. Do đó cần miễn hình phạt bổ sung cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng.

Đối với các người có liên quan gồm: Các ông, bà Hà Thị Nội, Phạm Thị Minh, Phạm Thị Bích Nhiễn, Nguyễn Tiến Hải là những người góp vốn cùng với bị cáo Hà Hữu Hiển để kinh doanh, khai thác cát sỏi. Quá trình khai thác được chia một phần lợi nhuận theo kỳ phần vốn góp. Do đó Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Vĩnh Phúc không đề cập xử lý về hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Thực tế các người có nghĩa vụ liên quan gồm bà Nội, ông hải, bà Nhiễn và bà Minh mỗi người đều được hưởng một khoản tiền lợi nhận từ việc không nộp thuế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng do bị cáo Hiển là người đại diện. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của Công ty là Công ty trách nhiệm hữu hạn có 2 thành viên trở lên, hoạt động theo giấy phép kinh doanh thay đổi lần thứ 7 ngày 04/10/2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tinh Vĩnh Phúc cấp, quyết định cấp giấy phép hoạt động quy định Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng phải có nghĩa vụ nộp thuế và phí cho Nhà nước, các người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nêu trên không có tên trong thành viên của Công ty, không đăng ký mã số thuế theo qui định. Do đó nay nghĩa vụ phát sinh thì trước tiên thuộc về trách nhiệm Công ty, sau đó Công ty có quyền khởi kiện ra Tòa để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở các bên đã cam kết thỏa thuận với nhau.Vì vậy đề nghị của các người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền lợi của đương sự được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Bị cáo Hiển phải nộp tiền án phí hình sự  sơ thẩm. Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng phải nộp án phí dân sự trong hình sự theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố : Bị cáo Hà Hữu Hiển phạm tội “Trốn thuế”.

Áp dụng khoản 3 Điều 161: điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Hà Hữu Hiển: 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo về tội “trốn thuế”; thời gian thử thách là 05 (Năm) năm, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo Hà Hữu Hiển cho Ủy ban nhân dân xã Tứ Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Áp dụng Điều 76 bộ luật tố tụng hình sự; Điều 41, 42 Bộ luật hình sự.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng phải nộp cho Chi cục thuế huyện Sông Lô số tiền thuế và phí là 3.376.669.812đ. Xác nhận gia đình bị cáo Hà Hữu Hiển đã nộp số tiền 990.000.000đ, còn lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng phải nộp số tiền là 2.386.669.812đ (Hai tỷ, ba trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi chín nghìn, tám trăm mười hai đồng).

Kể từ ngày Chi cục thuế huyện Sông Lô có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền nêu trên Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng không nộp được, thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009.

Buộc bị cáo Hà Hữu Hiển phải chịu 200.000đ (Hai tram nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm. Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng phải nộp 79.733.396đ (bảy mươi chín triệu, bảy trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm chín mươi sáu đồng) án phi dân sự trong hình sự.

Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành án theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự cớ quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Luật sư Nguyễn  Minh Long