0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Công ty tăng giờ làm, đúng hay sai?

Khách hàng hỏi văn phòng luật sư: Tôi làm tại một trung tâm điện máy ở TP.HCM được khoảng hơn 1,5 năm. Tôi làm theo ca 7 giờ/ngày và 6 ngày/tuần với mức lương cơ bản 2,14 triệu/tháng, tổng thu nhập thực lãnh vào khoảng 2,9 triệu/tháng.


Gần đây công ty thông báo sẽ thay đổi giờ làm thành 14 giờ/ngày và 5 ngày/tuần, nhưng không thay đổi mức lương cơ bản mà chỉ hỗ trợ mức phụ cấp ca 14 giờ là 15% lương cơ bản và thêm tiền cơm, kèm theo một bản cam kết làm việc với thời gian như vậy. Công ty nói nếu không kí cam kết tiếp tục làm việc thì có nghĩa là tự chấp nhận nghỉ việc.

Tôi không ký cam kết và cũng không tự viết đơn xin thôi việc. Nhưng công ty lại buộc tôi phải tuân thủ theo thời gian làm việc mới, nếu không sẽ cho tôi nghỉ việc sau một tháng làm việc theo thời gian mới (hợp đồng của tôi còn thời hạn đến tháng 11-2012).

Công ty tôi làm như vậy là đúng hay sai? Nếu công ty đúng thì những nhân viên như chúng tôi khi nghỉ việc có được giải quyết chế độ bảo hiểm và trợ cấp thất nghiệp hay không? Nếu như công ty sai thì chúng tôi phải làm như thế nào và công ty phải có trách nhiệm thế nào nếu cho nhân viên chúng tôi nghỉ việc?

Văn phòng Luật sư trả lời:

– Điều 68 Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định như sau: Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.

Điều 69 BLLĐ quy định: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Theo quy định tại Điều 71 BLLĐ, người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc.

Điều 61 BLLĐ quy định:

1- Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.

Nếu làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm theo quy định tại khoản 2 điều 61 BLLĐ.

2- Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại điều 70 của BLLĐ (làm việc từ 21 giờ đến 5 giờ áp dụng các tỉnh từ TP. Đà Nẵng trở vào) thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.

Vậy chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, việc công ty bạn quy định NLĐ phải làm việc 14 giờ/ngày, và làm việc 5 ngày/tuần (70 giờ/tuần) là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật lao động. Và việc công ty bạn trả lương làm thêm giờ cho NLĐ với mức là bằng 15% của lương cơ bản cũng trái với quy định tại Điều 61 BLLĐ.

Ngoài ra, công ty buộc bạn phải ký kết văn bản cam kết làm việc với thời gian như bạn nêu trên, nếu bạn không chấp nhận ký vào văn bản cam kết với nội dung như trên thì công ty cho bạn nghỉ việc là công ty đã vi phạm nghiêm trọng Điều 29, 38 BLLĐ.

Trường hợp bạn không ký văn bản cam kết với nội dung như trên mà công ty cho bạn nghỉ việc thì công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trái luật. Căn cứ các Điều 157, 158, 166 BLLĐ, bạn có quyền khởi kiện công ty yêu cầu Tòa án nơi công ty có trụ sở giải quyết tranh chấp lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với bạn.

Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ, trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trái pháp luật, thì công ty buộc phải nhận bạn trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Trường hợp bạn không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền được bồi thường như nêu trên, bạn còn được công ty trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của BLLĐ hoặc bạn được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật BHXH (bạn chỉ được công ty trả trợ cấp thôi việc nếu trong thời gian làm việc bạn không đóng bảo hiểm thất nghiệp; còn trong thời gian bạn làm việc mà đã đóng bảo hiểm thất hiệm thì bạn được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật BHXH – theo quy định Điều 41 Nghị định số: 127/2008/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp).

Còn trong trường hợp công ty không muốn nhận bạn trở lại làm việc và bạn đồng ý thì ngoài khoản tiền được bồi thường và trợ cấp như nêu trên, bạn còn có quyền yêu cầu công ty phải trả thêm cho bạn một khoản tiền bồi thường thêm để chấm dứt hợp đồng lao động.

Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Sài Gòn