0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

6 ngày đấu trí với trùm giang hồ Hải “bánh”

Trung tá Nguyễn Văn Nên, người đã trực tiếp cung Hải “bánh”

Ròng rã 5 tháng 24 ngày ở trong các trại tạm giam, Hải “bánh” không hề hé răng. Hắn thừa biết, với tội gây rối trật tự công cộng thì thời gian tạm giam tối đa là 6 tháng và theo luật định cơ quan tố tụng không thể gia hạn. 6 ngày ít ỏi để “cạy miệng” tên trùm giang hồ là một thách thức lớn.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 13 tuổi, Hải “bánh” đã nếm mùi tù tội về tội trộm cắp và đánh lộn. 6 tiền án, 3 tiền sự và 13 “mùa xuân” ăn Tết trong tù đã đưa Hải “bánh” vào loại “tiền án nhiều hơn tiền mặt” và “ở tù nhiều hơn ở nhà”. Cũng vì thế mà ròng rã 5 tháng 24 ngày ở nhà tạm giữ Công an quận 1, qua Chí Hòa và Trại giam T.16B, hắn không hề hé răng. Tình thế này cũng đặt ra một vấn đề rất khó cho Ban chuyên án là nếu không cạy miệng được Hải “bánh” thì vụ án giết Dung Hà cũng như việc triệt phá đường dây tội ác của Năm Cam và đồng bọn gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi thống nhất với Công an Tp.HCM, ngày 23/11/2001, Hải “bánh” được Ban chuyên án quyết định di lý về Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang để tiếp tục đấu tranh khai thác. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Thiếu tá, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, và điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng được phân công trực tiếp xét hỏi Hải “bánh”.

Đúng 10h sáng 23/11/2001, nhận bàn giao bị can Hải “bánh” từ Trại giam T.16B Bộ Công an, hình như quá căng thẳng nên Thiếu tá Nguyễn Văn Nên và cộng sự quên cả ăn trưa. Đối với cán bộ điều tra, án truy xét đã là án khó, hơn nữa với Hải “bánh”, 5 tháng 24 ngày giam giữ, các đồng nghiệp của anh cũng đã làm hết cách, nhưng hắn vẫn ngoan cố không chịu khai báo. Mặc dù thời gian qua, anh có trực tiếp chỉ đạo điều tra, khám phá một số vụ án lớn như vụ buôn lậu xăng dầu xuyên quốc gia, vụ trộm cắp xe gắn máy liên tỉnh, bắt 94 tên, vụ Dũng “chim xanh”, vụ Hoàng “lựu đạn”… thế nhưng những kinh nghiệm qua các vụ án liệu có đủ để tấn công tên trùm giang hồ này không?

Đang lo lắng tìm phương cách đấu tranh với Hải “bánh” thì ngay chiều 23/11, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành (nay đã là Trung tướng) chuyển cho tổ công tác do Thiếu tá Nên đảm trách một tập “Nhật ký chuyên án Dung Hà” dày 130 trang, toàn tài liệu quý của Công an Hải Phòng, Công an To.HCM và các cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát thu thập được. Sau một đêm thức trắng vật lộn với tập hồ sơ, sáng 24/11, kế hoạch khai thác Nguyễn Tuấn Hải gồm 7 bước được hoàn tất. Có thể nói, đây là những tài liệu quan trọng giúp anh em hiểu thêm bản chất của vụ án và cả việc nhận định đối tượng gây án, phương thức thủ đoạn của các băng nhóm giang hồ hoạt động tại Tp.HCM. Đặc biệt thông qua tập hồ sơ “Nhật ký chuyên án Dung Hà”, các điều tra viên đã phân tích rõ vai trò, mối quan hệ, mâu thuẫn của Hải “bánh” liên quan trực tiếp đến cái chết của Dung Hà…

Mặc dù kế hoạch xét hỏi được xây dựng tỷ mỉ, nhưng qua 2 ngày trực diện với Hải “bánh”, các điều tra viên vẫn phải đối mặt với thái độ “không nghe, không thấy, không biết gì về vụ giết Dung Hà…” của Hải “bánh”. Đến khi vận dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh thì hắn kêu mệt và giả bệnh không thể làm việc được. Đây là trò “câu giờ” giết thời gian tạm giam mà Hải “bánh” cố tình gây ra.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nên quyết định đẩy mạnh khâu cảm hóa giáo dục, đồng thời đột phá vào những mâu thuẫn của Hải “bánh” trong vụ giết Dung Hà. Nhớ lại lần tiếp nhận Hải “bánh”, anh phát hiện ở dưới bụng của hắn có xăm hình phụ nữ lõa thể nằm sõng soài với một mũi tên xuyên qua ngực. Vì hình xăm là hình màu, đường nét khá công phu, tinh xảo nên chắc chắn bức hình ẩn chứa những điều uẩn khúc. Hơn nữa, từ khi về Trại Tiền Giang, Hải “bánh” chỉ có một bộ quần áo, không hề có đồ dùng cá nhân, trong buồng giam lại không có ai giúp đỡ nên Hải tỏ ra đơn độc. Qua nghiên cứu lai lịch, Thiếu tá Nên cùng cộng sự phát hiện Hải “bánh” là người rất thương con. Được sự đồng ý của lãnh đạo, ngay buổi sáng thứ 3 (kể từ khi Hải “bánh” chuyển về Trại tạm giam Tiền Giang), Thiếu tá Nên đã mang cho Hải 2 bộ quần áo, chăn màn, kem, bàn chải đánh răng và cho tiền mua thức ăn thêm. Khi thấy người cán bộ tặng quà cho mình, Hải “bánh” vội quỳ xuống đón nhận, hai tay run run và mắt ngấn lệ. Hải “bánh” cảm động thực sự trước sự đối xử nhân đạo, đầy tình người của cán bộ điều tra. Theo đúng luật, chỉ còn 72 tiếng đồng hồ nữa là phải trả tự do cho Hải “bánh”. Điều đó càng hối thúc các điều tra viên phải ra sức đấu trí với Hải…

Nhưng với một bị can như Hải “bánh” thì sự nôn nóng trong lúc này là hỏng việc. Vì thế suốt buổi sáng thứ 3, Thiếu tá Nên quyết định không hỏi về án từ, anh chỉ nói chuyện gia đình, hỏi thăm con cái, động viên Hải “bánh”. Khi hỏi về hình xăm người phụ nữ thì Hải “bánh” tỏ ra giận dữ rồi chuyển sang xúc động. Được động viên, Hải “bánh” bắt đầu thổ lộ: Khi con gái hắn mới được 2 tháng tuổi, hắn đã bị bắt. Ở nhà, vợ hắn ôm con về trả cho ông bà nội rồi bỏ sang Đức với tình nhân. Hắn hận “người đàn bà nhẫn tâm” ấy. Càng giận vợ, hắn càng thương con và ngược lại, vì thế nỗi sợ lớn nhất của Hải “bánh” là khai ra sự thật sẽ bị “dựa cột”, mà “dựa cột” thì đứa con gái sẽ “mồ côi” cả cha lẫn mẹ, đó là sự đau đớn và ân hận lớn nhất đối với Hải “bánh”…

Đã 3 buổi trưa, Thiếu tá Nên đều cho anh em mua bánh mì và nước suối về phòng hỏi cung để cùng ăn trưa với Hải “bánh”, cán bộ và bị can cùng một khẩu phần, không phân biệt. Các anh không ngờ, điều nhỏ nhặt này cũng làm cho Hải “bánh” suy nghĩ. Bằng kinh nghiệm điều tra, các anh đã đọc hết được suy nghĩ của Hải “bánh”, nhưng cần có thêm thời gian cho hắn suy nghĩ và ngay buổi chiều ấy, các anh vẫn kiên trì giáo dục, thuyết phục, động viên Hải “bánh” nên khai ra sự thật để được hưởng sự khoan hồng và chỉ có như thế, Hải mới tự cứu được bản thân hắn thoát chết.

Sau mấy ngày đêm căng thẳng tìm cách đấu trí, đấu lý với Hải “bánh”, anh em điều tra ăn không ngon, ngủ không được, thần kinh lúc nào cũng căng như dây đàn. Chùn bước lúc này nghĩa là đầu hàng, Thiếu tá Nên và điều tra viên Dũng động viên nhau và tỏ ra quyết tâm hơn. Sang ngày thứ 5, Hải “bánh” bắt đầu khai nhỏ giọt về các mối quan hệ giữa Năm Cam và Dung Hà. Sự hợp tác bắt đầu có hiệu quả, song phải đánh gục tư tưởng của Hải “bánh” khi mà hắn vẫn tin rằng, Công an không biết gì về vụ giết Dung Hà. Không còn thời gian chờ đợi nữa, Thiếu tá Nên quyết định vừa cảm hóa, thuyết phục, vừa bằng những chứng cứ thu thập được để “ra đòn” quyết định, làm cho Hải “bánh” hiểu rằng hành vi tổ chức giết Dung Hà của hắn, nếu không thật thà khai báo sẽ không còn cơ hội lập công chuộc tội và đường sống của hắn kể như khép lại.

Sau mấy đêm trằn trọc, cuối cùng Hải “bánh” đấu tranh, trăn trở giữa khai hay không. Biết được diễn biến tư tưởng của Hải “bánh”, bước sang ngày thứ 6, ngày làm việc cuối cùng, Thiếu tá Nên quyết định đột phá: “Sớm muộn gì chúng tôi cũng làm rõ hành vi giết người của anh, nhưng đây là cơ hội cuối cùng mà chúng tôi dành cho anh, anh nên thức tỉnh, nếu anh không biết tận dụng cơ hội này thì…”.

Hải “bánh” như có niềm tin và trút được nỗi lo “dựa cột”, hắn bắt đầu mở miệng khai báo rành mạch về vụ án giết Dung Hà và “tập đoàn” tội ác do Năm Cam cầm đầu

Nguyễn Thanh Hải